Bị khởi tố, nhóm bảo vệ xịt sơn hàng loạt ô tô đối mặt án phạt gì?

Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 bảo vệ có hành vi xịt sơn vào hàng loạt xe ô tô xảy ra trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội).

Chiếc xe bị nhóm bảo vệ xịt sơn.

Chiếc xe bị nhóm bảo vệ xịt sơn.

Bảo vệ chung cư có hành vi xịt sơn hàng loạt ô tô

Bảo vệ chung cư có hành vi xịt sơn hàng loạt ô tô

Theo đó, 3 bảo vệ chung cư CT7 bị khởi tố về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” gồm: Trần Đình Thắng (SN 1974), Nguyễn Xuân Loan (SN 1955, cùng ở quận Hà Đông, Hà Nội) và Nguyễn Văn Tâm (SN 1964, ở tỉnh Vĩnh Phúc).

Qua điều tra, các nhóm bảo vệ khai nhận do làm bảo vệ và trông giữ xe tại khu chung cư CT7 nên đối tượng phát hiện tại trục đường bao phía sau chung cư có nhiều người dân đỗ xe qua đêm, không gửi vào bãi xe của khu chung cư quản lý nên ngày 7/11, Thắng đưa 70.000 đồng cho Tâm và Loan đi mua 2 bình sơn màu đỏ.

Rạng sáng ngày 8/11, Loan đi trước cảnh giới còn Tâm đi phía sau dùng bình xịt sơn đỏ lên phần thân khoảng 10 ô tô để dọc lề đường.

Sau khi xịt hết bình sơn, Tâm đã ném vỏ bình sơn vừa sử dụng đi còn 1 bình sơn chưa sử dụng Tâm cất ở tủ bảo vệ tại sảnh tòa CT7E.

Cơ quan chức năng cũng thu giữ 1 bình sơn xịt đã qua sử dụng và 1 bình sơn do đối tượng Thắng cất giấu.

Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với PV Báo GD&TĐ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, việc xịt, vẽ bậy lên ô tô không phải là chuyện hiếm, nguyên nhân và hậu quả pháp lý của những hành vi này cũng khác nhau.

Trường hợp lái xe ô tô dừng đỗ xe ở những nơi cấm dừng, cấm đỗ, cản trở lối đi, cản trở hoạt động kinh doanh, đời sống của người khác, có thể xảy ra những chuyện bị dán biển cảnh báo hoặc có những hành vi thể hiện sự bức xúc của những người xung quanh.

Tuy nhiên, những việc này có thể thông cảm được và thường không gây thiệt hại gì cho chủ xe. Nhưng nếu đập phá, cào, vẽ, làm hư hỏng xe cũng sẽ bị xem xét xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với trường hợp ô tô đã dừng, đỗ đúng nơi quy định, không cản trở lối đi của người khác, không làm ảnh hưởng đến đời sống của những người xung quanh, việc xịt sơn, vẽ bậy, cào xước xe của người khác như sự việc trên là hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản với động cơ đê hèn.

Hành vi ghen ăn tức ở, muốn thu tiền trông xe trái quy định, một cách tự phát mà nhẫn tâm làm hư hỏng tài sản của người khác là hành vi rất đáng lên án và đáng phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Hành vi như vậy cần phải xử lý bằng những chế tài nghiêm minh của pháp luật trong đó không loại trừ trách nhiệm hình sự.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Theo quy định, trường hợp hành vi xịt sơn vào ô tô của người khác khiến chủ xe phải sơn lại tốn kém từ 2.000.000 đồng trở lên, người xịt sơn vào xe trong trường hợp này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015.

Luật sư Cường cho rằng, vụ việc nêu trên cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định thiệt hại đối với những chiếc xe đã bị xịt sơn trái phép. Trường hợp kết quả giám định của hội đồng giám định cho thấy những thiệt hại cần phải khắc phục để sơn sửa lại ô tô trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên, các đối tượng đã sơn vẽ trái phép vào ô tô của người khác sẽ phải đối mặt với mức hình phạt có thể lên đến 3 năm tù.

Trường hợp thiệt hại từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc hành vi được xác định là “có tổ chức”, các đối tượng trong vụ án này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù theo quy định tại khoản 2, điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên.

Khi đã xác định được đối tượng thực hiện hành vi sơn vẽ trái phép vào ô tô của người khác và khi có kết quả định giá giá trị tài sản bị thiệt hại là từ 2.000.000 đồng trở lên thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và có thể bắt tạm giam các đối tượng nêu trên để phục vụ công tác điều tra.

Ngoài việc phải đối mặt với hình phạt có thể lên đến 7 năm tù, các đối tượng này sẽ còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với các nạn nhân. Thiệt hại cho nạn nhân trong vụ việc này bao gồm tiền chi phí sơn sửa lại xe, tiền thu nhập bị mất bị giảm suốt trong quá trình sẽ không sử dụng được và các chi phí khác phát sinh trong quá trình tố tụng.

Luật sư Cường cũng cho biết, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ các đối tượng nêu trên có được phép trông giữ xe, thu tiền giữ xe hay không, việc quản lý sử dụng tiền trông giữ xe được thực hiện như thế nào, nếu còn phát hiện những vi phạm pháp luật khác cũng sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Trường hợp các đối tượng chỉ vì muốn thu tiền trông giữ xe trái phép mà đã coi nhẹ giá trị tài sản của người khác, cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác thì đây là hành vi đê hèn, hành vi này là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Hành vi này không những phải chịu sự trừng phạt của pháp luật con sẽ chịu sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng. Bởi hành vi đó đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền sở hữu, sử dụng tài sản của người khác.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phap-luat/bi-khoi-to-nhom-bao-ve-xit-son-hang-loat-o-to-doi-mat-an-phat-gi-8rU6CtoGg.html