Bị chồng giữ giấy tờ tùy thân – người vợ có thể làm gì?
Chị Hờ Y S., người dân tộc Hà Nhì, 28 tuổi, sống tại một xã biên giới ở tỉnh Điện Biên. Sau khi kết hôn, chị chuyển về nhà chồng sống. Chồng chị, anh Vàng A L., thường xuyên kiểm soát chị rất chặt, không cho ra khỏi bản nếu không có sự đồng ý. Mỗi khi chị nhắc tới chuyện đi xin việc, hoặc đưa con đi học xa, anh L. đều gạt đi.


Gần đây, chị phát hiện anh L. đã giấu toàn bộ giấy tờ tùy thân của chị như: CMND/CCCD, hộ khẩu, giấy khai sinh của con… để chị "không thể đi đâu được". Anh còn đe: "Tao giữ để mày khỏi bỏ nhà đi theo trai".
Chị S. muốn đi làm xa để kiếm tiền nuôi con, nhưng không có giấy tờ nên không thể làm gì. Chị hỏi người quen thì bị bảo: "Giấy tờ chồng giữ thì chịu, có ai giúp được đâu". Chị S. cảm thấy bất lực.
Trả lời:
Theo Điều 18 Bộ luật Dân sự 2015, mọi người có quyền nhân thân, trong đó có quyền về họ tên, hình ảnh, giấy tờ cá nhân, và không ai được xâm phạm. Việc một người tự ý chiếm giữ giấy tờ tùy thân của người khác (bao gồm vợ/chồng) là hành vi vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp giữ với mục đích ngăn cản đi lại, kiểm soát, đe dọa, khống chế… hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo Điểm a Khoản 2 Điều 100 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, với mức phạt từ 1 đến 2 triệu đồng.
Nếu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có hành vi đe dọa, hành hung đi kèm, có thể bị xem xét xử lý hình sự (tùy theo tình tiết cụ thể).
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình chị S cần trình báo chính quyền xã hoặc công an xã. Chị S. nên trực tiếp hoặc nhờ người thân đến UBND xã hoặc Công an xã nơi cư trú để trình báo việc bị giữ giấy tờ và yêu cầu can thiệp.
Chính quyền có thể mời hai bên lên làm việc, yêu cầu người chồng trả lại giấy tờ. Trường hợp anh L. cố tình không hợp tác, cơ quan chức năng có thể lập biên bản xử phạt hành chính.
Nếu không có đủ chứng cứ để xử lý hành vi của anh L hoặc giấy tờ đã bị hủy, thất lạc hay người giữ không chịu trả, chị S có thể đề nghị cơ quan chức năng làm lại giấy tờ cho mình. Cụ thể: với căn cước công dân: Đến cơ quan Công an nơi chị đang cư trú để làm lại. Nếu không còn sổ hộ khẩu giấy, có thể tra cứu thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia. Với giấy khai sinh con: Đến UBND cấp xã nơi đăng ký khai sinh để xin cấp bản sao hoặc cấp lại.
Ngoài ra đây có thể là dấu hiệu của bạo lực gia đình. Không chỉ là hành vi trái luật, việc người chồng giữ giấy tờ, kiểm soát tự do đi lại của vợ là biểu hiện của bạo lực tinh thần, theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022. Nếu kèm theo hành vi đe dọa, xúc phạm, cấm đoán vợ làm việc, tiếp xúc xã hội, chị S. có thể làm đơn trình báo về bạo lực gia đình và yêu cầu bảo vệ khẩn cấp.