Bí ẩn suốt 40 năm về tín hiệu vô tuyến lạ từ thời Liên Xô
Một tín hiệu thời Liên Xô đã phát ra suốt hơn 40 năm. Có người cho rằng đó là công tắc khởi động vũ khí hạt nhân. Có người lại nói là tín hiệu của người ngoài hành tinh. Không ai biết người đứng đằng sau là ai.
Âm thanh không ngừng nghỉ

Ảnh minh họa: RT
Theo đài RT ngày 1/7, ở tần số 4625 kHz, một âm thanh ù ù cơ học vang vọng không dứt, ngày lẫn đêm, mùa đông cũng như mùa hè, băng qua biên giới và xuyên suốt nhiều thập kỷ. Âm thanh đó đều đặn, gần như thôi miên. Đôi khi âm thanh dừng lại. Một khoảnh khắc im lặng. Rồi một giọng nói vang lên trong làn sóng tĩnh: “Tôi là 143. Không nhận được phản hồi”. Rồi lại là sự im lặng và tiếng ù tiếp tục trở lại.
Không ai chính thức đứng ra nhận mình là người tạo ra tín hiệu này. Không có mã nhận diện đài, không có lời giải thích, không rõ mục đích. Nhưng âm thanh này đã vang lên gần như không gián đoạn từ cuối những năm 1970. Giới đam mê radio trên khắp thế giới gọi nó là “The Buzzer”.
Qua thời gian, tín hiệu này đã truyền cảm hứng cho vô số câu chuyện. Một số người tin rằng đây là một phần trong “công tắc chết” của Liên Xô - hệ thống trả đũa hạt nhân tự động được thiết kế để phóng tên lửa ngay cả khi ban lãnh đạo nước này bị xóa sổ. Có người cho rằng đó là phương tiện liên lạc với gián điệp hoặc với người ngoài hành tinh. Các giả thuyết có cả những điều hợp lý đến hoang đường.
Tần số 4625 kHz vẫn còn tồn tại, bất kỳ ai cũng có thể dò vào dù khả năng nghe được gì ngoài tiếng ù liên tục là rất thấp. Thỉnh thoảng, âm thanh bị ngắt quãng bởi những thông điệp ngắn, xuất hiện vài tuần hay vài tháng một lần.
Những thông điệp này ngắn gọn và khó hiểu. Chuỗi số. Chữ cái rời rạc. Những từ vô nghĩa như “shlikomops” hay “verhojom”. Một số nghe rất gợi hình, gần như thơ: “Hryukostyag” - tạm dịch là “biểu tượng lợn rừng” - và “bezzlobie”, nghĩa là “không tức giận”.
Câu hoàn chỉnh duy nhất - “Tôi là 143. Không nhận được phản hồi” - được ghi lại vào năm 1997. Từ đó đến nay, chưa từng có điều gì tương tự xuất hiện nữa.
Ngày 30/6/2025, lúc 12 giờ 57 phút trưa giờ Moskva, từ đầu tiên trong ngày vang lên giữa tiếng ù: “zevoseul”. Sau đó, lúc 14 giờ 26 phút, đài phát một từ khác: “trunonord”.
Chỉ vài ngày trước đó, vào 25/6, The Buzzer phát đi 18 thông điệp trong một ngày, trong đó có “bueroprysh”, “khryakokhrych” và “kranofai”.
Video về âm thanh bí ẩn ngày 10/8/2023 (Nguồn: RT):
Như thường lệ, không có lời giải thích. Không có quy luật nào hiện ra. Chỉ là thêm những tiếng vọng từ hư vô.
Về mặt chính thức, đài phát thanh này có tên UVB-76. Ban đầu, đài phát từ vị trí gần Leningrad (nay là St. Petersburg), nhưng đã im lặng trong thời gian ngắn năm 2010 trước khi phát sóng trở lại từ một địa điểm mới, có thể ở gần Moskva.
