Biểu thuế thu nhập cá nhân 5 bậc, thuế suất cao nhất 35% đã hợp lý hay chưa?

Bên cạnh mức giảm trừ gia cảnh, biểu thuế lũy tiến từng phần là yếu tố quan trọng, được coi là 'linh hồn' của Luật thuế thu nhập cá nhân. Do đó, đang có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh phương án điều chỉnh biểu thuế của Bộ Tài chính.

Sau gần 20 năm áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân, mới đây Bộ Tài chính lần đầu tiên lấy ý kiến sửa đổi biểu thuế lũy tiến từng phần theo hướng giảm bậc và kéo giãn khoảng cách giữa các bậc nhằm giảm gánh nặng cho người nộp thuế.

Tại dự thảo luật, Bộ Tài chính đề xuất sửa biểu thuế lũy tiến từng phần với 2 phương án. Ở cả hai phương án, số bậc trong biểu thuế đều giảm từ 7 bậc xuống còn 5 bậc và giữ nguyên mức thấp nhất là 5% và mức cao nhất là 35%, nhưng điều chỉnh khoảng cách thuế suất giữa các bậc nhằm bảo đảm công bằng và giảm gánh nặng thuế cho người nộp.

Ở phương án 1, những cá nhân có thu nhập ở bậc 1 không bị ảnh hưởng, nhưng vẫn được giảm thuế nhờ tăng mức giảm trừ gia cảnh. Các cá nhân thuộc bậc thuế từ bậc 2 trở lên sẽ được giảm thuế nhiều hơn so với hiện tại.

 Phương án 1 theo đề xuất điều chỉnh biểu thuế lũy tiến của Bộ Tài chính

Phương án 1 theo đề xuất điều chỉnh biểu thuế lũy tiến của Bộ Tài chính

Ví dụ, người có thu nhập tính thuế 10 triệu đồng/tháng sẽ giảm được 250.000 đồng tiền thuế mỗi tháng; với mức thu nhập 30 triệu, số thuế giảm là 850.000 đồng/tháng; người có thu nhập 40 triệu được giảm 750.000 đồng, còn với mức 80 triệu đồng/tháng, mức giảm là 650.000 đồng.

 Phương án 2 theo đề xuất điều chỉnh biểu thuế lũy tiến của Bộ Tài chính.

Phương án 2 theo đề xuất điều chỉnh biểu thuế lũy tiến của Bộ Tài chính.

Phương án 2 giữ nguyên các ưu đãi thuế như phương án 1 đối với nhóm thu nhập dưới 50 triệu đồng/tháng, nhưng có mức giảm thuế cao hơn với các cá nhân thu nhập trên 50 triệu, đồng nghĩa với việc nguồn thu ngân sách nhà nước giảm nhiều hơn so với phương án 1.

Càng nhiều bậc thuế thì càng công bằng

Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính) cho rằng, hai phương án điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần mà Bộ Tài chính đang đề xuất đều có điểm chung là số bậc thuế suất giảm đi và mức thuế cao nhất vẫn là 35%.

Ông Phụng tán thành với mức thuế suất cao nhất là 35% bởi ông cho rằng việc này thể hiện người có thu nhập cao sẽ phải đóng mức thuế cao, đó là nguyên tắc của lũy tiến.

Tuy nhiên, ông Phụng cho biết không đồng tình với việc giảm còn 5 bậc thuế. Theo ông, nên để 7 bậc thuế như hiện hành nhưng sắp xếp lại về mức thuế suất cũng như mức thu nhập chịu thuế giữa các bậc.

“Tôi cho rằng vẫn nên để 7 bậc trong biểu thuế lũy tiến và phân bố lại khoảng cách giữa các bậc. Theo hướng, khoảng cách giữa bậc một với bậc hai nên giãn rộng ra để nhiều người được nộp thuế ở mức thấp. Đặc biệt, những bậc đầu (bậc 1,2,3) với những bậc sau (4,5,6...) phải cách xa nhau, có như vậy mới tạo điều kiện tốt hơn cho người thu nhập thấp”, ông Phụng đề xuất và nhấn mạnh, càng nhiều bậc thuế thì càng công bằng.

