Bệnh viện Nội tiết Nghệ An điều trị hiệu quả bệnh Suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới

Suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, gây nhiều trở ngại cho sinh hoạt và làm việc hàng ngày. Bệnh Viện Nội Tiết Nghệ An là đơn vị tuyến tỉnh đầu tiên ở Nghệ An tiên phong trong lĩnh vực phát hiện và điều trị bệnh lý suy giãn tĩnh mạch mạn tính.

Siêu âm doppler hệ tĩnh mạch chi dưới

Siêu âm doppler hệ tĩnh mạch chi dưới

Tiên phong trong điều trị bệnh lý suy giãn tĩnh mạch mạn tính

Suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới là tình trạng suy giảm chức năng của hệ tĩnh mạch chi dưới do suy các van tĩnh mạch thuộc hệ tĩnh mạch nông và/hoặc hệ tĩnh mạch sâu, có thể kèm theo thuyên tắc tĩnh mạch hoặc không.

Suy tĩnh mạch mạn tính có thể xuất hiện tình trạng giãn tĩnh mạch hoặc không. Giãn tĩnh mạch là sự biến đổi bất thường về giải phẫu, đặc trưng bởi sự giãn bệnh lý của một hoặc nhiều tĩnh mạch nông.

Suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới là bệnh tiến triển từ từ, ít rầm rộ, ít nguy hiểm ngay đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, gây nhiều trở ngại cho sinh hoạt và làm việc hàng ngày.

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới rất thường gặp ở ở người cao tuổi, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới. Tuổi càng cao thì nguy cơ thoái hóa các cơ quan càng lớn, trong đó có thoái hóa van tĩnh mạch.

Chị H làm nghề giáo viên nên thường xuyên phải đứng lâu. Cách đây một năm chị thấy phù hai cẳng chân, cảm giác nặng tức tăng dần vào buổi chiều, các mạch máu nông nổi nhiều trên chân. Thời gian gần đây triệu chứng nặng dần, ảnh hưởng đến công việc, buổi đêm chị khó ngủ vì triệu chứng chuột rút.

Được nhiều người tư vấn, chị quyết định đến khám ở Bệnh viện Nội tiết Nghệ An. Sau khi được siêu âm Doppler màu mạch máu chi dưới, chị được chỉ định điều trị can thiệp. Sau khi được điều trị bằng can thiệp bằng Laser nội mạch và tiêm xơ, các mạch máu trên chân chị đã biến mất, triệu chứng nặng tức giảm hẳn, chị đã tự tin để tiếp tục công việc của mình.

Song song với việc phát hiện, quản lý và điều trị các yếu tố nguy cơ về tim mạch như bệnh mạch vành, các bệnh lý động mạch ngoại biên…, hiện nay bệnh lý về tĩnh mạch cũng được các cơ sở y tế hết sức quan tâm, phát hiện điều trị dự phòng và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Bệnh Viện Nội Tiết Nghệ An là cơ sở y tế tuyến tỉnh đầu tiên ở Nghệ An tiên phong trong lĩnh vực phát hiện và điều trị bệnh lý suy giãn tĩnh mạch mạn tính.

Hàng ngày, bệnh viện Nội Tiết Nghệ An tiếp nhận hàng trăm lượt bệnh nhân đến khám về các bệnh lý nội tiết – chuyển hóa nói chung, trong số đó có một tỷ lệ khá cao người bệnh có dấu hiệu của bệnh lý suy van tĩnh mạch mạn tính, đặc biệt những ngày nắng nóng càng làm tăng triệu chứng của bệnh.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới

Theo bác sĩ Chuyên khoa I Vũ Tuyết Trinh, khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, bệnh lý suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới liên quan đến một số yếu tố gây tốn thương chức năng của các van một chiều thuộc hệ tĩnh mạch ngoại biên. Các van này bị tổn thương là do:

Tư thế sinh hoạt, làm việc: phải đứng hay ngồi một chỗ quá lâu, ít vận động, phải mang vác nặng… tạo điều kiện cho máu bị dồn xuống hai chân, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân, lâu dần gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều. Khi các van bị suy yếu sẽ làm giảm khả năng ngăn chặn dòng máu chảy ngược xuống dưới do tác dụng của trọng lực, dẫn đến ứ máu ở hai chân.

Người mang thai nhiều lần, sinh đẻ nhiều, béo phì, táo bón kinh niên, lười thể dục, hút thuốc lá, chế độ ăn ít chất xơ và vitamin… cũng làm cho bệnh trở nên nặng hơn.

Huyết khối tĩnh mạch sâu ngăn cản dòng màu trở về tim; Viêm tĩnh mạch hình thành huyết khối trong các tĩnh mạch nông và sâu; Khiếm khuyết van do bẩm sinh; Thoái hóa van ở người cao tuổi.

Phân độ suy tĩnh mạch chi dưới theo CEAP

Phân độ suy tĩnh mạch chi dưới theo CEAP

Triệu chứng suy tĩnh mạch chi dưới

Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có triệu chứng mỏi chân và xuất hiện phù nhẹ khi phải đứng lâu, ngồi nhiều. Có thể xuất hiện chuột rút vào buổi tối và cảm giác bị kim châm, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm. Bệnh nhân có thể tự nhìn thấy mạch máu nhỏ li ti ở chân, nhất là ở cổ chân và bàn chân.

