Bệnh nhân COVID-19 dễ lây lan virus nhất khi bắt đầu có triệu chứng

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Guro, phía nam Seoul, Hàn Quốc, ngày 8/6/2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN

* Xác định 4 yếu tố khiến bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ trở nặng

Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 9/6 cho biết bệnh nhân COVID-19 dễ làm lây lan virus nhất khi họ bắt đầu cảm thấy không khỏe.

Đặc điểm này khiến chúng ta rất khó kiểm soát sự lây lan của COVID-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra, tuy nhiên điều này có thể kiểm soát thông qua các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt và thực hiện giãn cách xã hội, các chuyên gia WHO cho biết.

Đặc điểm này khiến chúng ta rất khó kiểm soát sự lây lan của COVID-19, tuy nhiên điều này có thể kiểm soát thông qua các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt và thực hiện giãn cách xã hội, các chuyên gia WHO cho biết.

“Đặc điểm này có từ nguồn thông tin rất hạn chế mà chúng tôi có hiện tại. Bệnh nhân có lượng virus nhiều hơn trong cơ thể vào khoảng thời gian gian họ phát triển các triệu chứng từ rất sớm”, Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học của WHO phát biểu tại buổi họp trực tuyến.

Trước đó, một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã tranh cãi về tuyên bố của bà Van Kerkhove hôm 8/6 cho rằng việc lây nhiễm bệnh từ các ca mắc COVID-19 không triệu chứng là rất hiếm. Các chuyên gia cho rằng thông tin này có thể gây ra hiểu lầm cho các quốc gia đang tìm cách dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.

Bà Van Kerkhove ngày 9/6 đã trích dẫn các nghiên cứu mô hình dịch bệnh và đính chính rằng, một số bệnh nhân không phát triển các triệu chứng nhiễm bệnh vẫn có thể lây nhiễm virus cho người khác.

“Các ca không triệu chứng chiếm khoảng 40% trong tổng số những ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tuy nhiên đó chỉ là theo ước tính từ các mô hình dự đoán. Tôi đã không nêu rõ số liệu đó trong phát biểu ngày 8/6 nhưng tôi muốn đưa ra lời giải thích rõ ràng”, bà Van Kerkhove nói.

Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO cho biết, virus SARS-CoV-2 gây bệnh ở đường hô hấp trên nên sẽ dễ dàng lan truyền thông qua giọt bắn hơn so với virus SARS hoặc MERS gây bệnh ở đường hô hấp dưới.

“Chúng ta có một mầm bệnh truyền nhiễm gây bệnh ở đường hô hấp trên, nơi lượng virus lên đến mức cao nhất khi bạn mới bắt đầu mắc bệnh. Điều đó có nghĩa là nếu bạn bị sốt sau khi rời khỏi một nhà hàng, bạn vẫn cảm thấy ổn và không nghĩ tới việc ở nhà, nhưng đó là thời điểm mà lượng virus trong cơ thể bạn đã khá cao”, tiến sĩ Ryan nói.

Trong khi đó, giới y tế Hàn Quốc ngày 10/6 đã công bố 4 yếu tố giúp sớm sàng lọc bệnh nhân mắc COVID-19 có nguy cơ trở nặng.

Để xác định được điều đó, nhóm nhiên cứu về cơ quan hô hấp và dị ứng thuộc Trung tâm hô hấp, trong đó có giáo sư Jang Jong-geol và giáo sư Ahn Jun-hong của Bệnh viện Đại học Yeungnam, đã tiến hành phân tích 110 bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện điều trị từ tháng 2 đến tháng 4 vừa qua.

Nhóm nghiên cứu đã phân loại bệnh nhân nặng theo các tiêu chí xuất hiện hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS), cần điều trị ở phòng chăm sóc tích cực (ICU), và trường hợp tử vong. Trong 110 bệnh nhân được theo dõi, có 23 trường hợp nằm trong nhóm bệnh nhân nặng.

Những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, bệnh nhân có thân nhiệt cao trên 37,8 độ C khi mới nhập viện, bệnh nhân có nồng độ ôxy trong máu thấp dưới 92% và bệnh nhân có chỉ số CK-BM thể hiện mức độ tổn thương tim cao hơn 6,3 có nguy cơ trở nặng khi mắc COVID-19.

Cụ thể, khoảng 48,3% bệnh nhân mắc COVID-19 có bệnh lý nền tiểu đường chuyển biến nặng hơn, trong khi chỉ có 11,1% bệnh nhân không mắc tiểu đường chuyển biến nặng.

Có 9,9% bệnh nhân thân nhiệt dưới 37,8 độ C khi nhập viện diễn biến nặng, trong khi tỉ lệ này ở bệnh nhân thân nhiệt trên 37,8 độ C lên tới 41%; 58,6% bệnh nhân có nồng độ ôxy trong máu dưới mức chuẩn và 85,7% bệnh nhân có chỉ số CK-BM cao hơn mức chuẩn đã diễn biến bệnh nặng hơn. Nguy cơ diễn biến nặng của bệnh nhân có một trong các yếu tố là 13%, có hai triệu chứng trở lên là 60%.

Giáo sư Ahn Jun-hong hy vọng kết quả nghiên cứu trên sẽ giúp các y bác sĩ sớm sàng lọc bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ diễn biến nặng để tập trung theo dõi điều trị, phần nào giảm bớt tỉ lệ tử vong do dịch COVID-19.

* Tại New Zealand, Bộ Y tế nước này ngày 10/6 thông báo không ghi nhận ca nhiễm mới nào. Như vậy, quốc gia châu Á - Thái Bình Dương này đã không ghi nhận bất cứ ca nhiễm nào trong 19 ngày qua.

Hiện tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại New Zealand là 1.154 ca, trong đó có 22 ca tử vong. Đến nay, New Zealand cũng đã dần khôi phục cuộc sống thường nhật của người dân, song vẫn tăng cường các biện pháp hạn chế tại biên giới. Tất cả mọi người tại cửa khẩu biên giới đều phải xét nghiệm dù họ có triệu chứng hay không.

Trong khi đó, khu hành chính đặc biệt Hongkong (Trung Quốc) dự kiến sẽ tiếp tục nới lỏng các hạn chế giãn cách xã hội, hủy bỏ các biện pháp kiểm soát đường biên và cách ly bắt buộc theo từng giai đoạn trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang ổn định dần.

Tại Thái Lan, Chính phủ nước này đang chuẩn bị các bước cho giai đoạn 4 nới lỏng các biện pháp phong tỏa sau khi trong 16 ngày qua không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, ngoại trừ những trường hợp bị nhiễm là công dân từ nước ngoài trở về và đã được cách ly.

Trong ngày 10/6, Thái Lan ghi nhận thêm 4 ca COVID-19 trong số các công dân từ nước ngoài trở về, nâng tổng số các ca nhiễm ở nước này lên 3.125 bệnh nhân, trong đó có 58 trường hợp tử vong.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+, VOV)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/240880/benh-nhan-covid-19-de-lay-lan-virus-nhat-khi-bat-dau-co-trieu-chung.html