Nói thêm, ông Phụng cho hay, Bộ Tài chính lý giải giảm bậc thuế để đơn giản hóa công tác thu thuế là chưa thoải đáng. “Việc nhiều hay ít bậc thuế gần như không gây phức tạp cho công tác thu thuế bởi hiện nay máy móc, công nghệ hiện đại, công việc này máy móc và công nghệ có thể làm được”, ông Phụng khẳng định.

 Biểu thuế lũy tiến 7 bậc theo Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành. Đồ họa: MINH TRÚC

Biểu thuế lũy tiến 7 bậc theo Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành. Đồ họa: MINH TRÚC

Mức thuế suất 35% là chưa hợp lý

Có ý kiến khác, chuyên gia thuế TS. Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, trước đây, khi ban hành luật năm 2007 Bộ Tài chính đưa ra mức thuế suất thấp nhất là 5% và cao nhất là 35% với biểu thuế 7 bậc: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 35%.

Như vậy, mức bình quân chung của thuế suất khoảng 25%, tương đương với thuế thu nhập doanh nghiệp của thời kỳ đó.

Tuy nhiên, từ 2007 đến nay thuế thu nhập doanh nghiệp đã thay đổi 4 lần. Lần đầu tiên là giảm từ 28% xuống 25%; sau đó tiếp tục giảm từ 25% xuống 22%; rồi giảm từ 22% xuống 20%. Mới đây, Luật thuế TNDN lại tiếp tục giảm thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ áp dụng từ 15 đến 17%.

"Thuế thu nhập doanh nghiệp thì giảm liên tục vì thế thuế thu nhập cá nhân cũng phải giảm theo, có như vậy mới đồng bộ với hệ thống thuế. Và rõ ràng mức thuế suất cao nhất phải giảm chỉ còn khoảng 25%, để làm sao mức thuế suất bình quân trong khoảng 20%, thậm chí dưới 20%", ông Tú nói và cho biết số thuế phải nộp cao hay thấp phụ thuộc rất lớn vào biểu thuế và sau gần 20 năm, đến bây giờ Bộ Tài chính mới lần đầu tiên điều chỉnh biểu thuế.

Đồng tình với số bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến mà Bộ Tài chính đang đề xuất, ông Tú cho rằng, 5 bậc thuế là một con số hợp lý. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các bậc, hay ngưỡng thu nhập chịu thuế ở từng bậc cần phải điều chỉnh để giãn cách hơn nữa.

Trong gần 20 năm qua, giá cả đã tăng hai, ba lần; CPI cũng tăng khoảng 4%/năm và GDP cũng tăng hơn hai lần. Và thu nhập bình quân đầu người cũng tăng khoảng ba lần rồi. Vì thế, theo ông Tú, ngưỡng thu nhập chịu thuế cao nhất là 80 triệu đồng cũng cần phải được nâng lên vài ba lần.

"Ngày xưa, cách đây 20 năm tiền lương 80 triệu đồng/tháng là to lắm. Số người có thu nhập 80 triệu/tháng là gần như đếm trên đầu ngón tay. Thời đó, 80 triệu tương đương khoảng 5.000 USD. Nhưng bây giờ, 80 triệu chỉ tương đương khoảng 3.000 USD, đó là còn chưa so sánh với giá vàng", ông Tú nói.

Chính vì thế, ông Tú đề nghị nên xây dựng biểu thuế lũy tiến với 5 bậc. Nhưng thu nhập chịu thuế ở Bậc 1 là 30 triệu đồng với mức thuế suất 5%; Bậc 2 là trên 30 - 70 triệu với mức thuế suất 10%; Bậc 3 là trên 70 - 120 triệu với mức thuế suất 15%.

