Bẫy người từ xứ sở chùa tháp
'Việc nhẹ, lương cao' là cái bẫy từ chính từ các đối tượng người Việt giăng sẵn để dụ dỗ, lừa gạt những lao động trong nước muốn có nhiều tiền sang Campuchia làm việc. Nơi xứ người, thiên đường trong mơ hóa địa ngục giữa đời thực khi bị bắt ép làm việc tại các sòng bạc, công ty lừa đảo, bị đánh đập, ngược đãi; người nhà phải bỏ cả trăm triệu đồng để chuộc về, nhiều trường hợp ngày về nước chỉ còn là hộp tro cốt lạnh lẽo.
Những ngày gần đây, chính quyền Campuchia đã phát động các đợt truy quét mạnh và đã trao trả cho phía Việt Nam nhiều đối tượng phạm tội cũng như các nạn nhân bị dụ dỗ! Nhưng cạm bẫy không vì thế mà “gỡ” được hết!
Bỏ mạng bên kia biên giới
Sau hơn 3 tháng bặt tin, một ngày giữa tháng 7/2025, bà Đào Thị Tứ (sinh năm 1962), trú tại thôn Thái Hòa, xã Can Lộc (Hà Tĩnh) ngã quỵ khi nhận thông báo từ Công an xã về việc cảnh sát Campuchia phát hiện con trai bà là Nguyễn Ngọc H. (sinh năm 1991) đã tử vong trong nhà vệ sinh tại một tỉnh của nước bạn, giáp với biên giới Việt Nam. Để đưa thi thể về Việt Nam, gia đình bà Tứ được yêu cầu nộp số tiền 160 triệu đồng, gia đình đã vay mượn được 50 triệu và đang vào cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh) để chờ nhận thi thể nạn nhân đưa về quê mai táng.

Công an Hà Tĩnh tiếp nhận đối tượng trong đường dây lừa đảo tại Campuchia (tháng 2/2025).
Trong nỗi đau đớn tột cùng, bà Tứ kể, cho đến giờ phút này, gia đình vẫn không hiểu vì sao H. lại lưu lạc sang tận Campuchia và bỏ mạng oan uổng tại đó. Bố mất sớm, gia đình có 4 anh em, hoàn cảnh khó khăn nên đang học dở đại học, H. đành bỏ ngang về quê phụ mẹ kiếm sống. Khoảng đầu tháng 3/2025, H. báo với gia đình có người gọi đi làm việc nhẹ lương cao nên xin phép đi ít ngày. Tuy nhiên, từ đó đến khi nhận được tin dữ, bà Tứ và mọi người trong gia đình bỗng dưng mất liên lạc với con trai, mọi nỗ lực liên lạc đều vô vọng. Khi tai họa ập uống, kết nối từ nhiều nguồn tin khác nhau, mọi người mới biết, anh Nguyễn Ngọc H. bị các đối tượng lừa sang Campuchia làm việc, sau đó có thể bị ép vào hoạt động tại các công ty lừa đảo rồi bị đánh đập, ngược đãi và sát hại rồi vứt thi thể vào nhà vệ sinh.
Từ thông tin trên CCCD trong thi thể, cảnh sát nước sở tại đã liên hệ với Công an xã Can Lộc để báo cho gia đình phối hợp trong việc điều tra, nhận diện thi thể. Gia đình xác nhận, giấy tờ tùy thân và hình ảnh từ nước sở tại gửi về chính là của em Nguyễn Ngọc H. Hồi đầu tháng 6/2025, em Lê Hữu Đ. (sinh năm 2007), trú tại xã Ea Tul, tỉnh Đắk Lắk cũng được gia đình phát hiện đã tử vong hơn 2 tháng trước đó, thi thể được bảo quản tại một nhà xác trong khuôn viên một ngôi chùa ở Campuchia. Cuối năm 2024, người này bị kẻ xấu lừa sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch gần cửa khẩu Hà Tiên, bị ép làm việc tại một sòng bài và từ tháng 3/2025 thì mất hoàn toàn liên lạc với gia đình. Để đưa được thi thể con trai về quê mai táng, gia đình đã phải nộp số tiền 250 triệu đồng cho một nhóm đối tượng người Việt ở Campuchia.

