Bộ Nội vụ: 'Không phải ai cũng được chuyển thành công chức'
Vụ trưởng Vụ công chức, viên chức Nguyễn Quang Dũng cho biết, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ quy định tiếp nhận người hoạt động không chuyên trách cấp xã và đội viên, thanh niên trí thức trẻ có hợp đồng phù hợp vào công chức cấp xã, cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc tiếp nhận phải tuân thủ quy định, không phải ai cũng được chuyển thành công chức.
Ngày 25/7, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Tại phiên họp, Giám đốc Sở Nội vụ Thái Nguyên Nguyễn Quốc Hữu cho biết, khối lượng công việc của ngành Nội vụ trước và sau khi triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là rất lớn.
Ông chia sẻ, có những ngày, 22h đêm mới nhận được văn bản chỉ đạo từ Trung ương, lập tức phải họp nhóm online triển khai, sáng hôm sau đã phải báo cáo lãnh đạo tỉnh.

Ông Nguyễn Quốc Hữu, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Đỗ Trung
Cũng theo ông Hữu, cán bộ ngành nội vụ địa phương luôn trong trạng thái ‘sẵn sàng làm việc bất kể ngày nghỉ’, để đảm bảo tiến độ triển khai các phương án nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống chính quyền mới.
Ông Nguyễn Quốc Hữu cho rằng, việc xử lý vướng mắc cần thực hiện ngay từ cấp cơ sở để tránh phát sinh vấn đề lớn, đồng thời nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ địa phương.
Mặc dù vậy, ông Hữu cũng phản ánh những khó khăn, đặc biệt trong xử lý văn thư, lưu trữ do khối lượng tài liệu lớn và trình độ cán bộ chưa đồng đều.
"Tài liệu đang chồng chất, nhiều nội dung phải xử lý thủ công. Chúng tôi xác định nếu không làm kỹ, sạch, đủ thì tài liệu đó không thể "sống" được", ông nói, và cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh số hóa tài liệu.
Cũng tại phiên họp, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An Nguyễn Viết Hưng cho biết, 6 tháng qua, địa phương đã triển khai xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch, lộ trình đề ra.
Theo ông, công tác lưu trữ tài liệu khi thực hiện mô hình tổ chức địa phương mới đặt ra yêu cầu cấp bách, nhất là khi tỉnh đang hứng chịu trận mưa, lũ. Sở đã thành lập 2 đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, thống kê, hướng dẫn bảo quản an toàn, tránh thất thoát tài liệu...
“Hiện nay, khối lượng hồ sơ lưu trữ rất lớn, địa phương còn thường hứng chịu lũ lụt đe dọa tới an toàn trong lưu trữ hồ sơ, nên việc này cần số hóa dữ liệu và có quy định cụ thể trong bảo toàn”, ông Hưng cho hay.
Ngoài vấn đề về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, theo ông, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã cũng không đồng đều, cần thời gian làm quen, thích ứng. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức thừa - thiếu cục bộ giữa các xã, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa.
Ông Hưng kiến nghị Chính phủ phân định rõ thẩm quyền trong thực hiện tuyển dụng, quản lý, sử dụng viên chức đơn vị sự nghiệp giáo dục tại cấp cơ sở để thuận lợi trong triển khai, thực hiện. Cùng với đó, sớm có văn bản thẩm định dự án hoàn thiện hiện đại hóa bản đồ đơn vị hành chính.
Nhiều địa phương còn thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn
Giải đáp tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức Nguyễn Quang Dũng cho biết, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ quy định tiếp nhận người hoạt động không chuyên trách cấp xã và đội viên, thanh niên trí thức trẻ có hợp đồng phù hợp vào công chức cấp xã, cấp tỉnh.

Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức Nguyễn Quang Dũng. Ảnh: Đỗ Trung
Tuy nhiên, việc tiếp nhận phải tuân thủ quy định của Luật Cán bộ, công chức. Nghĩa là, phải căn cứ vào vị trí việc làm và chỉ tiếp nhận khi có biên chế, không phải ai cũng được chuyển thành công chức.
Cũng theo ông Dũng, nhiều địa phương như Đà Nẵng, Lâm Đồng hiện còn thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn trong các lĩnh vực như kế toán, công nghệ thông tin, địa chính – xây dựng. Nguyên nhân do trước đây cán bộ cấp xã chủ yếu đảm nhiệm các công việc hành chính, ít được đào tạo bài bản.
Ông cho biết, Bộ Nội vụ đề xuất các địa phương áp dụng một số giải pháp như luân chuyển cán bộ chuyên môn từ tỉnh, huyện về xã để hỗ trợ trực tiếp; tổ chức đánh giá thực trạng và xây dựng kế hoạch tập huấn. Đối với lĩnh vực chuyên sâu như công nghệ thông tin, có thể ký hợp đồng để đáp ứng kịp thời yêu cầu công việc.
Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng quy định thay thế Nghị định 62 về vị trí việc làm, biên chế công chức, nhằm trao quyền chủ động hơn cho các địa phương trong sử dụng, quản lý công chức phù hợp với thực tiễn. Trong thời gian chờ quy định mới, các địa phương vẫn căn cứ vào Nghị định 62 và các văn bản liên quan để triển khai thực hiện.
Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho biết, đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, Bộ Nội vụ đã tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn một số nội dung liên quan. Theo đó, căn cứ kết luận của cấp có thẩm quyền sẽ kéo dài thời gian hoạt động của người hoạt động không chuyên trách cấp xã đến trước 31/5/2026.
Theo ông, quá trình bố trí đội ngũ này tham gia hỗ trợ hoạt động của hệ thống chính trị tại xã được quy định cụ thể ở văn bản số 12 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ.
Cũng theo ông Tuấn, Nghị định 170/2025 đã quy định người hoạt động không chuyên trách cấp xã là một trong các đối tượng được tiếp nhận vào làm công chức. Tuy nhiên, phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện về vị trí việc làm, biên chế của chính quyền địa phương cấp xã.