Bị người lạ gọi cập nhật hộ khẩu điện tử nếu không sẽ thành... tội phạm
Nếu cần cập nhật thông tin, người dân nên ra trực tiếp Công an xã/phường nơi mình sinh sống để được hỗ trợ.
Gần đây, báo Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về việc bị người lạ gọi điện đề nghị cập nhật VNeID, sổ hộ khẩu điện tử,…
Cuộc gọi đề nghị cập nhật thông tin VNeID
Chị NTC (phường Thới An, TP.HCM) nhận được cuộc gọi của người xưng là Đức, cán bộ hộ tịch của phường Thới An thông báo con trai của chị đã có định danh cá nhân; tuy nhiên chưa có thông tin trên VNeID. Người này đề nghị chị nhanh chóng cập nhật để khỏi ảnh ảnh đến quyền lợi của con.
Chị C hoài nghi nhưng vẫn sợ mình sai vì người này đọc đúng thông tin của con chị. Hơn nữa, đúng là thông tin của bé chưa được cập nhật trên VNeID của vợ chồng chị.
“Cán bộ Đức” đề nghị chị gọi ngay cho cán bộ hành chính công tên Hiệp để được hỗ trợ đăng ký online, hôm sau chỉ cần lên phường điền thông tin xác nhận là xong. Chị C thắc mắc nếu không đăng ký online mà lên làm trực tiếp luôn cho tiện thì có được không.
Bên kia trả lời, ngày nghỉ người dân ở nhà thì gọi điện làm theo hướng dẫn rồi qua tuần lên làm cho nhanh, chứ ai cũng chờ lên phường làm trực tiếp, mỗi người mất 2-3 tiếng đồng hồ, thời gian đâu cán bộ làm cho kịp.
Chị C ngỏ ý nhờ người này hỗ trợ hướng dẫn làm luôn chứ thông qua người khác nữa mất thời gian, bên kia trả lời dứt khoát “mỗi người 1 khâu không làm thay được”.
Khi chị C gọi điện theo số “cán bộ Đức” cung cấp thì đầu dây bên kia đề nghị chị gọi video để được hướng dẫn cách làm. Chị C cho biết đang đi làm không tiện gọi video thì bên kia hẹn tối về gọi cũng được.
Chị xin thông tin “cán bộ” để hôm sau lên liên hệ trực tiếp thì người này nói rằng giờ sáp nhập rồi, mấy thủ tục này không cho làm trực tiếp nữa, cán bộ hỗ trợ làm online thôi. Người dân không tin thì cứ lên phường mà hỏi.
"Nghe đến đó, tôi biết đây hẳn là kẻ lừa đảo rồi nên phản ánh đến báo để cảnh báo những người khác", chị C nói.
Đúng như chị C nhận định, sau khi tiếp nhận thông tin, PV đã liên hệ UBND phường Thới An, đại diện UBND phường cho biết UBND phường không có cán bộ hộ tịch nào tên Đức và bộ phận 1 cửa cũng không có ai tên Hiệp.
"Phường cũng không cử cán bộ gọi điện người dân để cập nhật hay đăng ký thông tin trên VNeID như trường hợp ở trên", đại diện phường Thới An thông tin.

Người dân nên cảnh giác khi nhận được cuộc gọi xưng là cán bộ phường, công an,… đề nghị cập nhật VNeID. Ảnh: MINH HOÀNG
Bị dọa nếu không làm theo sẽ phạm tội
Tương tự chị C, chị P.T.T (phường Bình Thạnh, TP.HCM) bất ngờ khi có người gọi điện đọc đúng tên, địa chỉ của chị và thông tin của con gái.
Người này yêu cầu chị cập nhật sổ hộ khẩu điện tử cho bé, nếu không sẽ phạm tội giữ người trái pháp luật.
Chị T hỏi cách cập nhật thì người này hướng dẫn gọi vào một số điện thoại khác để được hỗ trợ lấy mã online rồi cầm mã này ra UBND phường cập nhật. Nói xong người này vội cúp máy.
Ban đầu chị T tin đó là cán bộ thật nên có ý định gọi điện và làm theo hướng dẫn. Tuy nhiên, sau khi suy xét lại thì chị đoán đó là chiêu lừa đảo. Chị T tự trấn an "sao cha mẹ lại phạm tội giữ người trái pháp luật đối với con được".
Mặc dù cả 2 trường hợp của bạn đọc nêu trên rất may đều chưa xảy ra hậu quả, tuy nhiên, cả hai người đều chung nỗi lo khi thông tin cá nhân của gia đình bị lộ. Qua câu chuyện này, mọi người cũng nên cảnh giác khi nhận được cuộc gọi xưng là cán bộ phường, công an,… đề nghị cập nhật VNeID, sổ hộ khẩu điện tử để tránh bị lừa như nhiều trường hợp báo chí đã phản ánh trước đây.
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã phát thông báo cảnh báo thủ đoạn lừa đảo cài ứng dụng VNeID giả mạo.
Theo đó, lợi dụng tình hình từ ngày 1-7, sau sáp nhập cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố, các đối tượng lừa đảo đã thực hiện chiêu thức lừa đảo mới liên quan đến cập nhật thông tin trên ứng dụng VNeID.
Chúng mạo danh các cơ quan quản lý nhà nước như: cảnh sát khu vực, cán bộ phụ trách hộ tịch của xã/phường mới, gọi điện hướng dẫn người dân truy cập đường dẫn hoặc cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo có chứa mã độc nhằm chiếm quyền điều khiển điện thoại, qua đó chiếm đoạt tài sản của người dân.
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo: Người dân tuyệt đối không làm theo yêu cầu qua điện thoại của các đối tượng gọi điện tự xưng là cán bộ xã/phường, cảnh sát khu vực... Nếu cần cập nhật thông tin phải ra trực tiếp Công an xã/phường nơi mình sinh sống.