Bộ Công an: Tập trung cao độ ứng phó bão số 3, không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm
Trước diễn biến phức tạp và nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 (WIPHA), Bộ Công an yêu cầu Công an các địa phương chủ động nắm chắc diễn biến tình hình của bão, mưa lũ, để kịp thời tham mưu sơ tán, di dời người dân cùng phương tiện, tài sản đến nơi an toàn, kiên quyết không để người dân trong khu vực nguy hiểm.
Ngày 21/7, Ban Chỉ đạo Ứng phó thiên tai (ƯPT) - Bộ Công an đã ban hành Công điện số 08 yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tập trung cao độ cho công tác ứng phó bão và mưa lũ sau bão, với phương châm “An toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân là trên hết, trước hết”.

Lực lượng công an sẵn sàng ứng phó với bão số 3.
Công điện được gửi tới các đơn vị trọng yếu như: Cục An ninh kinh tế, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH và Công an các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và vùng núi phía Bắc, những địa phương có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão.
Trong đó, Ban chỉ đạo yêu cầu Công an các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an, đặc biệt là Công điện 117/CĐ-TTg và Công điện số 07/CĐ-BCA-V01; đưa công tác ứng phó xuống tận cơ sở (thôn, bản, xã), không tổ chức các cuộc họp không cần thiết, tập trung toàn lực lượng, phương tiện cho nhiệm vụ bảo vệ dân sinh.
Công an các địa phương phải chủ động lực lượng thường trực, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống. Công tác bảo đảm an ninh trật tự cần được thực hiện nghiêm ngặt, đồng thời phối hợp với chính quyền rà soát, thống kê các điểm xung yếu, có nguy cơ mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là khu vực ven biển, cửa sông, chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy sản; Phối hợp đảm bảo an toàn hồ đập, thủy điện, công trình có dự án trọng điểm, quan trọng liên quan an ninh quốc gia...
Ban chỉ đạo nêu rõ: “Kiên quyết không để người dân ở lại trong khu vực nguy hiểm, cần thiết phải cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng”.
Công an các địa phương được giao phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, phân luồng giao thông, cắm biển cảnh báo, không để người và phương tiện lưu thông tại các điểm nguy hiểm như ngầm, tràn, vùng nước xiết.
Các đơn vị Bộ như Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục PCCC và CNCH, Cục Cảnh sát giao thông được giao sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, thuốc men, cơ sở y tế... để kịp thời chi viện cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng. Công tác hậu cần, liên lạc, truyền tin, đảm bảo y tế và môi trường cũng được yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng.