Bế mạc Liên hoan phim Tokyo 36: Những ấn tượng khó phai

Hơn 2.000 khách mời quốc tế đến với Liên hoan phim Tokyo 36 (TIFF 36) so với 104 khách mời của TIFF 35, cùng hơn 20.000 lượt khách tham gia chuỗi sự kiện gốm các chương trình chiếu phim, lớp học cao cấp, tọa đàm, sự kiện giao lưu… trong khuôn khổ 10 ngày liên hoan phim diễn ra đã phần nào cho thấy ngành công nghiệp điện ảnh châu Á đang phục hồi mạnh mẽ sau những năm đại dịch covid.

Không khí lễ hội của TIFF 36 với các hoạt động diễn ra liên tục trong 10 ngày (từ 22.10 – 1.11) ở khu mua sắm, cao ốc văn phòng ngay trung tâm Tokyo là Hibiya – Yurakucho – Marunouchi – Ginza, diễn ra đầy sôi động. Khán giả Tokyo và khách quốc tế đến Tokyo dịp này đã mãn nhãn với 219 phim tuyển lựa từ khắp thế giới để trình chiếu trong suốt những ngày diễn ra lễ hội.

Con số từ ban tổ chức cho biết có đến 74.841 lượt khách xem phim, cao hơn nhiều so với 59.541 lượt của năm 2022.

Khán giả chật kín xem tác phẩm The Pot-au-Feu của đạo diễn Trần Anh Hùng.

Ở TIFF 36, các tác phẩm được mọi người đón chờ tập trung nhiều ở hạng mục Competition với 15 phim, để từ đây chọn ra phim danh giá nhất đoạt giải Tokyo Grand Prix với giá trị giải thưởng là 3 triệu Yên Nhật (tương đương 490 triệu đồng).

Là người Việt đầu tiên được chọn làm thành viên trong ban giám khảo TIFF 36, một Liên hoan phim quốc tế hạng A, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cho biết: “TIFF 36 cho chúng tôi cơ hội được xem những phim mới, là nơi kết nối những con người tuyệt vời lại với nhau. 10 ngày để xem 15 phim với những thảo luận, đánh giá, chọn ra phim hay nhất là công việc không dễ dàng. Tôi ý thức được trọng trách của mình, và cảm nhận cũng như gặt hái được nhiều trải nghiệm thú vị khi được xem kỹ lưỡng từng phim trong hạng mục tranh giải tại TIFF 36”.

Nhà sản xuất Bích Ngọc (thứ 2 từ bên phải) cùng các đồng nghiệp giám khảo TIFF 36.

Nhà sản xuất Bích Ngọc (thứ 2 từ bên phải) cùng các đồng nghiệp giám khảo TIFF 36.

Giải thưởng danh giá nhất của TIFF 36 (Tokyo Grand Prix) thuộc về Snow Leopard của đạo diễn Pema Tseden. Đây là tác phẩm điện ảnh của đạo diễn người Tây Tạng, người mới qua đời vào 8.5 do một cơn đau tim, để lại 9 tác phẩm điện ảnh do ông hoàn thiện từ viết kịch bản đến đạo diễn. Snow Leopard cũng là phim cuối cùng của đời ông. Phim nói về cuộc tranh cãi giữa người cha và đứa con trưởng thành (diễn viên Tseten Tashi thủ vai) cách đối phó với con báo tuyết trên núi thường tìm đến ngôi làng sinh sống của họ để bắt cừu ăn thịt. Snow Leopard đã được ra mắt tại liên hoan phim Venice và Toronto. Giải thưởng này mang về 3.000.000 Yên tiền thưởng (tương đương 490 triệu đồng).

Cảnh trong phim Báo tuyết của cố đạo diễn Pema Tseden. Ảnh: TIFF 36

Cảnh trong phim Báo tuyết của cố đạo diễn Pema Tseden. Ảnh: TIFF 36

Tại TIFF 36, điện ảnh Iran có 3 tác phẩm tham gia, và tất cả đều mang về các giải thưởng danh giá, trong đó có diễn viên nữ xuất sắc nhất (phim Tatami), diễn viên nam xuất sắc nhất (phim Roxana) và giải đặc biệt của ban giám khảo dành cho phim Tatami của sự hợp tác lịch sử và đầu tiên giữa hai đạo diễn Zar Amir (Iran) và Guy Nattiv (Israel).

Công bố tại lễ bế mạc ở phần trao giải diễn viên nam xuất sắc nhất cho Yasna Mirtahmasb, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc nói lên nhận xét: “Giải thưởng này thuộc về vai diễn vừa tình cảm, vừa tinh tế. Thông qua màn trình diễn chân thực của anh ấy, chúng tôi đã có được cơ hội trải nghiệm sự phong phú trong cuộc sống của xã hội Iran ngày nay”.

