Bất ngờ cồng chiêng xứ núi Ba Vì

Hà Nội là Thủ đô vốn sở hữu nhiều giá trị văn hóa, và ở vùng núi Ba Vì có một di sản độc đáo, đó là văn hóa cồng chiêng của người Mường. Xã Vân Hòa, Yên Bài, Ba Trại… không chỉ có cảnh sắc nên thơ dưới chân núi hùng vĩ, mà còn có những đội văn nghệ đang từng ngày gìn giữ những điệu múa hát, cồng chiêng đậm đà bản sắc.

Giá trị một vùng đất

Men theo những con đường êm như ru, hai bên đường cây xanh rợn ngợp dưới chân núi Ba Vì sừng sững là nhiều khu du lịch sinh thái lừng danh, như: Khoang Xanh-Suối Tiên, Thác Đa, hay Suối Mơ-Thác Ngà, Trang trại Đồng quê, Paragon Hill… Ở nơi này, người ta có thể đắm mình trong trập trùng sương giăng, mây phủ, trở về với những truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh thuở xưa ở vùng núi Tản sông Đà.

Văn hóa cồng chiêng ở Ba Vì ngày càng phát triển

Văn hóa cồng chiêng ở Ba Vì ngày càng phát triển

Và cũng ở Ba Vì, khoảng chục năm trở lại đây, mỗi khi khai mạc mùa du lịch, những đội cồng chiêng lại được dịp biểu diễn say sưa trước thập phương du khách, xen kẽ những câu chuyện thuyết minh về nguồn gốc và lịch sử, gây hứng thú và ngạc nhiên cho mọi người. Chị Trần Tuyết Mai khi đến khu du lịch Paragon Hill (xã Vân Hòa), đã thốt lên: Đến vùng du lịch thì đa số khách dành hết tâm trí vào vẻ đẹp núi rừng, vì thế họ bị “bất ngờ một cách thú vị” khi được biết rằng, ở vùng núi xanh mây trắng rừng hoa thắm ấy còn lưu giấu trong lòng một văn hóa Mường độc đáo với những đội nghệ thuật cồng chiêng. Điều đó càng tạo nên sự hấp dẫn cho các khu du lịch, tăng giá trị văn hóa cho vùng đất này.

Sự tò mò kèm thán phục đã dẫn tôi trở về thôn Mồ Đồi, xã Vân Hòa, gặp nghệ nhân Đinh Hữu Tiến. Trong đôi mắt ngời sáng và giọng nói có chất âm vang của núi rừng, ông Tiến bảo rằng, văn hóa vùng Ba Vì có sự hòa quyện của người Dao và Mường. Người Mường ở Ba Vì có sự gắn kết mật thiết với người Mường ở Hòa Bình, sở hữu kho tàng cồng chiêng đặc sắc. Tuy nhiên, do thời gian, giặc giã tung hoành, có thời điểm nó bị quên lãng, chỉ một số ít người còn gìn giữ được. Năm 2012, huyện Ba Vì đã triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số” và đã có những đánh giá, nghiên cứu về bản sắc văn hóa ở 7 xã miền núi, gồm: Vân Hòa, Ba Trại, Tản Lĩnh, Yên Bài, Minh Quang, Khánh Thượng và Ba Vì. Nhờ sự đó mà cồng chiêng được phục hồi.

Tuy nhiên, điều này cũng không hề đơn giản. Lúc đầu thực hiện Đề án, công việc gặp rất nhiều khó khăn. Để tiếng cồng tiếng chiêng ngân vang trong không gian khoáng đạt của núi rừng thì phải có người chơi được nhạc cụ này. Nhưng người dân đã từ lâu không mấy quan tâm đến điều đó. Vì vậy, ông Tiến cùng một số bậc cao niên bàn với cán bộ xã đã mời nghệ nhân từ nơi khác về nói chuyện văn hóa cồng chiêng. Bản thân ông cũng chia sẻ kinh nghiệm, cùng những “ngón nghề” của mình để đánh thức niềm đam mê trong cộng đồng. Ông Tiến kể thêm rằng, để có những bộ cồng chiêng tốt, những đội văn nghệ, hoặc bản thân ông phải tìm về Hòa Bình, đặt các nghệ nhân đúc giỏi, mới có thể làm được những bộ 12 chiếc hoặc 14 chiếc ưng ý.

