Bệnh viện và người bệnh thở phào nhờ chính sách mới

Vừa qua, Chính phủ ban hành 2 văn bản quan trọng: Nghị định 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/2023/NQ-CP, đã kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thiếu vật tư, trang thiết bị y tế (TTBYT) đang cấp bách hiện nay. Điều này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các nút thắt mà ngành Y tế đang đối mặt lâu nay, giúp chủ động, kịp thời hơn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Rút ngắn thời gian chờ đợi cho người bệnh

Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số Bệnh viện tuyến Trung ương như: Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức… cùng với việc tiếp tục duy trì các hoạt động chuyên môn, cấp cứu, khám chữa bệnh hàng ngày thì các đơn vị đã nhanh chóng bắt tay ngay vào triển khai đấu thầu, mua sắm thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế. Nhiều ca mổ trong các bệnh viện đầu ngành đã được đẩy nhanh hơn. Nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều vui mừng vì khi đến viện sớm được sắp xếp lịch hẹn, khám chữa bệnh kịp thời...

Với các bệnh nhân ung thư, việc được đảm bảo trang thiết bị y tế, thuốc là vô cùng quan trọng.

Với các bệnh nhân ung thư, việc được đảm bảo trang thiết bị y tế, thuốc là vô cùng quan trọng.

Trước đó, từ ngày 1/3, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hạn chế mổ phiên do cạn kiệt vật tư, hóa chất đã khiến hàng trăm bệnh nhân và người nhà lo lắng, không biết chờ đợi đến khi nào được mổ. Do thiếu trầm trọng vật tư, bệnh viện chỉ ưu tiên mổ cấp cứu, ca bệnh nặng. Nhiều bác sĩ đau xót khi bệnh nhân phải hoãn mổ, lịch mổ đã sắp từ trước phải giảm một nửa, phải thông báo hoãn tới bệnh nhân.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30, Bệnh viện đã liên hệ với các đơn vị cung ứng để có vật tư, hóa chất trong thời gian sớm nhất phục vụ người bệnh.

Ngồi chờ con gái làm các thủ thuật để chuẩn bị mổ chân, bà N.T.X (quê Vĩnh Phúc) cho biết, trước đó, con gái bà đã mổ ở bệnh viện địa phương nhưng do bị nhiễm trùng nên nay phải chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để mổ lại. “Con gái tôi làm thủ tục nhập viện ngày 4/3, sau 5 hôm, con gái tôi đã được mổ”.

Hay trường hợp bà L.T.S (53 tuổi, quê Hòa Bình) bày tỏ vui mừng khi chồng vừa được thực hiện ca mổ chân thành công. Theo lời bà S: Chồng tôi bị tai nạn xe máy, ngã gãy xương chân phải, vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ngày 5/3, ngay sau đó, được bệnh viện báo lịch mổ ngày 7/3. “Nhưng ở cùng phòng chồng tôi, có một nữ bệnh nhân cũng ở Hòa Bình bị gãy xương chân vừa vào viện hôm 6/3. Ngay ngày hôm sau, bệnh nhân đó đã được bác sĩ mổ chân luôn rồi. Thấy bác sĩ bảo, có thêm trang thiết bị y tế nên nhiều bệnh nhân sẽ được mổ ngay, không phải chờ đợi lâu” - bà S cho hay.

Tương tự tại Bệnh viện Bạch Mai, ngồi chờ chồng làm phẫu thuật ngoài hành lang bệnh viện, chị N. X. T (Thanh Oai - Hà Nội) cho biết sau gần 1 tuần chờ đợi, chồng chị đã được làm thủ tục mổ thoát vị đĩa đệm. “Chồng tôi nhập viện từ 2/3, đến 8/3 thì được làm thủ tục mổ. Hàng ngày tôi và các con thay phiên nhau túc trực bên ngoài. Với chồng tôi chờ 1 tuần được xếp lịch mổ còn là nhanh, chứ nhiều gia đình đi từ Quảng Bình, Quảng Trị… đến viện cũng phải xếp lịch cả tháng vẫn chưa tới lượt. Giờ khi có Nghị định mới tháo gỡ về vấn đề thuốc, vật tư y tế, mong người bệnh sẽ sớm được xếp lịch mổ, điều trị để cả bệnh nhân và người nhà sẽ đỡ vất vả hơn”- chị T chia sẻ.

