Bỏ lốp dự phòng và những cách hãng xe chọn để giảm chi phí
Để cắt giảm chi phí và phần nào giảm giá bán ôtô khi đến tay khách hàng, hãng xe tìm đến nhiều giải pháp khác nhau, bao gồm loại bỏ hoặc hạ cấp trang bị, chọn lắp ráp thay vì nhập khẩu.

Chuyên trang Carscoops gần đây thuật lại câu chuyện một chủ sở hữu ôtô điện Tesla phàn nàn việc xe không trang bị sẵn lốp dự phòng đã gây ra không ít phiền toái cho bản thân.
Cụ thể, chia sẻ trên mạng xã hội Reddit, người này cho biết sau nhiều lần xử lý lốp xe gặp sự cố, anh nhận ra bộ dụng cụ sửa lốp không hiệu quả như kỳ vọng. Người này sau đó bổ sung một lốp dự phòng vào cốp xe, dù chiếc Tesla ban đầu không được thiết kế không gian cho bộ phận này.
Loại bỏ lốp dự phòng chỉ là một trong những cách được hãng xe lựa chọn để giảm chi phí sản xuất, từ đó giảm giá bán cho ôtô.
Bỏ lốp dự phòng để giảm chi phí
Một khảo sát do Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA) thực hiện cho thấy tỷ lệ ôtô mới không được trang bị lốp dự phòng tại nước này đã tăng từ 5% trong năm 2006 lên thành 36% vào năm 2015. Quy định về xe cơ giới của Ấn Độ cũng không còn bắt buộc ôtô phải có lốp dự phòng.
Khách hàng mua Tesla Model 3 hay Kia EV6, BMW iX3 đều không được trang bị lốp dự phòng, thay vào đó xe có sẵn bộ vá lốp hoặc 4 bánh xe đi kèm loại lốp run-flat, cho phép chạy thêm khoảng 80 km dù đã xì cạn hơi.
Giải pháp trang bị lốp run-flat thay vì lốp dự phòng cũng được hãng sử dụng với phần lớn các mẫu xe sang, chẳng hạn Porsche Macan hay Mercedes-Benz S-Class.

Việc trang bị lốp run-flat cho phép hãng xe loại bỏ trang bị lốp dự phòng. Ảnh minh họa: Bối Hạ.
Mặc dù giảm trọng lượng, tối ưu hiệu suất hay dành không gian cho bộ pin (đối với ôtô điện) thường là cách lý giải của các hãng xe cho việc loại bỏ lốp dự phòng, cắt giảm chi phí cũng là một phần câu chuyện.
Một ước tính được thực hiện bởi LA Times cho thấy việc trang bị lốp dự phòng, bao gồm bộ dụng cụ thay lốp trong trường hợp xảy ra sự cố, có thể khiến hãng xe "gánh" thêm 100-300 USD chi phí tùy dòng xe.
Ngược lại, việc cung cấp cho khách hàng bộ dụng cụ vá lốp khẩn cấp lại rẻ hơn khá nhiều. Chẳng hạn, bộ dụng cụ bơm/vá lốp chính hãng Tesla hiện có thể được mua trực tuyến với giá 60-80 USD.
Dù vậy, việc loại bỏ lốp dự phòng không thực sự giảm giá bán ôtô khi đến tay khách hàng. Cách làm này chủ yếu có lợi cho nhà sản xuất, do cắt giảm được khá nhiều chi phí trong quá trình sản xuất và lắp ráp.

Thiếu vắng lốp dự phòng phía đuôi xe là thay đổi đáng chú ý trên Ford EcoSport 2020 từng có mặt tại Việt Nam. Ảnh: Ford.
Tại Việt Nam, hãng cũng không cung cấp các tùy chọn có/không có trang bị lốp dự phòng cho từng dòng xe. Trước đây, Ford EcoSport ở bản facelift ra mắt năm 2020 cũng loại bỏ lốp dự phòng, tuy nhiên sự thay đổi giá bán giữa bản cũ và bản mới không cho thấy ảnh hưởng rõ ràng từ động thái cắt bớt trang bị này.
Lắp ráp trong nước, hạ cấp trang bị
Khi Skoda Kushaq lộ diện lần đầu tại triển lãm VMS 2024 và được xác nhận sẽ sớm ra mắt thị trường Việt dưới dạng lắp ráp, nhiều người tin rằng mẫu SUV cỡ B châu Âu sẽ có giá bán tốt.
Khác với Volkswagen T-Cross từng sở hữu giá bán trên 1 tỷ đồng, Skoda Kushaq đã chính thức tham gia thị trường xe Việt ở phân khúc SUV cỡ B với giá khởi điểm 599 triệu đồng.
Mức giá này ngang bằng nhiều mẫu xe Hàn, Nhật cùng phân khúc, dễ tiếp cận hơn một SUV cỡ B châu Âu khác là Peugeot 2008 (từ 829 triệu đồng) và rẻ hơn khá nhiều so với Subaru Crosstrek nhập Nhật với giá từ 1,098 tỷ đồng.

