Bia đá ở danh thắng Kim Sơn

Nếu động Hồ Công có bia 'Thanh kỳ khả ái' thì động Kim Sơn có 'Thanh Hóa thắng tích' khắc lên vách đá như một lời 'nhắc nhở' du khách về những điều thú vị đang chờ đợi khi đến với Quần thể danh thắng Kim Sơn.

Mênh mang sóng nước danh thắng Kim Sơn.

Mênh mang sóng nước danh thắng Kim Sơn.

Núi Kim Sơn thuộc xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, là dãy núi đá vôi có cảnh quan đẹp, nhiều hang động kỳ thú, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử qua các thời kỳ... đã được các bộ quốc sử thời phong kiến ghi chép.

Sách Đại Nam nhất thống chí có chép: “Núi Kim Sơn, có một tên nữa là núi Biện, cũng gọi là núi Bông... mạch núi từ phía Đông núi Hùng Lĩnh men theo 16 sông Mã mà đổ xuống nổi vọt lên 29 ngọn, đứng xa mà trông, hiện ra nhiều hình như tàn lộng, như lâu đài, như cờ quạt”.

Từ việc khai quật khảo cổ học ở khu vực núi Sen (thuộc dãy núi Kim Sơn), các nhà khoa học đã cho rằng, Vĩnh An cũng là miền đất quan trọng trong bộ Cửu Chân thời các vua Hùng bởi ở đây còn khá nhiều hiện vật đồ đồng trong lòng đất và các hang động. Những hiện vật này cho biết niên đại thuộc nền văn hóa Đông Sơn.

Năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược nước ta lần thứ 2, giữa lúc vận nước như “ngàn cân treo sợi tóc” thì vua Trần và các tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải đã bí mật dùng thuyền từ Kim Sơn vòng sau lưng địch mà đánh, trong lúc 2 tướng giặc Toa Đô và Ô Mã Nhi bị bám riết bủa vây. Địa phận Kim Sơn nằm trong khu vực vua Trần và các tướng lĩnh đóng quân. Sau đó, thời nhà Hồ chống quân Minh, cũng dùng địa điểm này làm căn cứ...

Đến cuối thế kỷ XIX, nhà yêu nước Tống Duy Tân đã dựa vào núi Hùng Lĩnh, ăn liền với Kim Sơn để làm căn cứ chống thực dân Pháp. Vào giai đoạn gần cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, một số hang động của Kim Sơn là xưởng quân giới.

“Thanh Hóa thắng tích” như một lời mời chào du khách về với danh thắng Kim Sơn.

“Thanh Hóa thắng tích” như một lời mời chào du khách về với danh thắng Kim Sơn.

Ngoài núi Kim Sơn, hệ thống hang động thuộc di tích thắng cảnh Kim Sơn không chỉ có sự kỳ thú của các nhũ đá, mà các bài văn, bài thơ được khắc trên vách núi cũng là những chuyện bí ẩn. Ông Nguyễn Đức Tuyên, công chức văn hóa xã Vĩnh An giới thiệu với chúng tôi: Ở danh thắng Kim Sơn có 7 động lớn và rộng. Đó là Ngọc Kiều, Ngọc Hồ, Ngọc Long, Ngọc Thanh, Ngọc Tử và động Đền. Ngoài ra còn có động khô Tiên Sơn được phát hiện năm 2003 với diện tích lên tới hàng chục mẫu, được ví như “mê cung của thiên nhiên hùng vỹ và kỳ thú”, hình thành từ hàng trăm triệu năm trước đây”.

Ngồi trên thuyền men theo suối Ấu, chúng tôi đi qua các hang động và dừng lại ở động Ngọc Hồ (động Nước hay còn gọi là động Kim Sơn (động Vàng) - nơi “có nước chảy xuyên qua trong động, đi thuyền qua lại được”.

Ngay từ cửa tiền của động, trên vách núi, là hàng chữ Hán được khắc nổi đề “Thanh Hoa thắng tích”. Văn bia này được khắc năm Nhâm Thìn, niên hiệu Thành Thái (1892), có chiều dài 1,5m, cao 0,5m, nét chữ to, khắc nổi. Bên trái cửa động một bia “Huyệt công động Thiên” được khắc vào năm Bảo Đại thứ 5 (1930). Nhìn chếch về phía Tây một chút là một ngôi miếu nhỏ có diện tích khoảng 4m2 nằm trên sườn núi được cấu trúc theo kiểu chuôi vồ. Ngoài cửa miếu có bức đại tự đề “Sơn Tuế Nam” được khắc năm 1943.