Nhóm đối tượng người Việt làm việc tại các trung tâm lừa đảo bị cảnh sát Campuchia truy quét, trục xuất, trao trả cho Việt Nam.
Trong những năm gần đây, lợi dụng nhu cầu tìm kiếm việc làm của người dân tăng cao, đặc biệt đánh vào lòng tham của một bộ phận giới trẻ thích tìm “việc nhẹ, lương cao”, tội phạm mua, bán người đang có xu hướng gia tăng trở lại. Nếu như trước đây, địa bàn hướng đến chủ yếu là Trung Quốc và Đài Loan thì thời gian gần đây, nổi lên là tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia với sự xuất hiện của nhiều đường dây mua bán người có tổ chức. Điều này xuất phát từ thực tế là tại một số tỉnh giáp biên giới với Việt Nam của các nước láng giềng gồm Lào và Campuchia đã hình thành nên nhiều hang ổ lừa đảo xuyên quốc gia, hoạt động kín kẽ, ẩn mình trong các khu tự trị, đặc khu kinh tế, được thiết lập như một “đế chế” riêng, bất khả xâm phạm do người nước ngoài chủ mưu, cầm đầu.
Chẳng may sa chân vào các ổ nhóm lừa đảo đội lốt công ty này, người lao động bị quản lý gắt gao, làm việc từ 16 - 20 tiếng mỗi ngày, bị đánh đập, hành hạ, cưỡng bức lao động và cưỡng bức tình dục. Nhiều trường hợp không chịu được buộc phải cầu cứu gia đình thì bị bọn buôn người ra giá tiền chuộc từ 150 - 250 triệu đồng, thậm chí nhiều hơn nữa tùy từng trường hợp. Đã có nhiều gia đình ở Việt Nam mất tiền, may mắn chuộc được con trở về, nhưng cũng không ít ông bố, bà mẹ mất tiền chỉ để nhận thi thể, hoặc hộp tro cốt lạnh lẽo từ xứ người.
“Bẫy người” nơi xứ mình
Bà Bùi Thị Ngọc Bình (sinh năm 1978), trú tại phường Tân Sơn Nhì, TP Hồ Chí Minh có con trai là Nguyễn Văn B. (sinh năm 2009), hiện đang là học sinh lớp 10 một trường THPT trên địa bàn, bỗng dưng mất tích bí ẩn từ ngày 22/6. Sau nhiều ngày liên hệ với con trong vô vọng, đến ngày 15/7, bà Bình nhận được điện thoại số lạ gọi về từ Campuchia yêu cầu nộp số tiền 285 triệu đồng để chuộc con. Làm theo yêu cầu, hai ngày sau đó người mẹ này may mắn gặp lại đứa con trai của mình trong tình trạng hoảng loạn sau quá trình bị lừa bán qua nhiều nơi, bị đánh đập, tra tấn, chích điện ở xứ người.
Trước vấn nạn người dân Việt Nam bị lừa sang làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài vẫn diễn biến phức tạp, tại nhiều địa phương trong nước đã xác lập các chuyên án, phối hợp với cảnh sát nước sở tại mở nhiều chiến dịch truy quét tội phạm, bắt giữ hàng trăm đối tượng. Điển hình, tháng 2/2025 Công an Hà Tĩnh phối hợp với cảnh sát Campuchia và cảnh sát Philippines ập vào sào huyệt của ổ nhón tội phạm tại Phnôm Pênh, bắt giữ và khởi tố 50 đối tượng. Đây là tổ chức lừa đảo chuyên nghiệp do người Trung Quốc cầm đầu, hoạt động dưới hình thức đầu tư tiền điện tử Bitcoin (BTC) trên ứng dụng UNISAT và lừa đảo làm nhiệm vụ Tiktok, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 8/2024, Công an Hà Tĩnh cũng đã vào tận hang ổ để triệt phá đường dây lừa đảo xuyên quốc gia ẩn mình trong đặc khu kinh tế Tam giác vàng ở tỉnh Bokeo (Lào), bắt 155 đối tượng, giải cứu 36 nạn nhân. Mới đây nhất, tháng 6/2025, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoạt động tại Campuchia, do các đối tượng người Việt Nam câu kết với đối tượng người Trung Quốc cầm đầu, tạm giữ hình sự 13 đối tượng.