Còn đối với những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, phải điều trị lâu dài thì việc đảm bảo thuốc, cũng như trang thiết bị y tế để điều trị là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Đơn cử như trường hợp bà N. T. C (53 tuổi, quê Vĩnh Phúc), hiện đang điều trị ung thư tử cung tại Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều) cho biết tất cả vật tư y tế, thuốc phục vụ cho quá trình điều trị của bà suốt thời gian qua luôn được bệnh viện đảm bảo.

Theo lời bà C chia sẻ, bà phát hiện và điều trị ung thư tử cung từ tháng 7/2020. Tính đến thời điểm hiện tại, bà T đã truyền hóa chất được 17 lần. “Viêc điều trị theo đợt, nên cứ tới tháng tôi lại cùng chồng bắt xe xuống viện để truyền hóa chất. Việc đi khám và điều trị định kỳ xác định sẽ lâu dài và vất vả. Chi phí mỗi tháng đi điều trị mất khoảng 10 triệu với gia đình làm nông dân là cả một vấn đề lớn. May mắn tôi không phải mua thêm trang thiết bị, hay hóa chất bên ngoài đã là tốt lắm rồi”.

Một số bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện K vẫn phải mua thêm kim truyền và hóa chất phục vụ cho quá trình điều trị trong ngày 9/3.

Một số bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện K vẫn phải mua thêm kim truyền và hóa chất phục vụ cho quá trình điều trị trong ngày 9/3.

Còn trường hợp bà Trần Thị V (68 tuổi, quê Lạng Sơn) cho biết: “Tôi mổ ung thư phổi được 3 tháng. Hiện tôi đang trong liệu trình 6 tháng truyền hóa chất liên tục, theo đó, cứ 21 ngày đến viện truyền 1 lần. Trong quá trình điều trị, do bệnh viện thiếu vật tư y tế, nên tôi vẫn phải ra ngoài mua kim truyền, kể cả hóa chất cho mỗi đợt điều trị...".

Từng làm điều dưỡng trưởng, khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện tỉnh, nên bà V rất thông cảm và chia sẻ với những khó khăn của Bệnh viện khi bị thiếu thuốc cũng như vật tư y tế trong thời gian qua. Bởi vậy, bà V cho biết: "Chính phủ mới ban hành hai Nghị quyết mới nhằm gỡ khó cho ngành Y. Tuy nhiên Nghị quyết ban hành cũng cần có thời gian để thực hiện, chỉ mong Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, để bệnh nhân như chúng tôi bớt vất vả…".

Nhiều khó khăn được tháo gỡ

Thời gian qua, nhiều bệnh viện hạn chế mổ phiên, phải chuyển bệnh nhân, không thể mua sắm, sửa chữa trang thiết bị vì không đủ 3 nhà thầu báo giá. Trước những khó khăn của ngành Y tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 07 sửa đổi, bổ sung Nghị định 98 và Nghị quyết 30 sửa đổi Nghị quyết 144 với hàng loạt giải pháp cụ thể nhằm khẩn cấp tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc và TTBYT phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh .

Từ đây, các bệnh viện có thể "thở phào” vì khó khăn sẽ được tháo gỡ và nhiều bệnh nhân cũng an tâm hơn khi đi khám, chữa bệnh. Theo lãnh đạo nhiều bệnh viện, những quy định thay thế này đã kịp thời, cơ bản giải quyết được những vướng mắc mà bệnh viện công đang gặp phải trong việc mua sắm, đấu thầu TTBYT.

Nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ vui mừng khi không phải xếp hàng chờ mổ lâu.

Nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ vui mừng khi không phải xếp hàng chờ mổ lâu.

Chia sẻ với báo chí, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Nghị định 07/NĐ-CP thay cho Nghị định 98/NQ-CP tháo gỡ khó khăn trước đây trong nhập khẩu thuốc, vật tư, hóa chất thiết bị, giúp cho các thủ tục nhập khẩu qua hải quan thuận lợi hơn trước. Còn Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngay sau đó cũng tháo gỡ nhiều cho vấn đề đấu thầu mua sắm, sử dụng thuốc, vật tư, hóa chất cho các cơ sở y tế. Nghị quyết đã giải quyết được vấn đề sau khi nhà thầu trúng thầu hóa chất vật tư có trách nhiệm cung cấp máy móc thiết bị thực hiện kỹ thuật xét nghiệm tại bệnh viện và Bảo hiểm y tế có trách nhiệm thanh toán cho người dân.

