Bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng: chuyện dài nhiều kỳ
Ngày 6-7-2025, trong Công điện 104 về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2025 đạt khoảng 16% so với năm 2024, và tiến tới năm 2026 điều hành tăng trưởng tín dụng theo công cụ thị trường, bỏ điều hành theo hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng là chuyện dài nhiều kỳ. Ảnh: LÊ VŨ
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu “xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính trong điều hành tăng trưởng tín dụng thông qua phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng”.
Đây không phải lần đầu tiên câu chuyện có nên hay không nên bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng được nêu ra. Từ năm 2019 đến nay, câu chuyện này thường xuyên được nhắc lại, hầu như là mỗi năm và lên đến nghị trường Quốc hội. Nghĩa là từ trước đại dịch Covid-19 cho đến sau Covid-19, chúng ta vẫn đang loay hoay với câu chuyện “khi nào bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng?”.
Hạn mức tăng trưởng tín dụng: vì sao có?
Cơ chế kiểm soát trần tín dụng đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng từ năm 2011, sau giai đoạn tăng trưởng nóng khiến lãi suất và lạm phát bị đẩy lên cao, đe dọa ổn định vĩ mô. Đây cũng là giai đoạn mà tỷ giá tiền đồng so với đô la Mỹ có biến động mạnh.
Trong bối cảnh đó, NHNN đã áp dụng hạn mức tín dụng (thường được giới ngân hàng gọi là “room tín dụng”) nhằm hạn chế tình trạng tín dụng tăng trưởng nóng. Về bối cảnh, điều này có thể hiểu được khi mà trong giai đoạn 2007-2010, tăng trưởng tín dụng bình quân cả hệ thống khoảng 36%/năm. Tỷ lệ tín dụng/GDP giai đoạn này cũng tăng nhanh, từ mức 60,6% năm 2005 lên mức 106,6% năm 2010.
Sau giai đoạn đó, NHNH chuyển sang điều hành theo cơ chế áp dụng mức trần tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Quá trình triển khai biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng từ năm 2011 đến nay cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã giảm từ mức trên 30%/năm (cá biệt có năm tăng 53,8%) xuống còn khoảng từ 12-15%/năm trong những năm gần đây.
Như nhận định của NHNN, từ năm 2011 đến nay, sau giai đoạn ngành ngân hàng tăng trưởng nóng và lạm phát lên mức hai chữ số, “room tín dụng” trở thành một trong những công cụ hiệu quả để NHNN kiểm soát không để tín dụng tăng trưởng nóng trở lại.
Hạn mức tăng trưởng tín dụng: có công cụ thay thế để bỏ không?
Ở nhiều nước, thì điều hành theo hướng hiện đại đã có nhiều công cụ mà NHNN có thể sử dụng, bao gồm áp hệ số an toàn vốn, áp hệ số rủi ro lên tài sản, và thực hiện các “stress test” mà ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu áp dụng hàng năm. Hiểu một cách đơn giản, NHTM nào mà cho vay rủi ro cao, thì sẽ bị yêu cầu tăng vốn tương ứng và tăng dự phòng rủi ro. Thế là họ phải điều chỉnh tăng trưởng lại ngay trong năm sau, hoặc phải gọi thêm vốn mới. Sự giám sát của ngân hàng trung ương, cổ đông ngân hàng sẽ tạo sức ép lên ban điều hành NHTM khiến họ phải tự kiểm soát rủi ro của ngân hàng mình, không thể tăng trưởng tín dụng bất chấp được.
Câu trả lời cho việc này, theo tôi, phụ thuộc phần lớn vào việc NHNN tin tưởng vào tính hiệu quả của bộ công cụ thay thế đến mức nào... Nếu bỏ một công cụ chính sách mà không có một công cụ thay thế hiệu quả thì giống như đang lái xe truyền thống mà đổi qua xe hiện đại tự lái nhưng không có một chân ga để người điều khiển đạp thắng nếu có sai sót gì.
Mặt khác, sự phát triển của thị trường trái phiếu và mua bán nợ cho phép các NHTM có rủi ro có thể chứng khoán hóa các khoản vay rủi ro cao và bán ra thị trường để giảm rủi ro.
Cuối cùng, phá sản NHTM cũng là một công cụ trong “hệ sinh thái” đó. Ngân hàng nào làm ăn rủi ro quá cao thì sẽ được cho phá sản, như những gì diễn ra gần nhất vào năm 2023 ở Mỹ - khi nhiều ngân hàng vừa và nhỏ phá sản. Và trước đó nữa là trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 với nhiều ngân hàng phá sản ở các nước phương Tây.
