Bổ sung đánh giá kết quả thực hiện chính sách tôn giáo
- Góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 – 2030, Đại đức Thích Bản Chung, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn đề nghị bổ sung đánh giá kết quả thực hiện chính sách tôn giáo, để dự thảo báo cáo toàn diện, phản ánh đầy đủ sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc.

Đại đức Thích Bản Chung, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu dự thảo báo cáo chính trị
Sau khi nghiên cứu dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 – 2030, Đại đức Thích Bản Chung hoàn toàn nhất trí với bố cục, nội dung của Báo cáo chính trị. Văn kiện đã đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ 2020-2025, chỉ rõ 18/20 chỉ tiêu hoàn thành, phân tích nguyên nhân hạn chế và rút ra 6 bài học kinh nghiệm, tạo nền tảng cho định hướng phát triển nhiệm kỳ mới.
Đại đức nhất trí cao với phương châm “Đoàn kết – Dân chủ – Kỷ cương – Đột phá – Phát triển” và chủ đề Đại hội “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; huy động sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đồi số và kinh tế tư nhân; đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; xây dựng Lạng Sơn trở thành một trong các cực tăng trưởng của vùng Trung du và miền núi phía Bắc”. Chủ đề này đã xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp các nghị quyết trung ương, đặc biệt nhấn mạnh phát triển khoa học – công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế tư nhân, phát triển bền vững. Mục tiêu đưa Lạng Sơn trở thành cực tăng trưởng vùng Trung du và miền núi phía Bắc là định hướng chiến lược, đúng đắn.
Đồng thuận với 21 chỉ tiêu phát triển giai đoạn 2025–2030, trong đó nêu rõ các ngành thế mạnh như: du lịch, dịch vụ, công nghiệp, logistics... Dự thảo cũng đề xuất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.
Là đại diện Phật giáo tỉnh Lạng Sơn, Đại đức nhận thức rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác tôn giáo, khối đại đoàn kết toàn dân. Tại điều 24 Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về Công tác Tôn giáo, Luật tín ngưỡng tôn giáo 2016, tại các văn bản trên đều khẳng định hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo nhằm tăng cường đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Theo Đại đức Thích Bản Chung, hiện toàn tỉnh có hơn 11.000 tín đồ thuộc 3 tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin lành), chiếm khoảng 1,4% dân số. Các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, giữ gìn đạo đức, truyền thống tốt đẹp. Tuy nhiên, dự thảo báo cáo chưa có phần đánh giá và phản ánh đầy đủ nội dung về chính sách tôn giáo. Một là, phần thứ nhất, tại mục 2.4 nội dung ghi: “An sinh xã hội đảm bảo, chính sách người có công, giải quyết việc làm, công tác giảm nghèo; dân tộc, tôn giáo; phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt nhiều kết quả tích cực”.
Đại đức đề nghị cần ghi rõ “chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo” thay vì chỉ “dân tộc, tôn giáo” để làm rõ vai trò của chính sách và bổ sung nội dung: “Thực hiện tốt chính sách tôn giáo; tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng pháp luật, sống tốt đời – đẹp đạo, phát huy nguồn lực tôn giáo trong công tác xã hội hóa”. Hai là, trong phần IV về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, tại mục 2.4, đề nghị nêu rõ: “Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo; Chính sách dân tộc, tôn giáo”. Phần này, trong tiêu đề có đề cập tới công tác tôn giáo tuy nhiên toàn bộ nội dung của mục này không có nội dung về công tác tôn giáo. Đại đức đề nghị bổ sung nội dung: “Thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân. Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc, những giá trị văn hóa truyền thống, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo trong công cuộc xây dựng và phát triển địa phương".
Đây là những đóng góp với mong muốn xây dựng Văn kiện Đại hội thực sự toàn diện, phản ánh đầy đủ sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có vai trò thiết thực của tôn giáo.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/phat-giao-dong-hanh-cung-su-phat-trien-cua-tinh-5051905.html