Biến đổi khí hậu góp phần gây ra cháy rừng như ở Chile như thế nào?

Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng và hạn hán xảy ra nhiều hơn ở Nam Mỹ, và cả hai đều góp phần gây ra cháy rừng bằng cách làm khô các loài thực vật.

Đến hôm thứ Hai (5/2), số người chết vì cháy rừng hoành hành khắp miền trung Chile đã lên tới 122 người, khi các đội cứu hộ nói rằng họ vẫn đang tìm thấy các thi thể bị chôn vùi trong đống đổ nát. Tổng thống Gabriel Boric đã tuyên bố hai ngày quốc tang, đồng thời nói rằng Chile đang phải đối mặt với một thảm kịch lớn.

Thảm họa xảy ra ngay sau khi Colombia vừa tuyên bố tình trạng khẩn cấp do cháy rừng dữ dội hôm 26/1. Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng và hạn hán tấn công Nam Mỹ nhiều hơn, và cả hai đều góp phần gây ra cháy rừng bằng cách làm khô các loài thực vật nuôi dưỡng ngọn lửa.

 Người dân sơ tán bằng xe máy giữa đám cháy rừng ở Vina del Mar, Chile, ngày 3 tháng 2 năm 2024. Ảnh: AP

Người dân sơ tán bằng xe máy giữa đám cháy rừng ở Vina del Mar, Chile, ngày 3 tháng 2 năm 2024. Ảnh: AP

Chuyện gì đang xảy ra ở Chile?

Theo chuyên gia về rừng Edward Mitchard tại Trường Khoa học Địa chất thuộc Đại học Edinburgh ở Scotland, biến đổi khí hậu "làm cho thế giới nóng hơn, có nghĩa là thực vật bốc hơi nhiều nước hơn và đất trở nên khô hơn".

Các đám cháy ở Chile xảy ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu như vậy. Một đợt nắng nóng đã đẩy nhiệt độ ở thủ đô Santiago lên khoảng 37 độ C. Nhiệt độ cực cao khiến gỗ mất độ ẩm, biến nó thành nhiên liệu lý tưởng cho các đám cháy bùng lên nhanh và dữ dội hơn. Chỉ cần tăng thêm một vài độ cũng có thể tạo nên sự khác biệt giữa đám cháy nhẹ và đám cháy dữ dội.

Theo ông Mitchard, chỉ cần vài ngày thời tiết khô nóng, lá cây sẽ trở nên giòn và khô - một nhiên liệu dễ bén lửa. Đất khô hơn cũng góp phần làm đám cháy dữ dội và kéo dài hơn.

Một nghiên cứu của Nature cho thấy biến đổi khí hậu khiến mùa cháy rừng kéo dài trung bình thêm 18,7%, đồng nghĩa với việc tăng khả năng xảy ra những thảm họa cháy rừng thảm khốc như ở Chile.

 Khói bốc lên từ những ngôi nhà bị cháy sau khi cháy rừng lan đến khu phố Villa Independencia ở Vina del Mar, Chile, ngày 3 tháng 2 năm 2024. Ảnh: AP

Khói bốc lên từ những ngôi nhà bị cháy sau khi cháy rừng lan đến khu phố Villa Independencia ở Vina del Mar, Chile, ngày 3 tháng 2 năm 2024. Ảnh: AP

Chu kỳ thời tiết toàn cầu đóng vai trò gì?

Trong trường hợp ở Chile, một số trận mưa lớn bất thường vào năm ngoái được cho là đã làm tăng sự phát triển của bụi cây. Sau đó khi chu kỳ mưa toàn cầu bị gián đoạn, các đợt hạn hán gia tăng khiến toàn bộ khu vực khô cằn bất thường và dễ bị bắt lửa hơn, tạo điều kiện hoàn hảo cho các đám cháy.

"Biến đổi khí hậu đã khiến hạn hán trở nên phổ biến hơn", ông Mitchard cho biết. "Và điều đó đặc biệt xảy ra ở Nam Mỹ năm nay".

"Chúng ta đang chứng kiến đợt hạn hán khắc nghiệt nhất từng được ghi nhận ở lưu vực sông Amazon và nếu xảy ra hạn hán ở lưu vực Amazon, lượng mưa ở phía nam Nam Mỹ cũng sẽ ít hơn", ông nói thêm.

 Người đàn ông dùng nước giúp một người dân hạ nhiệt khi đám cháy rừng bùng phát gần đó, ở Vina del Mar, Chile, ngày 3 tháng 2 năm 2024. Ảnh: AP

Người đàn ông dùng nước giúp một người dân hạ nhiệt khi đám cháy rừng bùng phát gần đó, ở Vina del Mar, Chile, ngày 3 tháng 2 năm 2024. Ảnh: AP

Trên hết là kiểu thời tiết El Ninõ, sự nóng lên tự nhiên và định kỳ của nước bề mặt ở Thái Bình Dương, ảnh hưởng đến thời tiết trên toàn cầu. Ở Nam Mỹ, điều đó đồng nghĩa với việc nhiệt độ tăng cao và hạn hán trong năm nay.

Ông Mitchard cho biết biến đổi khí hậu khiến El Ninõ mạnh hơn và hạn hán do hiện tượng này gây ra có thể sẽ dữ dội hơn. Tháng trước, chính phủ Colombia đã tuyên bố thảm họa do hàng chục vụ cháy rừng liên quan đến hiện tượng thời tiết.

Lượng carbon khổng lồ được thải ra từ cháy rừng cũng làm tăng sự nóng lên toàn cầu.

 Người dân đứng nhìn cột khói từ đám cháy rừng bốc lên bầu trời ở Vina del Mar, Chile, ngày 3 tháng 2 năm 2024. Ảnh: AP

Người dân đứng nhìn cột khói từ đám cháy rừng bốc lên bầu trời ở Vina del Mar, Chile, ngày 3 tháng 2 năm 2024. Ảnh: AP

Cháy rừng đang tệ hơn?

Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) đã sử dụng dữ liệu vệ tinh để tính toán rằng các vụ cháy rừng hiện phá hủy khoảng 30.000 km vuông rừng mỗi năm, tương đương diện tích nước Bỉ và lớn gấp đôi so với 20 năm trước.

Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã phát hiện ra rằng các đợt nắng nóng cực độ trên thế giới xảy ra thường xuyên hơn gấp 5 lần do sự nóng lên toàn cầu bởi con người gây ra. Điều này tạo ra điều kiện thời tiết khô nóng hơn, là điều kiện lý tưởng để cháy rừng bùng phát.

 Một đám cháy rừng trên sườn núi xung quanh Nemocon, phía bắc Bogota, Colombia, ngày 23 tháng 1 năm 2024. Ảnh: AP

Một đám cháy rừng trên sườn núi xung quanh Nemocon, phía bắc Bogota, Colombia, ngày 23 tháng 1 năm 2024. Ảnh: AP

Hoài Phương (theo AP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bien-doi-khi-hau-gop-phan-gay-ra-chay-rung-nhu-o-chile-nhu-the-nao-post283803.html