Bỏ hình phạt tử hình ở 8 tội danh đáp ứng yêu cầu tình hình mới
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Theo đó, Luật đã bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh gồm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Tội gián điệp (Điều 110); Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Tội tham ô tài sản (Điều 353); Tội nhận hối lộ (Điều 354); Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).
Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế
Về căn cứ chung để bỏ hình phạt tử hình tại 8 tội danh, Bộ Công an- cơ quan chủ trì xây dựng Luật cho biết, việc bỏ hình phạt tử hình tại 8 tội danh nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về thu hẹp hình phạt tử hình tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; chỉ đạo của Bộ Chính trị trên cơ sở Đề án liên quan đến tử hình mà Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình, Bộ Chính trị đã cơ bản thống nhất với giải pháp trong Đề án, trong đó, có thu hẹp các tội danh còn hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự.
Bên cạnh đó, việc bỏ hình phạt tử hình xuất phát từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là nhân văn, nhân đạo. Đồng thời, quy định này theo xu hướng và lộ trình tiến hóa theo hướng văn minh của nhân loại. Hiện nay, rất nhiều quốc gia văn minh đã không còn áp dụng hình phạt tử hình trong xét xử các vụ án hình sự. Trên lộ trình tiến đến văn minh trong việc áp dụng hình phạt, tất yếu gặp những trở ngại. Tuy nhiên, xác định hình phạt trong pháp luật hình sự là để răn đe và giáo dục, không phải để “trả thù” thì cần thiết phải kiên trì thực hiện mục tiêu xuyên suốt đó là hạn chế dần áp dụng hình phạt tử hình, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình trong tương lai. Bộ luật Hình sự năm 1985 có 44 tội có hình phạt tử hình, đến Bộ luật Hình sự năm 1999 còn 29 tội có hình phạt tử hình, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 còn 22 tội có hình phạt tử hình, đến Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ còn 18 tội có hình phạt tử hình. Theo quy định của Luật, hiện chỉ còn 10 tội danh còn hình phạt tử hình. Đây là một bước tiến tiếp theo của nền lập pháp Việt Nam trong tiến trình hướng đến sự văn minh hơn, tốt đẹp hơn của xã hội.
Việc bỏ hình phạt tử hình ở 8 tội danh còn đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Theo đó, xu hướng của các nước trên thế giới là tiếp tục thu hẹp hình phạt tử hình và hạn chế áp dụng hình phạt tử hình, tiến tới không áp dụng hình phạt tử hình và hình phạt tử hình chỉ áp dụng đối với các loại tội ác, xâm phạm trực tiếp đến tính mạng con người. Trên thế giới hiện nay có 104 quốc gia đã xóa bỏ hình phạt tử hình, có 28 quốc gia tuy pháp luật còn quy định nhưng trên thực tế không còn áp dụng, 8 quốc gia đã xóa bỏ hình phạt tử hình trên thực tế nhưng sẽ áp dụng trong một vài trường hợp bất khả kháng (như tội phạm chiến tranh). Còn 55 quốc gia vẫn duy trì hình phạt tử hình và thi hành án tử hình trong đó có Việt Nam.
Điều 6 Công ước của Liên hợp Quốc về quyền dân sự và chính trị không cấm các quốc gia áp dụng hình phạt tử hình nhưng chỉ áp dụng đối với các tội ác nghiêm trọng nhất. Với tình hình kinh tế, xã hội như hiện tại chưa cho phép Việt Nam xóa bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình. Do đó, Luật giữ lại hình phạt tử hình đối với các tội có tính chất tàn ác, xâm hại trực tiếp đến tính mạng con người, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của giống nòi. Điều này phù hợp với quy định của Công ước của Liên hợp Quốc về quyền dân sự và chính trị; đồng thời, thể hiện trách nhiệm, thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách là thành viên tham gia cơ bản các điều ước quốc tế về nhân quyền.
Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, việc sửa đổi hệ thống pháp luật mang tính tương đồng với các quốc gia trên thế giới góp phần thúc đẩy các quan hệ hợp tác ngày càng bên chặt và tin tưởng lẫn nhau. Thực tế, thời gian qua cho thấy ngay khi có thông tin Bộ Công an có đề xuất giảm 8 tội danh có quy định về hình phạt tử hình, nhiều đại sứ quán các nước đã đề nghị làm việc với Bộ Công an để có thông tin chính thức về vấn đề này và họ đánh giá rất cao quan điểm của Bộ Công an và cho rằng nếu các đề xuất của Bộ Công an được thực thi thì góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia này sâu rộng và bền chặt hơn.

Một đối tượng tham gia đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam cùng tang vật bị lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện, bắt giữ vừa qua.
Đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm
Về căn cứ cụ thể của việc bỏ hình phạt tử hình đối với từng tội danh, Bộ Công an cho biết, về Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, Tội gián điệp, Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, việc bỏ hình phạt tử hình đối với các tội này vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, thời gian qua, cơ quan chức năng chưa áp dụng hình phạt tử hình đối với các tội phạm này, điều đó cho thấy được hiệu quả phòng ngừa của Việt Nam là tương đối tốt, khả năng để xảy ra các vụ án đến mức phải xử hình phạt tử hình là rất thấp.
Thứ hai, so sánh với các tội tại Chương Tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia như Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, Tội bạo loạn thì các tội này không có tính chất của “tội ác”, không trực tiếp đe dọa đến tính mạng của con người, do đó, không cần thiết phải áp dụng hình phạt tử hình.
