Bộ Công an đã điều động trên 50 ngàn công an chính quy về cấp cơ sở, cấp xã

Sáng 7-11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn về các nhóm lĩnh vực: nội vụ, an ninh trật tự, thanh tra, tòa án, kiểm sát, kiểm toán.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn sáng 7-11. Ảnh: QUOCHOI.VN

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn sáng 7-11. Ảnh: QUOCHOI.VN

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ) cho rằng, hiện nay tình trạng thông tin cá nhân bị lộ lọt về: số điện thoại, họ tên, địa chỉ, số căn cước công dân, số tài khoản cá nhân của người dân đang rất phổ biến. Bên cạnh đó, người dân còn nhận các thông tin, tin nhắn lừa đảo, các đường link giả mạo, bị làm phiền vì các cuộc gọi mời chào, giới thiệu các loại dịch vụ khác nhau. Xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết tình trạng vừa nêu?

Trả lời chất vấn liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề rất quan trọng, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân ở Việt Nam rất nghiêm trọng.

“Trong năm 2023, Bộ Công an đã phải cảnh báo, xử lý hàng chục triệu những các vụ việc có liên quan đến xâm phạm cơ sở dữ liệu cá nhân” - Bộ Trưởng Tô Lâm nói.

Bộ Trưởng Tô Lâm cho biết, ý thức của người dân trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện nay cũng chưa cao. Cụ thể người dân có thể sẵn sàng cung cấp các thông tin cá nhân cho người khác.

Hiện Bộ Công an đang chỉ đạo thực hiện một số giải pháp. Trong đó, khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý, đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội xin cho ý kiến. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật An ninh mạng và Nghị định 13 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đặc biệt, xác định và thực hiện nghiêm trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được quy định chặt chẽ trong luật và nghị định này.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, chủ động không cung cấp các thông tin nếu không được pháp luật quy định ban hành…

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đại biểu Quốc hội TP.HCM) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về việc cắt giảm cảnh sát khu vực, những thành phố đông dân như TP.HCM cũng bị cắt giảm. Làm sao để cảnh sát khu vực vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ?

Đại biểu tranh luận thêm, việc tăng cường quản lý bằng điện tử, bằng camera nhưng một cảnh sát khu vực quản lý 3 ngàn hộ dân, suốt ngày chỉ cần ngồi xem camera, thời gian đâu giữ mối liên hệ với nhân dân, thời gian đâu bám sát được địa bàn, thời gian đâu để chính người cảnh sát đó tái tạo sức lao động. Đại biểu mong muốn Bộ trưởng phối hợp với các ngành đánh giá vai trò của cảnh sát khu vực cũng như lực lượng an ninh ở cơ sở.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ, Bộ Công an đã điều động trên 50 ngàn công an chính quy về công an cấp cơ sở, cấp xã. Cảnh sát khu vực cũng là một phần trong nhiệm vụ của công an cấp cơ sở.

Chủ trương của Bộ là không phải giảm công an khu vực, sẽ tiếp tục tăng cường công an cấp trên về cấp xã, đặc biệt là các xã biên giới. Ngoài ra sẽ tăng cường sử dụng công nghệ để kết nối với người dân, qua đó tăng năng suất làm việc của cảnh sát khu vực.

Thanh Hải

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202311/bo-cong-an-da-dieu-dong-tren-50-ngan-cong-an-chinh-quy-ve-cap-co-so-cap-xa-6491986/