Khi bệnh tiến triển, người bệnh xuất hiện phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân, thay đổi màu sắc da vùng cẳng chân. Có thể thấy các búi tĩnh mạch giãn nổi rõ trên da.

Nếu không được thăm khám kịp thời, người bệnh có thể gặp một số biến chứng của bệnh như viêm tĩnh mạch nông huyết khối, chảy máu do giãn vỡ tĩnh mạch, nhiễm khuẩn vết loét…

Chẩn đoán bệnh lý suy tĩnh mạch chi dưới

Theo bác sĩ Chuyên khoa I Vũ Tuyết Trinh và bác sĩ Thùy Dung, khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, là hai bác sỹ có nhiều kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý suy van tĩnh mạch thì Khi người bệnh có triệu chứng của bệnh lý suy tĩnh mạch, sẽ được thăm khám lâm sàng và phân mức độ bệnh.

Siêu âm Doppler màu mạch máu chi dưới

Siêu âm Doppler màu mạch máu chi dưới

Sau đó bệnh nhân sẽ được chỉ định làm siêu âm Doppler màu mạch máu chi dưới. Đây là phương tiện đầu tay và là tiêu chuẩn vàng để phát hiện và chẩn đoán suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới cũng như theo dõi tiến triển và điều trị can thiệp cho người bệnh. Siêu âm Doppler màu mạch máu là phương pháp chẩn đoán không xâm lấn, không gây hại cho người bệnh, giá thành rẻ và dễ dàng thực hiện bởi các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có kinh nghiệm.

Khoa chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện Nội Tiết Nghệ An được trang bị hệ thống máy siêu âm Dopper màu hiện đại, với đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm trong chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch mạn tính. Việc phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm đã làm giảm được các biến chứng, cải thiện được chất lượng cuộc sống, sinh hoạt cho người bệnh.

Điều trị bệnh lý suy tĩnh mạch chi dưới

Cũng theo Vũ Tuyết Trinh và bác sĩ Thùy Dung, sau khi được chẩn đoán, tùy vào tình trạng bệnh, bệnh nhân sẽ được kê đơn thuốc điều trị nội khoa, đi tất áp lực, được hướng dẫn chế độ sinh hoạt và tập luyện hàng ngày, tư vấn điều trị can thiệp hoặc phẫu thuật.

Đặc biệt bệnh viện đã triển khai các phương pháp điều trị ít xâm lấn như tiêm xơ và điều trị bằng nhiệt nội tĩnh mạch – đây là phương pháp an toàn, hiệu quả và tính thẩm mĩ cao, thời gian điều trị ngắn, hồi phục nhanh, đã đem lại kết quả tốt cho người bệnh sau điều trị, tỉ lệ thành công cao lên đến 95%, bệnh nhân nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường.

Hình ảnh bệnh nhân suy tĩnh mạch trước và sau điều trị

Hình ảnh bệnh nhân suy tĩnh mạch trước và sau điều trị

Để phòng bệnh suy tĩnh mạch chi dưới mọi người nên thường xuyên vận động để tăng cường lưu thông máu ở chân. Tránh để thừa cân béo phì.

Chế độ ăn ít muối, nhiều chất xơ, rau quả để tăng tính bền vững thành mạch sẽ ngăn ngừa tình trạng phù do giữ nước và táo bón. Tránh đi giày gót cao, không mặc quần áo bó chặt quanh vùng eo, háng hoặc cẳng chân gây cản trở lưu thông máu. Kê cao chân khi nằm. Tránh ngồi hoặc đứng lâu. Thường xuyên vận động, đi bộ hằng ngày. Thay đổi tư thế thường xuyên để tăng lưu thông máu, không ngồi vắt chéo chân vì gây cản trở tuần hoàn máu.

Khi có các triệu chứng đau, tức nặng, cảm giác bứt rứt, chuột rút (thường về đêm), dị cảm chi dưới, phù chi dưới, tăng lên vào cuối ngày (sau đứng lâu, ngồi bất động), giảm khi gác cao chân và xuất hiện giãn tĩnh mạch mạng nhện, dạng lưới, búi giãn tĩnh mạch nông mặt trong đùi cẳng chân, mặt sau cẳng chân…

Bệnh suy tĩnh mạch chi dưới tiến triển chậm. Ở giai đoạn sớm, người bệnh rất khó nhận biết các triệu chứng. Vì vậy những người có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh cần chú ý đến các triệu chứng của bệnh và nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, điều trị bệnh sớm nhằm tránh những biến chứng của bệnh có thể xảy ra.

Bệnh viện Nội Tiết Nghệ An với quy trình thăm khám bài bản, được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ có chuyên môn kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị các bệnh mạch máu nói chung và bệnh suy tĩnh mạch chi dưới nói riêng, là một trong những địa chỉ đáng tin cậy để bệnh nhân lựa chọn đến thăm khám và điều trị bệnh lý suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới.

Khánh Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-vien-noi-tiet-nghe-an-dieu-tri-hieu-qua-benh-suy-tinh-mach-man-tinh-chi-duoi-169230627145907101.htm