Thuyền ra tới cửa động phía Bắc, là một vùng non nước kỳ vĩ hiện ra với những dải núi đá xanh biếc ôm trọn lấy hồ Cây Âu, cây Sen bốn mùa ngát hương thơm. Trên cửa hang ở phía Bắc có khắc bài thơ thất ngôn bát cú đề “Quý Dậu xuân, huyện Doãn Nguyễn đề Kim Sơn động” (ông quan huyện Doãn họ Nguyễn đề thơ ở động Kim Sơn mùa xuân năm Kỷ Dậu). Bài thơ được lược dịch:

Những người khách du chơi vào buổi chiều xuân ở động

Lúc này phong cảnh, cảnh hương khói quyện tiên vách đá quả là u tịch

Cảnh đình đài và núi sông nghìn năm không già

Muôn dòng suối vẫn không ngừng chảy

Lúc này mây, hoa, đá như đang chào đón khách

Cảnh suối trong đá trắng thật là đáng yêu

Trước phong cảnh đẹp của núi sông bao nhiêu bậc hào kiệt muốn lưu luyến dừng chân.

Rời động Ngọc Hồ, bước lên bờ men theo sườn núi về phía Nam khoảng 10m ta gặp động Đền. Sở dĩ gọi là động Đền vì ở gần sát cửa động có ngôi đền, nay đã bị sập đổ chỉ còn lại nền móng. Tương truyền đây là một ngôi đền thờ Trịnh Phủ Quân - Quản Gia Đô Bác mà Nhân dân vùng ven sông nước tôn thờ. Ở vách hang trước cửa động có 3 bia đá: Tấm bia thứ nhất đề “Dư Kim Sơn động thị tự’. Bia ca ngợi cảnh đẹp của động Kim Sơn và ngôi đền trước động được khắc năm 1865. Bên cạnh đó là bia đề “Kim Sơn động”, ca ngợi cảnh đẹp của động Kim Sơn vào mùa xuân khắc năm 1867. Và bia thứ 3 đề thơ thất ngôn bát cú, ca ngợi cảnh đẹp của núi sông được viết vào năm 1848.

Từ động Đền đi về phía Nam khoảng 20m, chúng tôi tới động Ngọc Kiều (còn được gọi là hang Mắc Cưỡi, động Tiên). Ở ngoài cửa động có bia đề “Ngọc Kiều động” ở bên trái bia ghi tên người khắc là Thiện Lan, ở bên phải ghi năm Nhâm Thìn (1892).

Bài thơ thất ngôn bát cú của huyện Doãn Nguyễn ở động Kim Sơn.

Bài thơ thất ngôn bát cú của huyện Doãn Nguyễn ở động Kim Sơn.

Ngọc Kiều là một động lớn, hình vòm như một chiếc ô khổng lồ mở ánh sáng từ phía trên dọi xuống. Trên vách hang động ngoài cùng có 5 tấm bia chữ Hán ca ngợi cảnh đẹp của động Ngọc Kiều và động Kim Sơn. Nhìn từ trong ra là bia được khắc niên hiệu “Duy Tân quỷ sãi niên, lục nguyệt thập nhất nhật” (1913); bia “Tu Ngọc Sơn động ký” với 20 hàng chữ trong đó có hàng lên tới 35 chữ; bia “Du Kim Sơn động ký” (Bài ký về việc đi chơi Kim Sơn) được khắc năm 1892; bia “Chư bạc Kim can động thư” (một lần đậu thuyền trên bến Kim Tân) viết khi vua Minh Mạng đi kinh lược Thanh Hóa năm 1837; bia “Tu Sơn động ngẫu đắc” là bài thơ thất ngôn bát cú viết năm 1892.

Có thể thấy rằng, ít nơi nào trên đất xứ Thanh này có số lượng văn bia lớn như ở Quần thể danh thắng Kim Sơn, xã Vĩnh An. “Giữa vùng non nước kỳ thú, trước mặt là sông Mã, xa hơn chút nữa đó là Ngã Ba Bông, núi Mông Cù, núi Sóc Sơn. Cảnh sắc đó là nguồn cảm hứng bất tận để các vị tao nhân mặc khách khi đến đây đều mong muốn lưu lại. Vì là bia đá ở giữa vùng sông nước nên việc bảo tồn, giữ gìn khá khó khăn”, ông Nguyễn Đức Tuyên, công chức văn hóa xã cho biết.

*Bài viết có sử dụng tư liệu trong sách Thanh Hóa tỉnh, Đại Nam nhất thống chí và một số tài liệu của địa phương.

Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/bia-da-o-danh-thang-kim-son-31615.htm