Bậc 4 là trên 120 - 200 triệu với mức thuế suất 20%; và bậc 5 là trên 200 triệu với mức thuế cao nhất là 25%.

Ông Tú lý giải, bậc 1, ngưỡng thu nhập chịu thuế 30 triệu và với mức thuế suất 5% nghĩa là người nộp thuế đã phải nộp 1,5 triệu/tháng và một năm là 18 triệu đồng. Mức này cao hơn mức thuế hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỉ đồng/năm phải nộp và ngưỡng thu nhập chịu thuế cao nhất là 200 triệu chỉ tăng 2,8 lần so với ngưỡng thu nhập chịu thuế 80 triệu đồng, tăng tương đương mức độ lạm phát trong 20 năm qua.

 Một số ý kiến cho rằng nên nâng mức giảm trừ gia cảnh và hạ mức thuế suất trong biểu thuế lũy tiến để bớt gánh nặng cho người dân. Đặc biệt cần nâng ngay mức giảm trừ gia cảnh bởi giá nhiều loại thực phẩm thiết yếu ngày càng tăng cao, trong khi mức giảm trừ gia cảnh lại chậm được điều chỉnh. Ảnh minh họa: MINH TRÚC

Một số ý kiến cho rằng nên nâng mức giảm trừ gia cảnh và hạ mức thuế suất trong biểu thuế lũy tiến để bớt gánh nặng cho người dân. Đặc biệt cần nâng ngay mức giảm trừ gia cảnh bởi giá nhiều loại thực phẩm thiết yếu ngày càng tăng cao, trong khi mức giảm trừ gia cảnh lại chậm được điều chỉnh. Ảnh minh họa: MINH TRÚC

Đồng tình, ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Kế toán Thuế Keytas, cũng cho rằng nên bỏ bậc thuế 35% là bậc cao nhất nhằm khuyến khích người nộp thuế có trình độ kỹ thuật cao, lao động sáng tạo và những chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc.

Bởi, với những chuyên gia, giảng viên, nhà đầu tư… có thu nhập khoảng 1 tỉ đồng mỗi năm nếu áp dụng thuế suất 35% có thể gây trở ngại trong việc khuyến khích lao động chất lượng cao.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho rằng nên kéo giãn các bậc thuế. Ví dụ, áp dụng thuế suất 5% cho thu nhập tính thuế đến 20 triệu đồng, 10% áp dụng cho thu nhập tính thuế từ trên 20 - 40 triệu đồng, 20% áp dụng cho thu nhập tính thuế từ trên 40 - 80 triệu đồng….

Một điểm nữa mà ông Tuấn lưu ý, mức tăng ngưỡng chịu thuế chưa tương xứng với tỉ lệ tăng của mức giảm trừ gia cảnh. Mức giảm trừ tăng 40% (từ 11 lên 15,5 triệu đồng/người/tháng) mà ngưỡng thu nhập ở bậc thuế cao nhất chỉ tăng 25% (từ 80 lên 100 triệu đồng/người/tháng). Do đó, ông đề xuất nên điều chỉnh mức thu nhập bậc cao nhất lên 120 triệu đồng để phù hợp với thay đổi của mức giảm trừ gia cảnh.

Bộ Tài chính khẳng định biểu thuế lũy tiến từng phần là chính sách phổ biến trên thế giới nhằm bảo đảm tính công bằng theo chiều dọc - người có thu nhập cao phải đóng thuế nhiều hơn. Tuy biểu thuế ở mỗi nước có sự khác nhau tùy theo quan điểm chính sách nhưng xu hướng chung hiện nay là đơn giản hóa hệ thống, chủ yếu bằng cách giảm số bậc thuế.

Bộ Tài chính cũng đề xuất giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/bieu-thue-thu-nhap-ca-nhan-5-bac-thue-suat-cao-nhat-35-da-hop-ly-hay-chua-post862284.html