Mục đích của tín hiệu này vẫn là điều bí ẩn, nhưng giả thuyết phổ biến nhất cho rằng nó truyền thông điệp mã hóa phục vụ quân sự. Giới chức Nga chưa từng xác nhận điều này. Khi được RT hỏi gần đây, họ trả lời rằng thông tin về tần số này không được công khai. Ngoài ra, không có chủ sở hữu tư nhân nào được đăng ký chính thức.
Vì vậy, hầu như không thể khẳng định điều gì chắc chắn về đài phát thanh này. Theo các chuyên gia quân sự Nga và nước ngoài, đó có thể là một phần của hệ thống có tên Perimeter, hay còn gọi là Dead Hand.
Hủy diệt lẫn nhau và đánh lừa lẫn nhau
Perimeter là hệ thống trả đũa hạt nhân tự động dự phòng, được Liên Xô phát triển trong thập niên 1980, dùng trong trường hợp các trung tâm chỉ huy bị phá hủy trong vài phút đầu của một cuộc tấn công hạt nhân.
Nếu ban lãnh đạo cấp cao của nước này (tổng thống, bộ tổng tham mưu) thiệt mạng hoặc mất liên lạc với lực lượng tên lửa, hệ thống này sẽ tự động kích hoạt. Hệ thống phân tích địa chấn, mức phóng xạ và sự vắng mặt tín hiệu từ chỉ huy. Nếu xác nhận có tấn công hạt nhân, Perimeter sẽ tự động ra lệnh phóng tên lửa thông qua các kênh liên lạc dự phòng.
Điều này có nghĩa là ngay cả khi lãnh đạo bị loại bỏ bất ngờ, Liên Xô vẫn có thể thực hiện đòn trả đũa - tạo ra tình trạng hủy diệt lẫn nhau chắc chắn.
Thông tin đầu tiên về hệ thống này xuất hiện vào thập niên 1980. Đến thập niên 1990, các chuyên gia bắt đầu chia sẻ chi tiết đã được giải mật. Tướng Dmitry Volkogonov - cựu cố vấn của Tổng thống Boris Yeltsin - gián tiếp xác nhận sự tồn tại của hệ thống này. Để hệ thống này hoạt động, vấn đề liên lạc đáng tin cậy là điều bắt buộc và The Buzzer được cho là một trong những trạm trung tâm truyền lệnh, vì vậy mới được gọi là “Đài phát thanh ngày tận thế”.
Giả thuyết kết nối The Buzzer với hoạt động quân sự càng được củng cố bởi hệ thống này thường phát thông điệp sau các sự kiện quốc tế lớn. Ví dụ, hai thông điệp “hryukostyag” và “bezzlobie” được phát ngay sau các cuộc đàm phán ở Istanbul. Tuy nhiên, cuộc xung đột gần đây giữa Israel và Iran lại không kích hoạt thông điệp nào mới.
Cũng có một giả thuyết ít kịch tính hơn: The Buzzer chỉ là công cụ răn đe tâm lý. Phóng tên lửa mà không cần lệnh trực tiếp đã cho thấy nhiều rủi ro. Nổi tiếng nhất là sự kiện năm 1983 khi hệ thống cảnh báo của Liên Xô báo nhầm rằng Mỹ đã phóng tên lửa đạn đạo. Liên Xô chuẩn bị phản đòn, nhưng Trung tá Stanislav Petrov phát hiện lỗi và cứu thế giới khỏi thảm họa hạt nhân.
Một số chuyên gia cho rằng do các sự cố như vậy, hệ thống Perimeter đã không còn được vận hành. Chính quyền Nga không xác nhận điều này. Các đối thủ tiềm tàng vì thế vẫn không chắc Dead Hand còn hoạt động, buộc họ phải thận trọng. Trong lúc đó, The Buzzer tiếp tục phát đi những tín hiệu đầy bí ẩn, làm tăng thêm sự mơ hồ.