Một vấn đề quan trọng về mua sắm đấu thầu đã được sửa đổi trong Nghị quyết 30/NQ-CP là cho phép các cơ sở y tế khi thực hiện đấu thầu không phải làm các thủ tục lấy "3 báo giá" như trước đây.

“Trước đây, hơn một nửa trong số 2.000 mặt hàng hóa chất vật tư tại Bệnh viện Bạch Mai chào hàng sau 2 lần chỉ có 30% đủ 3 báo giá, còn 2/3 mặt hàng không đủ báo giá nên không thể tiến hành thầu. Nghị quyết mới có những sửa đổi triệt để, tạo điều kiện cho các bệnh viện mua sắm vật tư hóa chất thuận lợi hơn. Đặc biệt Nghị quyết cho phép thiết bị, máy móc đặc chủng hoặc máy móc lần đầu tiên được chào bán ở Việt Nam chỉ cần có 1 báo giá cũng có thể mua sắm được. Với các bệnh viện đầu ngành như Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên phải cập nhật kiến thức, kỹ thuật tiên tiến thế giới, mua sắm thiết bị tiên tiến, nếu chúng ta chờ quy định phải đủ 3 báo giá thì chắc không bao giờ mua được trang thiết bị mới”, ông Đào Xuân Cơ bày tỏ.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay có nhiều máy hỏng, nhưng vì vướng quy định 3 báo giá nói trên mà chưa sửa chữa được, nay có nghị quyết mới, vấn đề này sẽ được giải quyết, sẽ không còn cảnh người bệnh đến viện phải quay về vì máy hỏng.

Các điểm cầu tham dự hội nghị "Hướng dẫn triển khai Nghị định 07/NQ-CP ngày 03/3/2023 và Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 của Chính phủ" do Bộ Y tế tổ chức sáng 10/3.

Các điểm cầu tham dự hội nghị "Hướng dẫn triển khai Nghị định 07/NQ-CP ngày 03/3/2023 và Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 của Chính phủ" do Bộ Y tế tổ chức sáng 10/3.

Đặc biệt, Nghị quyết 30/NQ-CP ghi rõ cho phép thiết bị còn khả năng sử dụng tốt, nhưng chỉ hỏng linh kiện A, B thì cơ sở y tế có thể trực tiếp mua để thay lắp, đưa máy đi vào hoạt động phục vụ khám chữa bệnh cho người dân. Điều này đã giúp các bệnh viện tháo gỡ nhiều vấn đề đang vướng. “Chúng tôi sẽ bắt tay ngay vào rà soát các trang thiết bị, chất lượng máy móc sau dừng hoạt động phải khắc phục, sửa chữa như thế nào, để thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế theo đúng quy định mới”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm.

Cũng liên quan tới vấn đề này, sáng nay (10/3), Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Hướng dẫn triển khai Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 3/3/2023 và Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 tới các Sở y tế, bệnh viện cơ sở y tế và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trang thiết bi y tế.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh Nghị định 07/NQ-CP ngày 3/3/2023 và Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 của Chính phủ hết sức quan trọng, căn cơ, bước đầu tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế của các cơ sở y tế trong công tác mua sắm, đấu thầu, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT với một số nội dung…

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế: Những khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết triệt để ngay mà giải quyết từng bước. Do đó, tại hội nghị, Bộ Y tế muốn nghe các đơn vị nêu rõ những gì còn vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc… để Bộ Y tế ghi nhận và phối hợp với các bộ, ngành Trung ương báo cáo lên Chính phủ.

"Mục đích cuối cùng và xuyên suốt là không được để thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế mà cần có giải pháp thay thế để phục vụ người bệnh. Dù khó khăn thế nào cũng phải khắc phục bằng được, không để thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Có thể thiếu thuốc này nhưng có thuốc khác thay thế hoặc thiếu trang thiết bị này thì có loại khác" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/benh-vien-va-nguoi-benh-tho-phao-nho-chinh-sach-moi-153317.html