Bộ Tài chính gỡ vướng tài chính với mô hình chính quyền địa phương hai cấp
Bộ Tài chính sẽ có 06 tổ công tác phối hợp với các tỉnh, thành phố để cùng với các địa phương lắng nghe, giải quyết trực tiếp nhưng vướng mắc trong tài chính - ngân sách.

Trụ sở Bộ Tài chính. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN
Chiều 26/7, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến trao đổi về hướng dẫn triển khai các công việc liên quan đến lĩnh vực tài chính – ngân sách nhà nước khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đối với cấp xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp là chủ trương lớn, có ý nghĩa chiến lược trong tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Thực hiện Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, bảo đảm công tác tài chính - ngân sách nhà nước được triển khai thông suốt trong quá trình sắp xếp.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước, để hướng dẫn về việc mở tài khoản và thanh toán qua Kho bạc Nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/1/2020 quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.
Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số hướng dẫn đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, cùng với đó ban hành công văn hướng dẫn nội dung liên quan đến đăng ký, sử dụng tài khoản của các đơn vị cấp xã tại Kho bạc Nhà nước khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp; hướng dẫn sử dụng mã chương của mục lục ngân sách nhà nước khi thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Liên quan đến ngân sách nhà nước, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước cho biết, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn về giao dự toán thu – chi ngân sách nhà nước năm 2025 sau sắp xếp, với nguyên tắc xuyên suốt là không để đứt gãy ngân sách, phân chia nguồn thu giữa ngân sách tỉnh và xã được giữ ổn định, đảm bảo nguồn thu, cơ chế chi như trước khi sắp xếp. Các xã mới được giao toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn ngân sách từ đơn vị cũ. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán 2025 đầy đủ, kịp thời.
Về phân cấp nguồn thu, Bộ đã hướng dẫn địa phương rà soát, trình HĐND ban hành nghị quyết phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa tỉnh và xã. Nguyên tắc là rõ thẩm quyền, đúng luật, phù hợp thực tiễn, để chính quyền xã mới quản lý ngân sách chủ động, minh bạch.
Theo ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tại tỉnh cũng đã phát sinh một số vấn đề chưa lường trước được, tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Tài chính, với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", tỉnh đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp. Về cơ chế, chính sách tài chính, cơ bản tỉnh không gặp vướng mắc. Đối với các vướng mắc liên quan đến trách nhiệm của tỉnh, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, chỉ đạo tháo gỡ ngay trong tuần tới.
Tại cuộc họp, đại diện Lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài chính đã giải đáp vướng mắc của các địa phương liên quan đến quản lý ngân sách nhà nước, tài sản công, kế toán, kho bạc trong những ngày đầu triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Về quản lý tài sản công, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, việc sắp xếp tài sản công khi sắp xếp đơn vị hành chính đã được Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện đồng thời với quá trình sắp xếp đơn vị hành chính. Bộ Tài chính đã thành lập Tổ công tác, Đoàn công tác liên ngành làm việc với tất cả các địa phương để hướng dẫn, đôn đốc trực tiếp; cử cán bộ phụ trách từng địa phương để hướng dẫn thường xuyên, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Hiện nay, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 155/2025/NĐ-CP ngày 16/6/2025 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức trụ sở làm việc.
Về phản ánh nhiều xã vùng biên giới chưa được bố trí xe công, sau khi rà soát thì vẫn không đủ xe công để điều chuyển cho các xã; nhu cầu xe ô tô của một số xã, phường, đặc khu còn thiếu so với định mức quy định, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, đối với xe ô tô trang bị cho đơn vị hành chính cấp xã mới, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định định mức cụ thể cho từng đơn vị hành chính cấp xã, điều hòa xe ô tô từ cấp huyện cho cấp xã theo tiêu chuẩn, định mức; trường hợp số xe ô tô hiện có của cấp huyện trước ngày 1/7 không đủ để bố trí cho các đơn vị hành chính cấp xã mới thì điều chuyển từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh hoặc mua sắm mới để trang bị cho đơn vị hành chính cấp xã mới để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ theo tiêu chuẩn, định mức.
"Bộ Tài chính đã đề nghị các Bộ rà soát, trường hợp thừa ô tô không sử dụng sẽ điều chuyển về cho địa phương nhưng qua rà soát, báo cáo của các Bộ, khả năng điều chuyển là khó vì xe dôi dư đa phần là xe rất cũ, không phù hợp. Địa phương chủ động trang bị mới cho cấp xã để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ", ông Nguyễn Tân Thịnh thông tin thêm.
Theo ông Nguyễn Tân Thịnh, Bộ Tài chính đã có công văn số 8400/BTC-QLCS ngày 14/ 6/2025 của đề nghị các Bộ, ngành trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý phối hợp chặt chẽ với địa phương nơi đóng trụ sở trong quá trình xây dựng, thực hiện phương án bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đôn đốc các Bộ, cơ quan trung ương thực hiện đánh giá tình hình quản lý, sử dụng trụ sở trên địa bàn từng địa phương để làm cơ sở phối hợp với địa phương thực hiện việc bố trí, sắp xếp, xử lý trụ sở trên địa bàn, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
"Bộ Tài chính đang xây dựng chức năng trên phần mềm để hỗ trợ cho các địa phương thực hiện tổng hợp, báo cáo, dự kiến tuần sau sẽ hoàn thiện", ông Nguyễn Tân Thịnh chia sẻ và cho biết, Cục Quản lý công sản sẽ chỉ đạo xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn cho các địa phương theo hướng "cầm tay chỉ việc", sau khi hoàn thiện sẽ chuyển lại cho địa phương, đặc biệt là cấp xã để tham khảo.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã có văn bản thông báo đường dây nóng và cán bộ liên hệ với từng lĩnh vực để tiếp nhận, xử lý các vướng mắc liên quan đến tài chính – ngân sách nhà nước trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Để hiệu quả hơn, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị trong mỗi lĩnh vực nghiên cứu lập các nhóm phù hợp để tiếp nhận thông tin, trao đổi, giải đáp kịp thời các vướng mắc phát sinh cho các địa phương.
Đối với các nội dung giải đáp của các đơn vị đối với vướng mắc của địa phương, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài chính tổng hợp thành nội dung câu hỏi và trả lời, đưa lên hệ thống chung để các các địa phương tham khảo.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn các địa phương nêu chủ yếu liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương như dự toán, con dấu, tài khoản... Những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương thì địa phương chủ động giải quyết.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Sở Tài chính trong việc tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai, giải quyết nhanh nhất, tốt nhất những vấn đề thuộc thẩm quyền, Thứ trưởng đề nghị Sở Tài chính phát huy vai trò, trách nhiệm, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về các nội dung liên quan đến tài chính, ngân sách, tài sản công, kho bạc, đảm bảo không ách tắc. "Sở Tài chính phải cử cán bộ theo dõi, hỗ trợ địa bàn xã, phường, đặc khu, nhất là trong những ngày đầu triển khai"- Thứ trưởng gợi ý.
Bộ Tài chính sẽ có 06 tổ công tác phối hợp với các tỉnh, thành phố để cùng với các địa phương lắng nghe, giải quyết trực tiếp nhưng vướng mắc trong tài chính - ngân sách theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong quá trình triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, nhất quyết đồng lòng không để vướng mắc về tài chính, ngân sách, kế toán, tài sản công ảnh hưởng đến quá trình cũng như làm giảm hiệu quả của việc triển khai mô hình chính quyền 2 cấp.