Ngược dòng thời gian, xưa kia tại xứ Mường Ba Vì, mỗi khi gia đình nào có việc, hoặc có lễ hội Mường là cồng chiêng lại thỏa sức ngân nga. Và hôm nay, vẫn còn những con người “nuôi” cồng chiêng bằng tâm huyết của mình.

Trong niềm tự hào

Ở huyện Ba Vì, xã Ba Trại cũng là nơi văn hóa cồng chiêng một thời rực rỡ. Nghệ nhân Đinh Thị Lan (80 tuổi), Đội phó đội cồng chiêng xã Ba Trại là người đã từng mang chiêng đi giao lưu ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, tham dự nhiều liên hoan văn hóa âm nhạc cồng chiêng và đạt những giải cao. Bà bảo rằng, các bậc cao niên trong vùng kể rằng, người Mường đã di cư từ Hòa Bình về chân núi Ba Vì từ hàng trăm năm trước. Cồng chiêng không chỉ được sử dụng trong những dịp lễ hội, sự kiện mà còn là phương tiện truyền đạt thông tin. Người Mường dựa vào sắc thái, nhịp điệu của âm thanh mà biết được những công việc của làng, bản để tập trung lại. Tiếng cồng còn là lời gọi tỏ tình của các chàng trai, cô gái trong những đêm trăng sáng. Tiếng cồng trong ngày cưới theo nhịp ba náo nức, tươi vui gióng giả đối đáp nhau, mang ý nghĩa cầu mong hạnh phúc cho cặp vợ chồng trẻ.

Nghệ nhân Đinh Thị Lan tâm sự, những người như bà rất vui mừng vì văn hóa cồng chiêng đã được quan tâm, khôi phục. Mỗi thành viên của đội đều thấy tự hào vì nhiều nơi trong vùng khi có sự kiện văn hóa, có lễ hội đều mời đội cồng chiêng Ba Trại đi giao lưu, biểu diễn. “Trước đây, khi Hà Nội chưa sáp nhập với Hà Tây, thì người Mường ở Ba Vì cũng đón tết, các lễ hội như người Kinh. Những năm gần đây thì khác. Văn hóa của người Mường đã được khôi phục”, bà Lan bày tỏ.

Xã Yên Bài, cách trung tâm huyện Ba Vì không xa, có tới 47% dân số là người dân tộc Mường. Họ sinh sống ở 5/8 thôn, xen kẽ với người Kinh nên nhiều giá trị văn hóa bị mai một. Nhưng hiện nay, khi các đội văn nghệ thôn được thành lập, người già truyền dạy cho người trẻ, người biết nhiều dạy người biết ít. Tất thảy nhiệt tình tham gia tập luyện lưu giữ các giá trị văn hóa của bản Mường.

Đến nay, trong 7 xã thực hiện Đề án đã thành lập được 12 đội cồng chiêng và hoạt động tích cực, giúp cồng chiêng hồi sinh.

Bao câu hát về Ba Vì đã ngân lên. Bao năm tháng cồng chiêng ngân lên ở thời kỳ hoàng kim, đã giúp miền mây trắng trở thành vùng du lịch, vùng văn hóa và vẫn đang tiếp tục tỏa sáng. Hôm nay, tiếng cồng lại dội vào tôi những âm hưởng của cuộc sống, trong không gian cảnh sắc hữu tình, níu giữ tôi ở lại…

Thúy Oanh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/bat-ngo-cong-chieng-xu-nui-ba-vi-92076.html