Khi nào bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng được?
Hạn mức tăng trưởng tín dụng được cho là mang tính mệnh lệnh hành chính và mang hơi hướng cơ chế xin - cho, vì vậy được đề nghị thay thế. Ngoài ra, sự ổn định lại của các yếu tố vĩ mô trong vài năm qua khiến các thảo luận khi nào bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng quay lại thường xuyên ở tầm Quốc hội và Chính phủ.
Câu trả lời cho việc này, theo tôi, phụ thuộc phần lớn vào việc NHNN tin tưởng vào tính hiệu quả của bộ công cụ thay thế đến mức nào.
Ví dụ, hệ số an toàn vốn và hệ số rủi ro đã được triển khai ở Việt Nam trong khuôn khổ áp dụng tiêu chuẩn Basel vào hệ thống ngân hàng. Các công cụ “stress test” cũng không còn xa lạ và đã “tiến hóa” qua thế hệ mới ở châu Âu và Mỹ, với nhiều thông tin được công bố và áp dụng vào Việt Nam là không quá khó.
Vấn đề được đặt ra là hệ sinh thái thay thế đó có phải đang tồn tại một cách gọi là “để cho có” ở Việt Nam hay không. Đây là một điều cần nhìn nhận thực chất và thẳng thắn. Vì nó là điều kiện cần để có thể bỏ hạn mức tín dụng. Nếu bỏ một công cụ chính sách mà không có một công cụ thay thế hiệu quả thì giống như đang lái xe truyền thống mà đổi qua xe hiện đại tự lái nhưng không có một chân ga để người điều khiển đạp thắng nếu có sai sót gì.
Về mặt áp dụng trên thực tế, có thể thấy những quy định về hệ số an toàn vốn, hệ số rủi ro lên tài sản hoàn toàn có thể bị “linh hoạt” áp dụng, dẫn đến độ tin cậy của các con số này bị đặt câu hỏi. Việc phân loại các khoản cho vay, áp hệ số rủi ro nào cho phù hợp, việc tính toán con số an toàn vốn có được tuân thủ chặt hay không, cũng như quy trình kiểm soát rủi ro tín dụng nội bộ, đều có những khoảng trống để NHTM “lách” qua. NHNN ít nhiều chắc là cũng có nỗi lo này.
Thực tế là những lỗ hổng này luôn tồn tại, nhưng NHNN còn một công cụ như một cái thắng chân có thể đạp khẩn cấp bất kỳ lúc nào là hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Lãnh đạo NHNN từng nhận định việc dỡ bỏ công cụ hạn mức tăng trưởng tín dụng này cần thận trọng, đảm bảo các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường.
Một điều cần phải nói thêm là ở các nước khác, khi có những sai sót trong quyết định liều lĩnh của NHTM, thì NHTM phải trả giá bằng việc bị phá sản. Đó là chuyện bình thường của các nước. Nhưng ở Việt Nam, yếu tố kinh tế, xã hội ngầm buộc Nhà nước phải giải cứu (như câu chuyện các ngân hàng “0 đồng”).
Với một hệ sinh thái buộc phải giải cứu NHTM, và sự e ngại về độ tin cậy của các công cụ kỹ thuật để hạn chế tăng trưởng tín dụng, có thể hiểu được sự ngập ngừng của NHNN. Nhưng chúng ta cũng không tiếp tục mô hình nặng tính “xin - cho” đó vô thời hạn.
Các công cụ như hệ số an toàn vốn, hệ số rủi ro, stress test không có nghĩa là không có những hoạt động “lobby”, nhưng nó sẽ phải dựa trên cơ sở định lượng, khách quan, minh bạch và theo tính thị trường hơn. Mô hình này sẽ loại bớt chuyện xin - cho, NHTM nào quản lý hiệu quả, an toàn vốn mạnh, ít nợ xấu, hiệu quả chi phí tốt... sẽ được tiếp tục cho vay, thay vì chờ được “cấp room”. Điều này là một lợi thế rất rõ ràng cho NHTM và nền kinh tế.
Và vì lẽ đó, sức ép từ công điện của Thủ tướng là cần thiết để NHNN xem xét lại quan điểm cũng như cần giải trình minh bạch hơn nếu tiếp tục giữ hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Chúng ta có thể thông cảm khi phải xem bình luận về chuyện giữ hay bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, sau mỗi một “mùa”, thì câu chuyện dài kỳ này cũng cần phải làm rõ cho người theo dõi là vì sao phải giữ, hay lộ trình để bỏ công cụ này một cách rõ ràng hơn.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bo-han-muc-tang-truong-tin-dung-chuyen-dai-nhieu-ky/