Việc bỏ hình phạt tử hình đối với Tội sản xuất, buôn bán hàng giả, thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh vì các lý do sau đây:
Thực tiễn xét xử cho thấy, chủ yếu là giả nhãn mác, thuốc kém chất lượng, không có tác dụng chữa bệnh... rất khó xác định có gây chết người hay không để áp dụng hình phạt tử hình. Do vậy, trên thực tế chưa có trường hợp nào bị tuyên án tử hình về tội danh này. Bên cạnh đó, cơ chế bảo vệ người tiêu dùng chưa tạo ra hành lang hữu hiệu giúp người tiêu dùng nhận biết hàng giả, hàng thật cũng là lỗ hổng tạo điều kiện cho tội phạm này được thực hiện trên thực tế. Bởi vậy, thay vì áp dụng hình phạt tử hình để răn đe người phạm tội thì cần có các biện pháp khác để phòng ngừa như tăng cường quản lý nghiêm ngặt, tránh tình trạng do sự yếu kém, không quản lý được thì cấm hoặc phạt thật nặng. Bên cạnh đó, xét về tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi, hành vi này không nguy hiểm cho xã hội như hành vi giết người hay khủng bố. Nếu sử dụng chất gây hại để sản xuất thuốc giả nhằm giết người hoặc làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác thì sẽ bị xử lý về tội giết người hoặc các tội có liên quan. Do đó, có thể xóa bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này.
Việc bỏ hình phạt tử hình đối với Tội vận chuyển trái phép chất ma túy vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, thực tiễn cho thấy, đây là tội danh có tỉ lệ áp dụng hình phạt tử hình cao thứ hai trong các tội danh còn hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự hiện hành (chiếm 26,36% trên tổng số vụ xử tử hình), do vậy, bỏ hình phạt tử hình đối với tội này sẽ góp phần thiết thực vào việc hạn chế áp dụng hình phạt tử hình trong xét xử các vụ án hình sự, đồng thời, làm giảm đáng kể số lượng người đã bị kết án tử hình về tội này đang chờ thi hành án, đáp ứng yêu cầu về thu hẹp hình phạt tử hình trong chính sách hình sự.
Thứ hai, so sánh tương quan với tội mua bán trái phép chất ma túy và tội sản xuất trái phép chất ma túy (các tội vẫn duy trì hình phạt tử hình) thì tội vận chuyển trái phép chất ma túy có tính chất trung gian, ít nguy hiểm hơn với hành vi mua bán, sản xuất. Việc vận chuyển trái phép chất ma túy thường chỉ có vai trò trung gian, trong nhiều trường hợp đều không có liên hệ với các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây sản xuất, mua bán, cũng không trực tiếp phân phối ma túy đến tay người nghiện để hưởng lợi.
Thứ ba, thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy thấy rằng, rất nhiều trường hợp người vận chuyển trái phép chất ma túy là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn, trình độ hiểu biết pháp luật thấp, hưởng lợi với số tiền ít. Do đặc điểm về địa lý, Việt Nam trở thành một địa bàn trung chuyển trái phép chất ma túy, các đối tượng cầm đầu, chủ mưu thường lợi dụng các khu vực hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa để thực hiện việc vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và cách mà chúng thực hiện hoạt động này đó là thuê những người dân ở khu vực này đưa “hàng”. Trong rất nhiều trường hợp, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ nhưng với khối lượng ma túy vận chuyển rất lớn và đủ yếu tố cấu thành theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành nên những người này vẫn bị kết án tử hình. Có những gia đình cả bố, con đều bị kết án tử hình, có những bản làng có nhiều người bị kết án tử hình gây những hệ lụy khôn lường về mặt kinh tế, xã hội.
Thứ tư, hiện nay, theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành thì một người nếu vận chuyển trái phép chất ma túy nhằm mục đích mua bán hoặc mục đích sản xuất trái phép chất ma túy sẽ bị xử lý về tội mua bán trái phép chất ma túy hoặc sản xuất trái phép chất ma túy và 2 tội danh này theo quy định của Bộ luật Hình sự thì đều có khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Thứ năm, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã yêu cầu Việt Nam phải cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc tuyên nhưng không thi hành án tử hình đối với những vụ án về ma túy. Nhưng đến nay, Việt Nam chưa cam kết nên khi Việt Nam yêu cầu tương trợ tư pháp có liên quan đến án tử hình thì gần như không có phản hồi.
Việc bỏ hình phạt tử hình đối với Tội tham ô tài sản (Điều 353), Tội nhận hối lộ (Điều 354) vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, thực tiễn cho thấy, tội danh này đã được đa số các nước trên thế giới không quy định hình phạt tử hình hoặc đang có xu hướng bỏ hình phạt tử hình.
Thứ hai, thực tiễn nhiều nước trên thế giới đã yêu cầu Việt Nam phải cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc tuyên nhưng không thi hành án tử hình đối với những vụ án về tham nhũng, chức vụ, nhưng Việt Nam chưa cam kết nên khi Việt Nam yêu cầu tương trợ tư pháp có liên quan đến án tử hình thì gần như không có phản hồi...
Để đảm bảo hiệu quả thu hồi tài sản, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa đồng thời khuyến khích người phạm tội hợp tác với cơ quan chức năng, Luật đã bổ sung quy định “Người bị kết án tù chung thân về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ chỉ có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Việc bỏ hình phạt tử hình đối với Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược vì các lý do sau đây: Thứ nhất, xuất phát từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta từ xưa đến nay không gây chiến tranh xâm lược các nước khác. Đồng thời, việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này phù hợp với Quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Theo đó, mức hình phạt cao nhất đối với 4 tội ác quốc tế chỉ dừng lại ở mức tù chung thân hoặc phạt tù có thời hạn cao nhất là 30 năm tù. Mặt khác, khả năng xảy ra tội phạm này ở Việt Nam rất thấp. Trên thực tiễn,ở nước ta chưa có tội phạm này được thực hiện từ trước đến nay.