Bị phạt nguội vì tuân theo CSGT: Người vi phạm tự thu thập chứng cứ rất khó

Nhiều bạn đọc cho rằng để chứng minh mình không bị phạt nguội rất khó khăn, đặc biệt là xin trích xuất camera từ các hộ dân hoặc chính cơ quan quản lý hạ tầng giao thông.

Sau khi PLO đăng tải bài viết “Tuân theo người điều tiết giao thông nhưng bị phạt nguội, phải làm sao?” đã nhận được nhiều ý kiến, bình luận từ bạn đọc.

Chứng minh không vi phạm rất khó?

Theo bạn đọc Ngocminh9408: Quy định và điều tiết giao thông do các cơ quan nhà nước phối hợp thực hiện, dân có nghĩa vụ chấp hành. Dân sai dân chịu trách nhiệm. Cơ quan chức năng phối hợp chưa tốt thì điều chỉnh cho hợp lý. Trường hợp này là các yếu tố bất lợi đều thuộc về người dân.

Bạn đọc Trần Vũ Thanh nêu quan điểm: “Với cách lý giải như bài báo, người dân làm đúng thì không có nghĩa vụ chứng minh, cơ quan chức năng muốn phạt thì phải có trách nhiệm minh chứng sai phạm của người dân, trường hợp này bị phạt nguội là do camera giao thông ghi lại vậy thì tại thời điểm có CSGT điều tiết. Như vậy, cán bộ quản lý camera phải có trách nhiệm loại trừ các phương tiện lưu thông tại trong thời gian điều tiết khỏi sự ghi nhận của thiết bị.

 Ảnh minh họa: THU TRINH

Ảnh minh họa: THU TRINH

Bạn đọc Bdsgiaresaigon bình luận: Tôi thấy rất khó về vấn đề vượt đèn đỏ ở vùng nội ô, nếu thêm trường hợp đi qua đèn xanh rồi phía trước còn kẹt xe chưa đi hết chuyển sang đỏ, camera thấy vẫn bị phạt là sai.

Bạn đọc Daoquocnguyenanh4272 băn khoăn: Tại sao đã có người điều tiết giao thông trong thời gian xe đông ùn tắc, lại không mở lên cho dân xem lại, mà bắt dân tự đi xin để chứng minh ở đoạn không có camera. Nếu hôm đó đoạn đường đó có tai nạn giao thông thì thì cơ quan chức năng có ghi lại thời gian xảy ra tai nạn để báo cáo, sao lại phải bắt dân tự đi chứng minh không sẽ bị phạt nguội.

Bạn đọc Hiệp Tiến Phở bình luận: Thực tế khi kẹt xe có rất nhiều người dân tự nguyện hàng ngày ra điều tiết giao thông giờ cao điểm, rõ ràng những người này không hề được phân công nhiệm vụ nhưng người dân lại bị phạt. Để minh oan đi biết bao nhiêu ngày, mất công việc, thời gian, tiền bạc và cả sự bực mình nữa.

Cần có giải pháp hợp lý đối với phạt nguội

Bạn đọc Tuyen.Pnt nếu ý kiến: Xin dữ liệu camera người dân thì dễ nhưng có khả năng không còn lưu lại. Xin dữ liệu camera cơ quan quản lý thì thường không được cho với lí do "camera dùng nội bộ" hoặc "camera bị hư". Trường hợp không có dữ liệu camera thì người “được” vi phạm sẽ chuyển thành "bị" vi phạm. Để tình trạng này diễn ra sẽ ảnh hưởng không ít đến hành vi tham gia giao thông của cộng đồng. Nên chấn chỉnh lại luật hoặc yêu cầu qui trình của người điều tiết giao thông bao gồm việc liên hệ cơ quan giám sát camera phạt nguội tạm ngưng kiểm tra vi phạm trong thời gian có người điều tiết giao thông làm nhiệm vụ.

Bạn đọc Đức Duy dẫn chứng: Cao tốc đang bị kẹt xe, CSGT chỉ đi theo làn dừng khẩn cấp để giải tỏa lưu thông nhưng sau đó bị biên bản phạt nguội thậm chí thất nghiệp vì bị giam bằng vài tháng. Đường đang lưu thông nhiều năm, qua lại nhiều lần, bất ngờ có bảng cấm. Đã lâu không lưu thông vi phạm hàng chục lần, số tiền phạt lên hàng chục triệu, vài tháng sau có biên bản phạt nguội mới biết mình vi phạm. Chỉ vì lỗi vô tình không cố ý dẫn đến kinh tế khó khăn. Các bên cần rà soát phạt nguội, nhắc nhở kịp thời những lỗi vô ý lập đi lập lại trong thời gian ngắn.

Bạn đọc Cứ Văn cho rằng: Thông thường tài xế bị phạt cũng nộp phạt cho xong chứ không ai rảnh đi xin trích xuất camera. Nhà nước phải có giải pháp gì đó có lợi cho dân chứ.

Bạn đọc Minh Tuấn: Nếu lỗi nặng như vượt đèn đỏ thì sao? Thiết nghĩ nên có giải pháp từ bên công quyền, như khi có người điều khiển giao thông thì các lỗi phạt trong thời điểm đó có thể loại trừ, ví dụ như vượt đèn đỏ, mà các cơ quan phải tự theo dõi và làm việc đó, không làm ảnh hưởng đến người dân. Ai lại đi phạt để dân đi chứng minh mình không vi phạm, tôi thấy chưa hợp lý.

THY NHUNG (TH)

Nguồn PLO: https://plo.vn/bi-phat-nguoi-vi-tuan-theo-csgt-nguoi-vi-pham-tu-thu-thap-chung-cu-rat-kho-post793014.html