Bộ Nông nghiệp: Không đổ thừa san hô chết do bão, biến đổi khí hậu

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng cần đánh giá cả khách quan và chủ quan nguyên nhân san hô chết và không nên đổ hết lỗi cho thời tiết, biến đổi khí hậu.

Ngày 12/8, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo đã trực tiếp đi kiểm tra tình trạng san hô chết ở khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang.

Về chức năng quản lý, ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng ban quản lý vịnh Nha Trang, cho biết ban quản lý là đơn vị sự nghiệp, tự thu tự chi. Trong đó, nguồn thu chính là phí danh lam thắng cảnh, như phí lặn tại khu vực bảo tồn biển (60.000 đồng/người), phí lên đảo khu vực Hòn Mun (20.000 đồng/người) và thu giá dịch vụ qua bến tàu du lịch Nha Trang (3.000 đồng/người).

 Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp kiểm tra hiện trạng san hô chết ở khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Ảnh. Kim Sơ.

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp kiểm tra hiện trạng san hô chết ở khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Ảnh. Kim Sơ.

Về công tác bảo tồn biển và san hô trong vịnh Nha Trang bị chết, Trưởng ban quản lý vịnh Nha Trang cho rằng có nhiều nguyên nhân.

Trong đó, nguyên nhân chính được đánh giá bởi tác động thiên nhiên từ 2 cơn bão (số 12 năm 2017, số 9 năm 2021) khiến suy giảm rạn san hô khu vực ven bờ. Ngoài ra, còn một số tác nhân khác gây ảnh hưởng đến rạn san hô trong vịnh mà theo đánh giá của các nhà khoa học và UBND tỉnh, chủ yếu là tác động bởi con người.

“Hiện, Ban quản lý đang quản lý diện tích 249,6 km2 vịnh Nha Trang nhưng chỉ có một phương tiện tuần tra, quân số gồm 13 người thì rất khó để bảo vệ. Chúng tôi đã thành lập đội tuần tra 24/24 giờ, kết hợp với lực lượng biên phòng để tổ chức hoạt động. Tuy nhiên, cũng không thể tránh được các tình trạng đánh bắt thủy sản trái phép”, ông Thái nói.

Còn ông Đàm Hải Vân, Phó trưởng ban quản lý vịnh Nha Trang, cho biết san hô bị tẩy trắng có 2 nguyên nhân: do biến đổi khí hậu và do sâm biển gai gây nên.

Theo ông Vân, các nhà khoa học đã khảo sát và đánh giá một số san hô bị “tẩy trắng” có khả năng phục hồi lại trong thời gian từ 6 tháng đến một năm. Còn san hô bị chết thì không thể phục hồi.

Trước câu hỏi của thứ trưởng Phùng Đức Tiến về việc căn cứ tiêu chí gì để đánh đánh giá san hô chết, bị “tẩy trắng” là do biến đổi khí hậu, ông Đàm Hải Vân cho rằng vừa qua nhiệt độ nước biển tăng (0,5-1 độ C vào năm 2019) cùng với bị ngọt hóa.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng việc san hô chết cần có nghiên cứu đánh giá cụ thể, chứ không thể đổ thừa hết do biến đổi khí hậu.

“Tất cả dồn vào do biến đổi khí hậu, chúng ta không thấy cái nào chủ quan, khách quan thì làm sao khắc phục được”, ông Tiến nói.

 Đáy biển khu vực lõi khu bảo tồn san hô đã bị "tẩy trắng". Ảnh: Xuân Hoát.

Đáy biển khu vực lõi khu bảo tồn san hô đã bị "tẩy trắng". Ảnh: Xuân Hoát.

Từ 27/6, Ban quản lý Vịnh Nha Trang (thuộc UBND TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) quyết định tạm ngừng hoạt động bơi, lặn biển tại khu vực Hòn Mun.

Động thái trên được thực hiện sau khi UBND tỉnh Khánh Hòa ra thông báo chỉ đạo tạm ngưng các hoạt động bơi lặn biển ở khu bảo tồn Hòn Mun.

Hôm 22/6, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa kết luận hiện phần lớn rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun chịu tác động tích lũy từ nhiều năm, gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Tỉnh ủy Khánh Hòa phân tích nguyên nhân khách quan dẫn đến việc suy giảm rạn san hô nêu trên là tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của bão Damrey năm 2017 và bão số 9 năm 2021 (không có hiện tượng axit hóa đại dương).

Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đánh giá nguyên nhân chủ quan là công tác quản lý, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan, hoạt động của Ban quản lý vịnh Nha Trang còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót; nhiều hoạt động của con người tác động lên hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun nói riêng vẫn chưa được xử lý kịp thời (khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển không đúng quy định, xả thải từ các hoạt động du lịch...).

Khu bảo tồn vịnh Nha Trang như vùng biển chết San hô chết trắng đáy biển, tôm, cá không còn nơi trú ngụ rời đi nơi khác. Cả vùng biển rộng lớn ở vùng lõi Khu bảo tồn vịnh Nha Trang (TP Nha Trang, Khánh Hòa) xác xơ, tiêu điều.

Xuân Hoát - K.S

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bo-nong-nghiep-khong-do-thua-san-ho-chet-do-bao-bien-doi-khi-hau-post1344959.html