BẾP THAN - NHỎ MÀ KHÔNG NHỎ

Cách đây vài chục năm, việc sử dụng bếp than trong đun nấu được coi là 'tiến bộ' vì kinh tế khó khăn, hầu hết các gia đình đều đun nấu bằng rơm rạ, lá cây, củi, mấy ai có điều kiện để sử dụng bếp than. Hiện nay, khi kinh tế-xã hội phát triển, việc bảo vệ môi trường, sức khỏe được đặc biệt quan tâm thì hình thức đun nấu này không còn phù hợp.

Một chiếc bếp than (thường là bếp than tổ ong) có thể là nhỏ, nhưng như ở Hà Nội thời điểm năm 2017 có tới hơn 54.000 chiếc bếp than tổ ong, hằng ngày tiêu thụ hơn 500 tấn than, xả ra môi trường khoảng 1.800 tấn khí nhà kính (CO2) cùng một lượng lớn khí độc CO, bụi mịn PM2.5 thì không còn nhỏ nữa. Bởi đây không chỉ là một trong những nguồn phát thải khí độc hại, gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, mà đôi khi còn là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn giữa hàng xóm láng giềng, nhất là trong điều kiện không gian sống chật hẹp ở nội đô. Nguy hiểm hơn, thời gian qua đã có không ít trường hợp tử vong do ngộ độc khí than khi sử dụng bếp than tổ ong để sưởi ấm.

Ảnh minh họa: TTXVN.

Ảnh minh họa: TTXVN.

Việc loại bỏ bếp than tổ ong trong sinh hoạt gia đình, kinh doanh dịch vụ là rất cần thiết. Loại bỏ bếp than đồng nghĩa với việc loại bỏ một nguồn gây ô nhiễm, phát sinh khí độc hại, ngăn ngừa nguy cơ bệnh tật cho mỗi người, đồng thời góp phần xây dựng nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị. Nhận thức được vấn đề này, ngày 30-10-2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND đặt mục tiêu đến ngày 31-12-2020 xóa bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn toàn thành phố. Thực hiện chỉ thị, bằng nhiều giải pháp đồng bộ như đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn thay thế bếp than tổ ong bằng các hình thức đun nấu phù hợp, hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh than tổ ong chuyển đổi nghề... đến nay, số lượng bếp than tổ ong trên địa bàn Thủ đô đã giảm mạnh (tính đến quý III-2020 đã giảm được gần 80% so với thời điểm năm 2017). Từ ngày 1-1-2021, TP Hà Nội tiến hành xử phạt nghiêm các cá nhân, hộ gia đình còn sử dụng bếp than tổ ong, kiên quyết xóa bỏ hoàn toàn hình thức đun nấu này.

Với nhiều “ưu điểm” như chi phí đầu tư ban đầu thấp, nguyên liệu rẻ, cơ động, sử dụng dễ dàng, cũng như ở Hà Nội trước đây, bếp than tổ ong hiện đang tồn tại phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước. Thiết nghĩ, các địa phương tùy theo điều kiện thực tế nên có lộ trình hạn chế, tiến tới xóa bỏ loại bếp này, trước hết là tại các đô thị, không để bếp than tổ ong “len lỏi” trong khu dân cư, ngày ngày âm thầm xả khí độc hại gây ô nhiễm và bệnh tật cho cộng đồng. Thực ra việc xóa bỏ bếp than tổ ong không quá khó vì xét đến cùng, không ai muốn sử dụng hình thức đun nấu độc hại này. Vấn đề là cấp ủy, chính quyền các địa phương không được coi đây là “việc nhỏ” để từ đó có quyết tâm cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền để người dân thấy rõ tác hại của việc sử dụng bếp than tổ ong, đồng thời có các hình thức hỗ trợ người dân chuyển đổi sang các hình thức đun nấu phù hợp.

PHƯƠNG HIỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/bep-than-nho-ma-khong-nho-648810