Bà Đào Thị Tứ khóc ngất khi biết tin con trai tử vong tại Campuchia.
Đặc biệt, từ cuối tháng 6/2025, sau khi Thủ tướng Campuchia Hun Manet ban hành chỉ thị về chiến dịch truy quét tội phạm lừa đảo trực tuyến, mở rộng phạm vi truy quét lên 9 trong tổng số 25 tỉnh, thành trong cả nước, cảnh sát nước này đã đồng loạt tiến hành truy quét, đột kích 45 địa điểm là nơi hoạt động của các nhóm lừa đảo. Giới chức trách đã bắt giữ hơn 2.200 nghi phạm, trong số này có 161 công dân Việt Nam. Trong ngày 4/7, Công an tỉnh Tây Ninh đã tiếp nhận 38 công dân (27 nam, 11 nữ) do Cảnh sát Campuchia bàn giao do vi phạm xuất, nhập cảnh và lao động trái phép ở tỉnh Svay Riêng. Sau khi tiếp nhận, sàng lọc, Công an phát hiện có 29 người làm việc trong các công ty liên quan đến cờ bạc, lừa đảo qua mạng tại Campuchia.
Cũng tại Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, trước đó Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) tiếp nhận 410 công dân Việt Nam trở về từ Campuchia. Đây là số người Việt Nam mà cơ quan chức năng Campuchia đã tạm giữ trong quá trình kiểm tra hành chính khu vực casino và resort thuộc TP Bavet, tỉnh Svay Riêng do nghi vấn vi phạm xuất, nhập cảnh trái phép và lao động trái phép. Qua xác minh, sàng lọc, cơ quan Công an phát hiện trong số người này có hơn 300 người xuất cảnh trái phép qua địa bàn các tỉnh biên giới; 15 trường hợp có dấu hiệu liên quan đến lừa đảo qua mạng xã hội; 5 đối tượng có quyết định truy tìm, 1 đối tượng có lệnh bắt tạm giam và 4 đối tượng có quyết định truy nã của Công an các tỉnh, thành phố trong nước.

Hình ảnh nam sinh lớp 10 tại TP Hồ Chí Minh và tin nhắn yêu cầu tiền chuộc được nhóm tội phạm gửi về từ Campuchia để ép buộc gia đình .
Những con số được thống kê hằng năm về nạn nhân là người Việt Nam bị lừa bán, bị cưỡng bức, đánh đập hoặc trở thành món hàng, được mua bán qua nhiều nơi ở Campuchia chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Hoạt động của tội phạm trong lĩnh vực này đang rất nhức nhối, không ít đối tượng từ nạn nhân của chiêu lừa “việc nhẹ, lương cao” đã trở thành đối tượng lừa mua bán người xuyên quốc gia. Nạn nhân không chỉ phụ nữ, thanh niên mà còn có cả trẻ vị thành niên, thậm chí học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Phần lớn lao động đều xuất ngoại bằng con đường vượt biên trái phép qua đường tiểu ngạch, làm việc trong điều kiện không được pháp luật bảo hộ và việc bị đánh đập, chích điện diễn ra như cơm bữa nếu không hoàn thành được KPI công việc của nhóm lừa đảo đặt ra.

Nhóm 13 đối tượng lừa đảo tạo Campuchia bị Công an Thanh Hóa bắt giữ (tháng 6/2025).
Trong thời gian tới, dự báo tình hình công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc tại các cơ sở đánh bạc trực tuyến, bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản tiếp tục diễn biến phức tạp. Do vậy, để không tự biến mình thành nạn nhân của loại tội phạm này, mỗi công dân cần nâng cao cảnh giác trước những lời mời gọi việc làm lương cao, đặc biệt qua mạng xã hội. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/bay-nguoi-tu-xu-so-chua-thap-i775950/