'BĐBP chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu' là hoàn toàn phù hợp

Sau khi cho ý kiến việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội triển khai lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trên phạm vi cả nước và các bộ, ngành vào dự thảo luật.

Đến nay đã có 68 báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp về dự thảo Luật BPVN của đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành có liên quan. Hầu hết các báo cáo đều nhất trí với quy định “BĐBP chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu” trong dự thảo Luật BPVN.

Quy định đúng chủ trương của Đảng và hệ thống pháp luật

Báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia vào dự thảo Luật BPVN của Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, do ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng ký, nêu rõ: Đa số ý kiến đại biểu cho rằng, tại Khoản 2, Điều 12, dự thảo Luật BPVN quy định: “BĐBP có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước chính sách, pháp luật về biên phòng; thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật” là hoàn toàn phù hợp, vì: Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG) xác định: “BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới; đấu tranh phòng, chống có hiệu quả tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới; đối phó thắng lợi các thách thức an ninh phi truyền thống; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới; quản lý, bảo vệ vững chắc BGQG”.

 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lạn (BĐBP tỉnh Sơn La) tuần tra, kiểm soát khu vực cột mốc số 187. Ảnh: Trần Đức

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lạn (BĐBP tỉnh Sơn La) tuần tra, kiểm soát khu vực cột mốc số 187. Ảnh: Trần Đức

Bên cạnh đó, tại Khoản 2, Điều 31, Luật BGQG năm 2003 quy định: “BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ BGQG, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật”.

Mặt khác, tại Điểm C, Khoản 1, Điều 22, Luật An ninh quốc gia năm 2004 quy định: “BĐBP là cơ quan chủ trì bảo vệ an ninh quốc gia ở khu vực biên giới trên đất liền và khu vực biên giới trên biển”.

Tại Khoản 2, Điều 35, Luật Quốc phòng năm 2018 quy định: “Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về BGQG; duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam theo quy định pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên”.

Tại Khoản 5, Điều 16, Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định: “Công an nhân dân phối hợp với Quân đội nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ BGQG, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển, vùng trời và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định pháp luật”.

Bên cạnh đó, hiện có 10 văn bản dưới luật, bao gồm 9 nghị định của Chính phủ, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định Bộ Quốc phòng (trực tiếp là BĐBP) “chủ trì” về an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu; 1 điều ước quốc tế về biên giới, cửa khẩu quy định lực lượng BĐBP Việt Nam “chủ trì” kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động xuất, nhập cảnh của người, phương tiện; công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG, phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Quy định phù hợp với thực tiễn

Đồng thời, báo cáo của Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng cũng nêu rõ, trên cơ sở thực tiễn trải qua hơn 61 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, do tính chất nhiệm vụ, BĐBP có 28 năm thuộc Bộ Công an, hơn 33 năm thuộc Bộ Quốc phòng, dù ở Bộ Công an hay Bộ Quốc phòng, BĐBP luôn khẳng định rõ vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Cùng quan điểm với Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, tại báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia vào dự thảo Luật BPVN của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, do ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh ký, nêu rõ: Các ý kiến đại biểu đều cơ bản nhất trí với dự thảo Luật BPVN, sự cần thiết ban hành luật, đồng thời, nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật BPVN của UBTVQH. Dự thảo Luật BPVN đã phản ánh một cách khách quan, toàn diện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP. Báo cáo khẳng định: Tại Khoản 2, Điều 12, dự thảo Luật BPVN quy định chức năng của BĐBP: “Chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật” là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, đảm bảo nguyên tắc “Một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”. Thực tiễn đã chứng minh, BĐBP đã và đang thực hiện tốt chức năng chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Để bảo đảm tính thống nhất quy định về chức năng, nhiệm vụ của BĐBP trong dự thảo Luật BPVN, tại báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia vào dự thảo Luật BPVN của Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre, do bà Trần Thị Thanh Lam, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre ký, khẳng định: Tại Khoản 4, Điều 13, dự thảo Luật BPVN quy định nhiệm vụ của BĐBP: “Duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”. Khoản 2, Điều 12 quy định BĐBP có chức năng: “Chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội...”. Thực tiễn qua tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP cho thấy, BĐBP luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo thêm từ “chủ trì” trước Khoản 4, Điều 13, dự thảo Luật BPVN để tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước tại khu vực biên giới.

Từ những lập luận tương tự như trên, nhiều đoàn ĐBQH và các bộ, ngành cũng khẳng định, dự thảo Luật BPVN quy định BĐBP có chức năng, nhiệm vụ: “Chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật” là hoàn toàn phù hợp.

TRẦN ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bdbp-chu-tri-duy-tri-an-ninh-trat-tu-an-toan-xa-hoi-o-khu-vuc-bien-gioi-cua-khau-la-hoan-toan-phu-hop-641319