Bệnh Glaucoma dễ gây mù lòa: Phòng và trị thế nào?

Bệnh Glaucoma (miền Nam gọi là cườm nước, miền Bắc gọi là thiên đầu thống) hay chứng tăng nhãn áp là một tình trạng nơi thần kinh thị giác kết nối mắt với não bị tổn thương. Bệnh có thể dẫn đến mất thị lực nếu không phát hiện và điều trị sớm. Bệnh khá phổ biến, tuy nhiên bệnh không có triệu chứng trong giai đoạn đầu, vì thế rất khó nhận ra.

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh thiên đầu thống và dưới đây là những yếu tố nguy cơ làm tăng cao khả năng phát bệnh: Bệnh thường gặp nhiều hơn ở phụ nữ và chủ yếu là ở độ tuổi trung niên; Người có nhãn cầu nhỏ như bị viễn thị nặng, giác mạc nhỏ, dễ xúc cảm, hay lo âu; Người thường đau một bên đầu hay còn gọi là đau nửa đầu, mức độ đau đầu nghiêm trọng, thường có thể dẫn đến nôn. Dù không xảy ra liên tục nhưng tình trạng đau đầu có thể xảy ra 1-2 lần/tháng hoặc 3-4 lần/năm (tùy theo mỗi người); Ngoài ra, người đang mắc bệnh tiểu đường, huyết áp thấp, đục thủy tinh thể, có các chấn thương ở mắt... đều có thể có biến chứng trở thành thiên đầu thống.

Khi có biểu hiện bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Khi có biểu hiện bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Các loại bệnh Glaucoma

Glaucoma góc mở: Đây là hình thức phổ biến nhất của bệnh Glaucoma. Người bị bệnh Glaucoma góc mở bị tắc nghẽn không hoàn toàn ở góc thoát thủy dịch của mắt khiến tăng áp suất mắt. Điều này lâu ngày sẽ khiến các dây thần kinh thị giác bị tổn thương. Quá trình này diễn ra từ từ và không gây đau đớn. Điều này khiến bệnh nhân khó nhận biết được triệu chứng bệnh.

Glaucoma góc đóng: Glaucoma góc đóng hay tăng nhãn áp góc đóng hay dân gian gọi là thiên đầu thống. Bệnh xảy ra khi góc thoát thủy dịch của mắt bị đóng hoàn toàn. Điều này khiến cho mắt bị gia tăng áp suất đột ngột, rất nguy hiểm cho bệnh nhân. Người bị Glaucoma góc đóng thường đau mắt, đau đầu, xuất hiện quầng sáng xung quanh khi nhìn vào bóng đèn, buồn nôn... Khi gặp phải các triệu chứng này, cần đưa người bệnh đi đến bệnh viện ngay.

Triệu chứng bệnh

Trong giai đoạn đầu, bệnh tăng nhãn áp không có triệu chứng, không gây đau, tầm nhìn vẫn bình thường. Chứng tăng nhãn áp có thể phát triển ở một hoặc cả hai mắt với các triệu chứng: nhức mắt, nặng mắt thoáng qua đau nhức mắt, một số trường hợp đôi khi thấy mắt căng tức nhẹ thoáng qua hoặc nhức quanh hốc mắt; Mờ mắt thoáng qua: Ở giai đoạn sớm khi tình trạng nhãn áp tăng lên có thể làm nhìn mờ như sương mù hoặc nhìn nhòe; Nhìn thấy hào quang: khi nhãn áp tăng, bệnh nhân đôi khi sẽ thấy quầng sáng xanh đỏ khi nhìn vào đèn; Nhức đầu; Nôn hoặc buồn nôn.

Nếu không điều trị, người bị tăng nhãn áp sẽ dần dần mất đi tầm nhìn ngoại vi, giống như đang nhìn qua một đường hầm. Theo thời gian, tầm nhìn thẳng về phía trước có thể giảm xuống cho đến khi không còn tầm nhìn. Chứng tăng nhãn áp có thể được phát hiện khi kiểm tra thị lực. Thử nghiệm biểu đồ mắt; Kiểm tra khả năng nhìn ngoại vi; Soi cấu trúc trong mắt; Đo nhãn áp; Kiểm tra giác mạc...

Hình ảnh mắt bị Glaucoma.

Hình ảnh mắt bị Glaucoma.

Điều trị Glaucoma

Điều trị sớm có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh, đó là lý do tại sao chẩn đoán bệnh sớm rất quan trọng. Các biện pháp điều trị tăng nhãn áp bao gồm thuốc, phẫu thuật tạo hình bằng tia laser, phẫu thuật thông thường.

Các loại thuốc, dưới dạng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc viên, làm giảm áp lực cho mắt... trước khi bắt đầu sử dụng phải được sự đồng ý của các bác sĩ chuyên khoa mắt để tránh tác dụng phụ.

Cách phòng ngừa

Không có phương pháp nào phòng ngừa bệnh tăng nhãn áp. Tuy nhiên nếu được chẩn đoán và điều trị sớm có thể làm chậm và ngăn chặn tổn thương thần kinh thị giác. Nếu không điều trị, bệnh tăng nhãn áp có thể dẫn đến mù lòa.

Glaucoma góc mở không thể phòng ngừa, nhưng nếu được chẩn đoán và sớm điều trị có thể ngăn ngừa suy giảm thị lực; Glaucoma góc đóng, có khả năng phòng ngừa. Một thủ thuật cắt mống mắt chu biên được thực hiện trong giai đoạn đầu của bệnh (khi mắt có góc đóng, nhưng vẫn chưa phát triển thành bệnh tăng nhãn áp) sẽ giúp ngăn ngừa mù lòa.

Có đến 50% người mắc thiên đầu thống mạn tính không biết mình bị bệnh, chỉ khi bệnh đã tiến triển rất nặng, thị lực giảm sút rõ rệt thì bệnh nhân mới phát hiện ra. Do đó, khi phát hiện những dấu hiệu của bệnh như nhìn mờ, đau tức mắt, nhức đầu..., cần đến ngay các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

BS. Trần Quốc Hoàng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-glaucoma-de-gay-mu-loa-phong-va-tri-the-nao-n181550.html