Biến thách thức thành lợi thế của chiến sĩ áo trắng

Nhìn lại 5 thập kỷ xây dựng và trưởng thành (23-3-1973 / 23-3-2023) có thể thấy rõ, một trong những điều đặc biệt của các thầy thuốc chiến sĩ áo trắng Bộ môn-Khoa Nhi, Bệnh viện Quân y (BVQY) 103 (Học viện Quân y) là biến những khó khăn, thách thức khi vừa đảm nhiệm nhiệm vụ giảng dạy và điều trị thành lợi thế để ngày càng đáp ứng tốt hơn công tác đào tạo cũng như cứu chữa, chăm sóc bệnh nhân.

Sáng phẩm chất “Thầy thuốc như mẹ hiền”

Đưa con vào nhập viện tại Bộ môn-Khoa Nhi, BVQY 103 trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, không còn phản ứng, chị Nguyễn Thị Huyền, ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) lòng đầy lo lắng. Thế nhưng chỉ sau 5 ngày điều trị, sức khỏe con trai chị đã dần ổn định. Niềm vui khi thấy con vui cười trở lại hiện rõ trên gương mặt người mẹ. Từ trong sâu thẳm trái tim mình, chị vô cùng biết ơn các y, bác sĩ và điều dưỡng ở Bộ môn-Khoa Nhi đã chẩn đoán chính xác và tận tình điều trị, giúp đỡ con chị qua cơn nguy kịch.

Bệnh nhân Nguyễn Phúc Lâm, 4 tuổi, ở phường Phúc La, quận Hà Đông (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng viêm phổi, xơ phổi bẩm sinh. Khi vào viện thì bệnh rất nặng, khó thở, suy hô hấp. Với việc điều trị tích cực, cháu đã dần hồi phục và khỏi bệnh sau 24 ngày. Trong niềm vui khôn xiết, gia đình xúc động gửi lời cảm ơn đến các chiến sĩ áo trắng-những người “Thầy thuốc như mẹ hiền” đã giúp cháu vượt qua lằn ranh sinh tử...

Bác sĩ Bộ môn-Khoa Nhi, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) luôn ân cần, chu đáo khi khám bệnh cho trẻ em. Ảnh: TRỌNG NGHĨA

Bác sĩ Bộ môn-Khoa Nhi, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) luôn ân cần, chu đáo khi khám bệnh cho trẻ em. Ảnh: TRỌNG NGHĨA

Đây chỉ là hai trong tổng số hơn 2.000 lượt bệnh nhi nội trú được điều trị tại Bộ môn-Khoa Nhi mỗi năm. Với hơn 40 loại bệnh khác nhau, trong đó có rất nhiều ca bệnh nặng, các bác sĩ phải có phác đồ và cách điều trị riêng cho từng bệnh nhân. Ngoài chuyên môn sâu, những thầy thuốc nơi đây còn hiểu rõ tâm lý trẻ em và thân nhân các cháu để chăm sóc và trấn an tinh thần, phục vụ tốt nhất việc điều trị.

Thượng tá Phạm Hải Yến, Điều dưỡng trưởng Bộ môn-Khoa Nhi, BVQY 103, cho biết: “Do đặc thù của bệnh nhân là các cháu bé còn nhỏ, nhiều cháu chưa biết nói nên khi khám bệnh thì các y, bác sĩ phải dỗ dành, nắm được tâm lý bệnh nhân để các cháu hợp tác trong quá trình chẩn đoán, điều trị. Vì thế, các chiến sĩ áo trắng Bộ môn-Khoa Nhi luôn làm việc với phương châm “Thầy thuốc như mẹ hiền””.

Đến Bộ môn-Khoa Nhi, chúng tôi nhận thấy, sự giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần dành cho những gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình là trường hợp của bệnh nhân Nông Gia Huy, 12 tháng tuổi, ở Yên Thế, Lục Yên, Yên Bái, bị viêm phế quản, teo cơ cứng khớp bẩm sinh. Đây là bệnh nhân có hoàn cảnh rất đặc biệt, gia đình khó khăn. Mẹ của bệnh nhân đưa con đến chữa bệnh và phải đi làm thêm để có tiền cho con điều trị phục hồi chức năng lâu dài. Trong thời gian cháu nằm viện, các bác sĩ, điều dưỡng thường xuyên hỗ trợ chăm sóc khi mẹ cháu bận việc cá nhân. Ngoài ra, các chiến sĩ áo trắng còn tổ chức quyên góp quần áo, vật chất hỗ trợ gia đình tiếp tục cho bé đi chữa trị trong và sau thời gian nằm viện.

Nỗ lực, sáng tạo hoàn thành “nhiệm vụ kép”

Khoa Nhi là một trong những khoa có số lượng bệnh nhân nằm điều trị thường xuyên cao nhất của BVQY 103. Ngoài nhiệm vụ điều trị, Bộ môn-Khoa Nhi còn thực hiện chức năng, nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện. Vì thế, công việc có nhiều áp lực nhưng môi trường làm việc nơi đây vô cùng lý tưởng để các y, bác sĩ, điều dưỡng ngày một hoàn thiện hơn trong công tác chuyên môn.

Đại tá, Tiến sĩ Lê Thị Thúy Hằng, Chủ nhiệm Bộ môn-Khoa Nhi, BVQY 103 cho biết: “Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ vừa đào tạo, vừa điều trị là một khó khăn nhưng cũng là thuận lợi bởi các bác sĩ và điều dưỡng phải làm việc đúng theo quy trình, thường xuyên cập nhật tài liệu để nâng cao trình độ chuyên môn. Chúng tôi quan niệm, phải nâng cao trình độ chuyên môn thì mới đào tạo được nhiều thế hệ bác sĩ kế cận. Qua đó, để học viên được nhìn thấy thực tiễn, đưa lý thuyết vào thực hành ngay trên những bệnh nhân điều trị tại đây”.

Những năm qua, Bộ môn-Khoa Nhi đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật mới trong điều trị bệnh cho trẻ em, như: Đề tài về chẩn đoán và điều trị Dengue xuất huyết ở trẻ em; đề tài nghiên cứu tính kháng thuốc của các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn hô hấp cấp ở trẻ em và nhiều đề tài nghiên cứu về lâm sàng và điều trị tiêu chảy cấp do Rotavirus ở trẻ em; nghiên cứu về hen phế quản có viêm mũi dị ứng ở trẻ em mang tính thực tiễn cao...

Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, cán bộ, giảng viên, nhân viên Bộ môn-Khoa Nhi đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, luôn nỗ lực và giàu sáng tạo để hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ về đào tạo, điều trị, nghiên cứu khoa học cũng như xây dựng đơn vị.

Đến nay, Bộ môn-Khoa Nhi có 1 phó giáo sư, 5 tiến sĩ, 3 thạc sĩ, 6 bác sĩ. Những thầy thuốc chiến sĩ nơi đây không ngừng trau dồi chuyên môn, nâng cao y đức, bám sát thực tiễn, hết lòng vì người bệnh, hết lòng vì đội ngũ thầy thuốc tương lai, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bộ đội và nhân dân.

VŨ HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bien-thach-thuc-thanh-loi-the-cua-chien-si-ao-trang-722504