Skoda Kushaq là mẫu SUV châu Âu với giá khởi điểm dưới 600 triệu đồng. Ảnh: TC Motor.
Việc được lắp ráp trong nước được cho là nguyên nhân chính giúp Skoda Kushaq sở hữu giá bán tầm 600 triệu đồng. Trước đó, 2 mẫu xe "đàn anh" gồm Skoda Karoq và Skoda Kodiaq đều ra mắt khách Việt dưới hình thức nhập khẩu nguyên chiếc từ châu Âu và được bán với giá tiền tỷ.
Suzuki Swift cũng là một trường hợp đáng chú ý gần đây trên thị trường xe Việt. Thay đổi nguồn gốc nhập khẩu từ Thái Lan sang Nhật, Suzuki Swift ở lần quay trở lại Việt Nam từng được dự báo sẽ khó có giá bán rẻ.
Thuế nhập khẩu ôtô từ Nhật Bản hiện ở mức 45%, còn xe nhập từ các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia đang được miễn thuế.
Dù vậy, Suzuki Swift mới vẫn cập bến Việt Nam với giá 569 triệu đồng cho bản một tone màu, tăng lên thành 577 triệu đồng cho bản 2 tone màu. So với giá bán xấp xỉ 560 triệu đồng ở bản cũ, mẫu hatchback cỡ B đã không tăng giá quá nhiều như dự đoán ban đầu.

Giá bán Suzuki Swift chỉ tăng thêm 10 triệu đồng dù chuyển sang nhập khẩu Nhật Bản. Ảnh: Đan Thanh.
Trước giá bán mới của Suzuki Swift, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng việc mẫu hatchback cỡ B thương hiệu Nhật Bản được trang bị động cơ MHEV Z12E dung tích 1.2L là nguyên nhân chính. Động cơ này được cho là không đắt đỏ, giúp Suzuki dễ dàng định ra được một mức giá hấp dẫn dành cho Swift, dù đã chuyển sang nhập khẩu Nhật Bản.
Các mẫu Swift sử dụng động cơ 1.4L hay 1.6L vẫn được ưa chuộng tại nhiều thị trường quốc tế. Khách hàng cũng rất mong chờ những phiên bản này có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên nếu hãng xe Nhật mang về các tùy chọn động cơ này, giá bán Suzuki Swift nhiều khả năng sẽ khó có thể khởi điểm 569 triệu đồng như hiện tại.
Lược bớt hoặc hạ cấp trang bị, sử dụng hộp số sàn thay vì số tự động cũng là những cách được hãng xe lựa chọn để cung cấp một phiên bản giá rẻ cho khách hàng.
MG G50 phiên bản số sàn, Omoda C5 Luxury hay Isuzu mu-X B7 là những ví dụ điển hình cho chiến lược này của các hãng xe. Geely Coolray phiên bản Standard cũng đi theo hướng này, loại bỏ cảm biến phía đầu xe, sử dụng ghế bọc nỉ thay vì chất liệu da.

Geely Coolray bản Standard trang bị ghế bọc nỉ, lược bỏ cảm biến trước. Ảnh: Phúc Hậu.
Riêng với Geely Coolray, việc hãng xe Trung Quốc mang về các mẫu xe đời cũ thay vì bản nâng cấp vừa ra mắt thị trường Malaysia cũng là chiến lược giúp giảm giá bán. Chưa rõ thời điểm Geely Coolray bản nâng cấp ra mắt khách Việt, tuy nhiên mẫu SUV cỡ B có thể sẽ chứng kiến biến động giá không nhỏ trong tương lai khi nhà máy Geely-Tasco hoàn thành.
Nhìn chung, hãng xe có nhiều cách để cắt giảm chi phí trong quá trình sản xuất, lắp ráp một dòng xe hoặc ở một số phiên bản cụ thể. Tuy nhiên, không phải ở biện pháp nào khách hàng cũng là bên được hưởng lợi, điển hình là động thái loại bỏ lốp dự phòng.