Người ngoài hành tinh và giáo phái tận thế ở Điện Kremlin
Tất nhiên, không ít người thấy giả thuyết quân sự là quá tầm thường. Suốt 50 năm qua, nhiều người đã đề xuất các thuyết ly kỳ hơn.
Một số giả thuyết thận trọng cho rằng đài phát sóng cho điệp viên nằm vùng ở nước ngoài hoặc các hầm trú ẩn chính phủ trong trường hợp chiến tranh. Nga có lực lượng tình báo đối ngoại và hầm ngầm cho lãnh đạo. Những thông điệp vô nghĩa phát đi từ đài cũng mang hình thức tương đồng với mã hóa của các cơ quan an ninh Liên Xô. Chúng cũng giống với phương thức liên lạc quân sự. Nhìn chung, lực lượng vũ trang Liên Xô thường ưa dùng các mã hiệu ít tính “thơ” hơn so với những thuật ngữ ẩn dụ như “broken arrow” (mũi tên gãy) hay “bent spear” (ngọn giáo cong) của phía Mỹ.
Một giả thuyết hấp dẫn hơn cho rằng The Buzzer phục vụ một giáo phái tận thế bí mật có liên hệ với giới quân sự và chính trị Liên Xô - những người tin rằng ngày tận thế đang đến gần.
Trên thực tế, giới lãnh đạo Xô viết không xa lạ gì với huyền bí học. OGPU và NKVD từng nghiên cứu tâm linh học, vũ khí tâm lý, thậm chí cả thần giao cách cảm. Một số giáo phái kỳ lạ cũng đã xuất hiện vào cuối thời kỳ Liên Xô. Nhóm Amram Shambala thậm chí còn cố gắng xâm nhập quân đội. Tuy nhiên, các giáo phái này chưa bao giờ phát triển đến mức đáng kể.
Cuối cùng là giả thuyết rằng The Buzzer là kênh liên lạc với người ngoài hành tinh. Liên Xô từng gửi tín hiệu ra không gian năm 1962. Đó là một thông điệp chứa các từ “hòa bình”, “Lenin” và “Liên Xô” được phát đi từ Trung tâm Liên lạc Không gian ở Yevpatoria, dội lên sao Kim rồi phản hồi về Trái Đất. Nhưng đó chỉ là thử nghiệm radar hành tinh, không phải để liên lạc với người ngoài hành tinh.
Bí ẩn giữa các tần số
Trong nhiều năm, chỉ những người mê quân sự và radio mới quan tâm đến UVB-76. Nhưng gần đây, khi nguy cơ xung đột toàn cầu tăng cao, đài này lại thu hút sự chú ý. Điều này dễ hiểu vì nhiều người hy vọng rằng mình có thể bắt được bí mật quân sự hoặc ít nhất là phát hiện quy luật nào đó để chuẩn bị cho khủng hoảng.
Trong môi trường thiếu thông tin xác thực và khi quân đội Nga vẫn bảo mật kỹ, người ta bắt đầu tự tạo ra các cách lý giải. Ban đầu, những thuyết này khiến công chúng kinh ngạc hoặc giải trí, nhưng theo thời gian, chúng có thể bắt đầu trở nên đáng tin.
Tuy nhiên, thực tế thường ít ly kỳ hơn hư cấu. Lịch sử cho thấy các chính phủ hiếm khi hé lộ các dự án tuyệt mật của mình, càng không muốn bị người dân vô tình bắt được sóng.
Cuối cùng, hầu hết các cơ sở quân sự bí mật chỉ làm những việc đơn giản: chuyển tiếp, dự phòng, hoặc đơn giản là đòn răn đe.
Nhưng trong một thế giới đói khát thông tin rõ ràng, ngay cả một tiếng ù vô nghĩa cũng có thể trở thành thông điệp. Khi âm thanh đó tiếp tục vang lên, thản nhiên và vĩnh cửu, nó mang một sức mạnh kỳ lạ: Càng biết ít, người ta càng tưởng tượng nhiều.