Bộ Nông nghiệp và Môi trường phản hồi vụ dân phải đóng tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất quá cao
Gần đây, người sử dụng đất phản ánh khi chuyển đổi mục đích sử dụng phải nộp tiền nhiều, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết sẽ trao đổi với Bộ Tài chính theo hướng giá đất tiệm cận theo giá thị trường, nhưng cần phân định theo đối tượng, loại đất.
Sáng 3-7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức họp báo thường kỳ. Tại đây, phóng viên nêu sự việc một người dân ở Nghệ An phản ánh nhận được thông báo nộp 4,5 tỉ đồng khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất 300m2 từ đất nông nghiệp sang đất ở. Điều này khiến người dân không đủ khả năng đóng tiền. “Bộ Nông nghiệp và Môi trường ghi nhận thực tế này ra sao, và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân thế nào”, phóng viên đặt câu hỏi.
Trả lời, ông Mai Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý Đất đai, cho biết hiện có hai quan điểm giữa người có đất bị thu hồi và người có đất muốn chuyển mục đích sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất.

Ông Mai Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý Đất đai trả lời tại họp báo. Ảnh: AH
Vậy làm thế nào để hài hòa trong việc xác định giá giữa người có đất bị thu hồi cũng như người phải nộp tiền đất cho nhà nước khi chuyển mục đích sử dụng, theo ông Phấn, vấn đề đặt ra ở đây là trước Luật Đất đai 2024, giá đất được quy định bởi khung giá do nhà nước ban hành.
Các địa phương căn cứ vào khung giá đất, trần không quá khung, do đó giá đất so với giá thị trường có sự chênh lệch rất lớn. Cũng vì vậy khi triển khai các dự án đầu tư công của nhà nước, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội rất khó khăn. Vì người có đất bị thu hồi thì giá đất rất thấp, nên không thể triển khai các dự án công trình trọng điểm quốc gia hoặc triển khai rất chậm.
“Vì vậy tổng kết Nghị quyết 19 của ban chấp hành Trung ương đã xác định rõ giá đất theo quy định của pháp luật đất đai 2013 là chưa sát với giá thị trường, gây cản trở rất lớn đến sự phát triển kinh tế chung của toàn đất nước” - ông Phấn nói.
Tiếp tục trao đổi, lãnh đạo Cục Quản lý đất đai cho hay Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đã có định hướng và chủ trương rất rõ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường (trước đây) và Chính phủ về giá đất tiệm cận với giá thị trường. Đảm bảo hài hòa giữa việc người có đất bị thu hồi sẽ được đền bù theo giá tiệm cận với giá thị trường và người chuyển mục đích sử dụng đất cũng phải đóng góp vào ngân sách nhà nước. Do đó, giá đất phải làm theo đúng chủ trương chính sách của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Nghị quyết 18.
Về nội dung một số nơi người sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng phải nộp tiền cao, ông Phấn cho biết việc thu tiền này theo quy định của pháp luật Đất đai.
“Chúng tôi đã nghiên cứu trên thực tiễn và sẽ trao đổi với Bộ Tài chính theo hướng giá đất tiệm cận theo giá thị trường nhưng cần phân định theo đối tượng, loại đất.
Ví dụ, người sử dụng đất chuyển đổi mục đích sử dụng trong đất thổ cư, đất ở trước đây có thể tỷ lệ phần trăm sẽ giảm đi. Nghị định số 103/2024 quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, việc xây dựng Nghị định này do Bộ Tài chính chủ trì. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Tài chính về nội dung này nhằm đảm bảo hài hòa giữa người có đất bị thu hồi và người chuyển đổi mục đích, đồng thời, cũng phải đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước” - ông Phấn nói.
Liên quan đến vấn đề giá đất tăng, thị trường bất động sản sẽ thế nào? Theo ông Mai Văn Phấn, giá đất gắn với thị trường bất động sản. Trên tinh thần đó, trong thời gian từ nay đến trước 31-12, địa phương phải có trách nhiệm xây dựng bảng giá đất địa phương, để ban hành và áp dụng từ 1-1-2026.
Vì vậy, Cục đã có văn bản đề nghị địa phương đánh giá thấu đáo, đánh giá tác động của thị trường, cũng như khả năng phát triển của kinh tế - xã hội địa phương để đảm bảo việc UBND tỉnh quyết định giá đất cho phù hợp nhất.