Yasna Mirtahmasb, nam diễn viên xuất sắc nhất trong tác phẩm Roxana.

Bên cạnh các hoạt động trình chiếu 219 phim, TIFF 36 cũng là cơ hội để người yêu điện ảnh có dịp trò chuyện, giao lưu, gặp gỡ những tên tuổi lớn của điện ảnh thế giới qua các sự kiện bên lề. Một trong nhiều sự kiện nổi bật là chương trình TIFF Lounge với các buổi chia sẻ kinh nghiệm làm nghề của đạo diễn Trần Anh Hùng và đạo diễn Trương Nghệ Mưu.

Sau buổi công chiếu The Pot-au-Feu, đến với lớp Masterclass của chương trình TIFF Lounge với sự đồng hành của quỹ Japan Foundation, đạo diễn Trần Anh Hùng bày tỏ: “Làm phim giữa tính thị trường và nghệ thuật, cần độ hiểu biết, và cái nền lành mạnh của người làm nghề, không thể bất chấp làm chỉ vì mục đích kiếm lợi nhuận. Điều cần là biết tôn trọng nghệ sĩ, tôn trọng tư tưởng và làm đúng”.

Đạo diễn Trần Anh Hùng chia sẻ kinh nghiệm điện ảnh tại lớp học Masterclass trong chương trình TIFF Lounge.

Đạo diễn Trần Anh Hùng chia sẻ kinh nghiệm điện ảnh tại lớp học Masterclass trong chương trình TIFF Lounge.

Hạng mục dự thi TIFF 36 nhận được 1.942 tác phẩm đến từ 114 quốc gia và khu vực, và cũng từ TIFF hàng năm, nhiều tài năng điện ảnh được phát hiện và bước ra thế giới.

Chủ tịch ban giám khảo, Wim Wenders cha đẻ của bộ phim trình chiếu mở màn tại TIFF 36 là Perfect Days, chia sẻ với khản giả tại lễ bế mạc: “Điện ảnh mang lại cho chúng ta niềm vui cuộc sống, làm phong phú và sâu sắc hơn mối kết nối với thế giới. Nhiều hoạt động thú vị đã diễn ra trong liên hoan phim, tôi hy vọng sức hấp dẫn từ TIFF 36 sẽ dẫn đến một thế giới tuyệt vời”.

Bích chương quảng bá các tác phẩm điện ảnh tại TIFF 36 ở khu Tokyo Midtown Hibiya.

Bích chương quảng bá các tác phẩm điện ảnh tại TIFF 36 ở khu Tokyo Midtown Hibiya.

Hơn 100 nhân viên chính thức của TIFF 36 cùng 300 tình nguyện viên đã làm việc ngày đêm liên tục trong 10 ngày diễn ra TIFF 36 đã góp phần mang lại thành công cho một liên hoan phim hàng đầu châu Á. 6 thành viên ban giám khảo cũng làm việc không mệt mỏi để chọn ra những tác phẩm điện ảnh tốt nhất của liên hoan phim.

Trong họp báo khép lại sự kiện, nhà sản xuất – thành viên ban giám khảo của TIFF 36 tâm sự: “Được ra rạp xem phim cùng các thành viên ban giám khảo thực sự là trải nghiệm quý giá đối với tôi. Tôi cũng lo lắng vì sợ có những tranh luận nhiều giờ, nhưng cuối cùng mọi quyết định của chúng tôi diễn ra thật suôn sẻ, nhanh chóng”.

Giải thưởng TIFF 36

Hạng mục Competition:

Giải Tokyo Grand Prix và Giải thị trưởng Tokyo: Snow Leopard (đạo diễn Pema Tseden).
Giải đặc biệt của ban giám khảo: Tatami (đạo diễn Zar Amir và Guy Nattiv).
Đạo diễn xuất sắc nhất: Kishi Yoshiyuki với phim (Ab)normal Desire.
Diễn viên nữ xuất sắc nhất: Zar Amir (phim Tatami).
Diễn viên nam xuất sắc nhất: Yasna Mirtahmasb (phim Roxana).
Giải đóng góp nghệ thuật tốt nhất: A Long Shot (đạo diễn Cao Bằng).
Giải khán giả bình chọn: (Ab)normal Desire (đạo diễn Kishi Yoshiyuki).

Các đạo diễn, diễn viên đạt giải chụp hình lưu niệm trong lễ bế mạc TIFF 36.

Hạng mục Asian Future:

Giải phim hay nhất: Maria (đạo diễn Mahdi Asghari Azghadi).

Giải Amazon Prime Video Take One:

Gone with the Wind (đạo diễn Yang Liping)
Giải đặc biệt của giám khảo Amazon Prime Video Take One: Be Prepared (đạo diễn Yasumura Emi).

Thiên An

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/be-mac-lien-hoan-phim-tokyo-36-nhung-an-tuong-kho-phai-41549.html