'Bí quyết' để thi môn văn đạt điểm cao

Thời điểm này, các học sinh khối 12 đang 'nước rút' ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Trong kỳ thi này, môn văn là môn thi tự luận duy nhất nên khiến nhiều học sinh không khỏi lo lắng và lúng túng từ phương pháp ôn tập đến làm bài thi. Để giúp học sinh ôn thi tốt môn văn và tự tin làm bài thi điểm cao, cô Phạm Thị Xuân Rớt – Giáo viên dạy văn Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo chia sẻ một số kinh nghiệm.

New Page 1

Học sinh lớp 12 đang ôn thi tốt nghiệp. Ảnh: Đ.Hòa

Học sinh lớp 12 đang ôn thi tốt nghiệp. Ảnh: Đ.Hòa

Theo cô Rớt, điều đầu tiên học sinh phải đọc và nắm chắc tất cả các tác phẩm văn chương đã học (trừ bài đọc thêm) trong chương trình ngữ văn 12. Đồng thời, các em nắm chắc về tác giả, hoàn cảnh sáng tác, nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Đây là kiến thức cần thiết cho việc làm văn nghị luận văn học. Thứ hai, học sinh phải phân bố phù hợp thời gian làm bài cho từng phần. Cấu trúc đề thi gồm 2 phần: đọc hiểu và làm văn, thời gian làm bài trong 120 phút. Theo đó, các em phải chia thời gian hợp lý, phần đọc hiểu chỉ có 3 điểm nên thời gian làm bài tối đa khoảng 30 phút. Thời gian còn lại, các em cần tập trung vào phần làm văn 7 điểm. Các em nên để dành 5 phút cuối giờ để đọc lại toàn bài nhằm tránh những sai sót không đáng có.

Để tránh tình trạng lạc đề, theo cô Rớt thí sinh cần đọc kỹ và phân tích đề thi để xác định đúng trọng tâm câu hỏi. Các câu hỏi phần đọc hiểu cần xác định câu nào là nhận biết, câu nào là vận dụng. Nếu đề thi hỏi “theo tác giả”, “theo ngữ liệu” thì câu trả lời phải bám sát ngữ liệu. Các câu hỏi vận dụng thì không nên chép nguyên văn ngữ liệu để trả lời. Độ dài từng câu trả lời vừa đủ, không nên viết dài, tránh cách trả lời dài dòng, lan man không đúng trọng tâm. Cần phân biệt rõ ở câu nghị luận xã hội, đề thi yêu cầu nghị luận về tư tưởng, đạo lý hay hiện tượng đời sống. Vì cách làm bài nghị luận của 2 đối tượng này khác nhau…

Bên cạnh đó, các em phải lập dàn ý để tránh thiếu ý, lặp ý, xác định được các luận điểm. Theo cô Rớt, nhiều em không có thói quen lập dàn ý trước khi viết nên bài làm sót ý, lặp ý, không xác định được luận điểm để đáp ứng yêu cầu trọng tâm. Nhất là ở câu nghị luận xã hội, các em thường mắc lỗi diễn đạt sơ sài, thiếu ý hoặc lặp ý ở phần bàn luận, mở rộng vấn đề. Câu nghị luận văn học chỉ trình bày một đoạn văn ở phần thân bài nên nhiều em không xác định được đâu là luận điểm, đâu là luận cứ. Theo đề minh họa của Bộ GD&ĐT câu nghị luận văn học không chỉ yêu cầu phân tích, cảm nhận một đoạn trích, một nhân vật mà còn có thêm yêu cầu đánh giá, bình luận, so sánh, liên hệ với một đối tượng khác liên quan. Để có thể sắp xếp tốt nhất các ý sao cho sáng tỏ yêu cầu của đề thi thì ngoài việc vận dụng tốt các thao tác lập luận, các em phải chú ý đến cách sắp xếp luận điểm và sử dụng dẫn chứng liên hệ.

Thanh Thủy

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/giao-duc-thanh-nien/bi-quyet-de-thi-mon-van-dat-diem-cao-138049.html