Bí thư Thành ủy TP.HCM: Cần Giờ là tài sản có giá trị tầm cỡ quốc tế

Ngày 13.6, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa 11, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 31 (mở rộng).

Hội nghị diễn ra trong 1 ngày rưỡi làm việc. Các đại biểu thảo luận, cho ý kiến đối với báo cáo Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM nhằm cụ thể hóa mục tiêu theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; báo cáo kết quả xây dựng Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ...

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định đây là những nhiệm vụ hết sức quan trọng và là công việc trọng tâm, có ý nghĩa đối với sự phát triển bền vững của TP. Ông đề nghị hội nghị lần này tập trung góp ý để hoàn chỉnh quy hoạch, trình HĐND TP tại kỳ họp chuyên đề sắp tới để trình Hội đồng Thẩm định quy hoạch nhà nước.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu định hướng hội nghị

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu định hướng hội nghị

Phát biểu định hướng, Bí thư Nên đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM và đề án phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Bộ Chính trị đã có Kết luận 49 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2023 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng. Riêng với TP.HCM, ông Nguyễn Văn Nên nói đã có đi học tập ở nhiều TP khác.

“Họ nói rằng TP.HCM mà không có hệ thống đường sắt đô thị hoàn chỉnh là bất ổn. Chúng ta phải quyết tâm để không rơi vào tình trạng đó”, Bí thư Nên nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Nên nhắc lại: Thủ tướng cũng đã phê duyệt chủ trương hệ thống đường sắt đô thị tại TP.HCM gồm 8 tuyến với tổng chiều dài 220km. Qua gần 20 năm, TP.HCM đã nỗ lực thực hiện nhưng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đến nay chỉ mới hoàn thành 96% và đang ở giai đoạn cuối cùng để sớm đưa vào vận hành.

“Nhiều lần thất hứa rồi. Mọi thứ tưởng có thể dễ dàng đưa vào vận hành nhưng còn nhiều thủ tục mà không phải chỉ dùng quyết tâm chính trị là có thể vượt qua được. Chúng ta đang làm những công đoạn cuối vì liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài, những quy định rất ngặt nghèo... để khi đưa vào vận hành đảm bảo an toàn với chỉ số cao nhất.

Cần phải đổi mới từ huy động nguồn lực, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách… để làm nhanh hơn, rút ngắn thời gian và hiệu quả tốt hơn. Đây là công trình đầu tay, chúng ta có thể chấp nhận và rút ra bài học từ đây”, ông Nguyễn Văn Nên nói.

Bí thư Nên cho biết hiện tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương cũng đang giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, các tuyến khác cũng đã bắt đầu chuẩn bị, với điều kiện và thời gian nhanh nhất có thể.

Về đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Bí thư Nên nói đề án cũng nêu rõ cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với nhiều xu thế nổi bật, nhiều nhà nghiên cứu cảm nhận Cần Giờ không chỉ của TP.HCM, của quốc gia hay khu vực mà còn là tài sản có giá trị mang tầm cỡ quốc tế.

Vì vậy, ông yêu cầu đề án phải có sự tính toán, huy động sức mạnh, trí tuệ trên các cơ sở đấy, bởi vị trí chiến lược, tuyến hàng hải quốc tế đi qua biển Đông, nằm ở khu vực có tiềm năng tăng trưởng của châu Á…

Về Trung tâm tài chính quốc tế, ông Nên nói đây là trung tâm đặt tại TP.HCM. Nghị quyết của Đảng đã giao cho TP.HCM, Chính phủ cũng đã có quyết định thành lập ban chỉ đạo xây dựng đề án. Các bộ ngành cũng đã có hoạt động phối hợp, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, trao đổi kinh nghiệm.

Ông Nên cho biết đến thời điểm này, quy hoạch được triển khai công phu, nghiêm túc, cơ bản, tuy nhiên vẫn còn chậm so với thời gian chung, nguyên do TP lớn, có nhiều vấn đề phải sắp xếp nên cần làm kỹ, bám sát quy hoạch tổng thể quốc gia và các nghị quyết của Bộ Chính trị.

Tú Viên

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bi-thu-thanh-uy-tp-hcm-can-gio-la-tai-san-co-gia-tri-tam-co-quoc-te-218351.html