Bất ổn chính trị sẽ nhấn chìm trái phiếu Pháp?

Biến động chính trị ở Pháp đang khiến các lỗ hổng tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai của Liên minh châu Âu (EU) cần phải được đánh giá lại.

Nhiều người lo ngại rằng viễn cảnh chính trị rối loạn, tăng trưởng kinh tế suy yếu và gánh nặng nợ ngày càng tăng có thể làm giảm sức hấp dẫn lâu dài của Pháp đối với các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ khoảng một nửa số nợ chính phủ của nước này.

Có những hoài nghi rằng những điều này sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn giống như cuộc khủng hoảng thị trường trái phiếu chính phủ do cựu Thủ tướng Anh Liz Truss gây ra vào năm 2022. Và theo đó thị trường trái phiếu của Pháp có thể ngày càng giống thị trường Ý theo thời gian, phải đối mặt với chi phí đi vay cao hơn vĩnh viễn và trở thành điểm nóng tiềm tàng khi các cuộc khủng hoảng xảy ra ở EU.

Mark Dowding, chiến lược gia của RBC BlueBay Asset Management cho biết: “Điều này đang gây ra một số lo ngại đối với những nhà đầu tư có thể đã tự mãn về những rủi ro chính trị và rủi ro bền vững tài chính của Pháp… Nếu Pháp ban hành các chính sách sai lầm theo thời gian, không có lý do gì nước này không thể rơi vào tình trạng giống như nước Ý ngày nay”.

Kể từ khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố bầu cử sớm vào đầu tháng trước, khoảng cách giữa lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Pháp và Đức đã tăng vọt từ 0,48 điểm phần trăm lên 0,85 điểm phần trăm vào tuần trước, mặc dù sau đó đã giảm xuống 0,71 điểm phần trăm.

Rohan Khanna, chiến lược gia của Barclays cho biết, lợi suất trái phiếu của Pháp đang ở mức cao nhất so với sự kết hợp giữa lãi suất trái phiếu chính phủ Đức cực kỳ an toàn và trái phiếu rủi ro hơn của Tây Ban Nha kể từ đầu những năm 2000.

Chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Pháp vả Đức tăng mạnh

Chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Pháp vả Đức tăng mạnh

Chiến thắng ở vòng bỏ phiếu đầu tiên của Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu của bà Marine Le Pen vào cuối tuần qua trong khi liên minh Mặt trận bình dân mới (NFP) cánh tả đứng thứ hai đã làm tăng thêm lo ngại về tình trạng bất ổn chính trị tiếp theo trước vòng bỏ phiếu thứ hai vào ngày 7/7. Nó cũng làm gia tăng lo ngại của thị trường về bế tắc chính trị hoặc một cuộc khủng hoảng tài chính và có khả năng loại bỏ các chính sách thân thiện với thị trường, điều này có thể gây tổn hại đến niềm tin sau cuộc bầu cử.

Một số ý kiến cho rằng nếu quốc hội “bị treo” hoặc đa số hoàn toàn thuộc về RN là những kết quả có thể xảy ra nhất sau vòng hai. Trong trường hợp RN giành được kết quả tốt, Tổng thống Emmanuel Macron có thể phải đối mặt với một thỏa thuận chia sẻ quyền lực không mấy dễ chịu với phe cực hữu.

Sự không chắc chắn xảy ra vào thời điểm ngân sách ở Pháp đang suy yếu. S&P Global đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Pháp vào tháng 5, động thái được thực hiện sau Fitch Ratings. Theo Ủy ban châu Âu (EC), Pháp được dự báo sẽ thâm hụt ngân sách ở mức 5% GDP vào năm tới, giảm nhẹ so với mức 5,3% trong năm nay nhưng vẫn là một trong những mức thâm hụt ngân sách cao nhất ở EU và cao hơn của Ý.

Pháp cũng phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài - bao gồm một nhóm các định chế của Nhật Bản đang tìm kiếm các tài sản an toàn của châu Âu - để mua trái phiếu chính phủ. Các nhà phân tích cho biết, mặc dù điều này mang lại cho Pháp cơ sở nhà đầu tư đa dạng hơn so với một số quốc gia khác, nhưng nó cũng khiến nó dễ bị tổn thương hơn trước những thay đổi mạnh mẽ trong tâm lý.

Theo dữ liệu của Eurostat, một nửa số nợ của chính phủ Pháp là do người không cư trú nắm giữ, so với khoảng 27% ở Ý và 43% ở Tây Ban Nha. Trong khi các hộ gia đình Ý nắm giữ 11% số nợ của đất nước thì con số đó ở Pháp là 0,1%.

Tomasz Wieladek, nhà kinh tế tại T Rowe Price cho biết, thị trường đang lo lắng về những gì các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ làm, đặc biệt là vì những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Nhật Bản có thể khiến giao dịch của họ kém sinh lời hơn.

Vào ngày 19/6, EC đã đề xuất mở một thủ tục xử lý nợ quá mức đối với Pháp do đã cảnh báo về rủi ro cao xuất hiện từ phân tích tính bền vững nợ của nước này trong trung hạn. Tỷ lệ nợ chung của chính phủ Pháp đang có xu hướng tăng liên tục lên khoảng 139% GDP vào năm 2034.

Cho đến nay, Pháp đã tránh được những cuộc khủng hoảng như đã xảy ra ở Ý và Anh trong những năm gần đây.

Trong khi đó, phân tích của JPMorgan cho thấy Pháp có thể vượt qua sự tăng vọt đột ngột về chi phí đi vay. Theo đó, một cú sốc khi chi phí đi vay tăng 1,5 điểm phần trăm trong thời gian hai năm sẽ chỉ nâng tỷ lệ nợ trên GDP lên hơn 115%, cao hơn một chút so với dự báo trung tâm.

Điều này một phần là do trái phiếu của Pháp có kỳ hạn tương đối dài, với kỳ hạn trung bình là 8,5 năm. Theo Barclays, chỉ 8-10% số nợ của Pháp được tái cấp vốn hàng năm, làm chậm tác động của việc gia tăng chi phí đi vay.

Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại Berenberg cho biết: “Kịch bản của của cựu Thủ tướng Liz Truss có vẻ khó xảy ra vào thời điểm này. Tôi không thấy thị trường trái phiếu Pháp có sự gián đoạn đột ngột”.

Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản dài hạn của nước này đang không tốt, đặc biệt nếu Pháp không đồng tình với các chính sách ủng hộ tăng trưởng của Tổng thống Macron. Cách tiếp cận mang tính đối đầu với EU được xem là làm tăng nguy cơ bất ổn rộng hơn ở EU. Một số nhà đầu tư cũng lo lắng rằng việc bán tháo trái phiếu chính phủ của Pháp trên diện rộng sẽ gây ra sự lây lan sang các nước châu Âu khác, buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải can thiệp.

Nợ công của Pháp đã tăng trên 115% GDP vào năm 2020, gần gấp đôi so với năm 2007. Năm ngoái, tỷ lệ nợ trên GDP của nước này lớn thứ ba trong EU, sau Hy Lạp và Ý ở mức 111% GDP.

Trong bối cảnh đó, có khả năng chi phí đi vay cao hơn hoặc bị hạ xếp hạng tín nhiệm hơn nữa, đặc biệt nếu tăng trưởng chững lại.

“Nó làm tăng thêm một vấn đề tài chính nghiêm trọng về lâu dài”, ông Holger Schmieding cho biết.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bat-on-chinh-tri-se-nhan-chim-trai-phieu-phap-post348723.html