Bó tay trước nạn 'cát tặc'

Đêm 14/5, người dân thôn An Đôn, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong đã bị các đối tượng khai thác cát trái phép trên sông Thạch Hãn, đoạn qua thôn này chống trả quyết liệt. Bà con bị xẻng, sào tre phang vào người, đá bay vèo vèo trên đầu, còn anh Phan Minh Tân, dân quân tự vệ xã bị các đối tượng bồng đôi xuống sông...

Điểm tập kết cát khai thác trái phép dưới chân cầu Thạch Hãn.

Điểm tập kết cát khai thác trái phép dưới chân cầu Thạch Hãn.

Như những trận chiến!

Ông Phan Cương, Trưởng thôn An Đôn chưa hết bức xúc kể: "Càng ngày, các đối tượng khai thác cát trái phép trên sông Thạch Hãn càng trở nên táo tợn. Bọn chúng sử dụng xẻng, sào tre và bất cứ thứ gì có sẵn trên đò, chống lại lực lượng chức năng và người dân địa phương mỗi khi bị phát hiện, xử lý. Việc khai thác cát trái phép trên sông Thạch Hãn diễn ra từ cách đây 7 năm.

Theo đó, tình trạng chống trả quyết liệt, bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng con người như đêm 14/5 là rất phổ biến. Trước đó, trong năm 2007, một cán bộ Công an huyện Triệu Phong trong lúc kiểm tra, xử lý nạn khai thác cát trái phép trên sông Thạch Hãn cũng đã bị bọn chúng chống trả bằng tay, chân rất quyết liệt".

"Năm 2001 trở về trước, việc khai thác cát trái phép trên sông Thạch Hãn còn bằng thủ công, nên hậu quả của việc xói lở bờ sông là có, song chưa rõ rệt. Còn bây giờ thì khác, họ khai thác bằng máy móc cả, bên cạnh giá cả vật liệu xây dựng ngày càng cao, bọn họ không quản ngày đêm, ồ ạt đào bới dòng sông, làm cho sạt lở kéo dài hàng cây số, có nơi ăn sâu vào đất liền trên 50 mét.

Có đêm, thôn huy động cả trăm người đi bắt đò cát, nhưng vừa thấy bóng dáng chúng tôi, bọn chúng đã ném đá vèo vèo, rồi nhanh chóng nhổ vòi hút, tăng ga bỏ chạy", ông Điệt, một người dân ở thôn Bích Khê, xã Triệu Long (Triệu Phong) chùng giọng kể.

"Cắt" cơm của dân

Xã Triệu Thượng có 10 thôn: Trấm, Tân Xuân, Thượng Phước, An Đôn, Nhan Biều 1, 2 và 3, Xuân An và Trung Kiên. Trừ thôn Nhan Biều 3, số còn lại đều định cư dọc bờ Bắc sông Thạch Hãn, với chiều dài khoảng 25km.

Ông Phan Cương, Trưởng thôn An Đôn cho biết, nạn khai thác cát trái phép diễn ra tại nhiều điểm của 9 thôn kể trên, với tổng chiều dài các điểm trên 8 cây số. Trong đó, nghiêm trọng nhất là điểm tại thôn An Đôn, với chiều dài 4 cây số.

"Cát tặc", chủ yếu là người ở xã Triệu Thành và thị xã Quảng Trị, với gần 40 đò máy, khai thác từ khoảng 12h đêm hôm trước đến 3h chiều ngày hôm sau. Cũng như các thôn, xã nằm dọc bờ Bắc sông Thạch Hãn, người dân An Đôn sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, phần lớn diện tích này nằm dọc theo triền sông nói trên.

Đến nay, do ảnh hưởng của thiên tai, gây nên tình trạng xói lở hàng năm, cộng với hàng chục đò cát kể trên, lợi dụng ảnh hưởng của thiên nhiên, vào đây để hút cát, làm mất diện tích lớn đất đai của bà con.

Riêng thôn An Đôn, đến nay đã mất trên 10 hécta đất sản xuất, chủ yếu trồng ngô, đậu phụng và các loại cây ăn quả cho thu nhập cao. “Nếu tình trạng này không sớm được ngăn chặn, khắc phục có hiệu quả, thì 315 hộ dân với trên 1.200 miệng ăn sẽ gặp rất nhiều khó khăn", ông Cương buồn bã nói tiếp.

Chính quyền bó tay?

Đứng trên cầu Thạch Hãn, chúng tôi quan sát thấy hàng chục thuyền máy, với những đống cát "di động" nối đuôi nhau từ phía thượng nguồn, chạy cập bến dưới chân cầu này. Tại đây, là những bãi cát lớn được chuyển lên từ những chiếc thuyền trên, rồi được đổ lên xe tải chở đi bán khắp trên địa bàn Quảng Trị.

Tìm hiểu được biết, trước năm 2001 và từ năm 2001 đến nay, UBND tỉnh Quảng Trị đã cấp phép cho một số DNTN khai thác cát trên sông Ái Tử, xã Triệu Ái (Triệu Phong) và trên sông Thạch Hãn, đoạn qua xã Hải Lệ (Hải Lăng).

Trên thực tế, trữ lượng cát ở đây không nhiều, nên các DNTN đã bất chấp phép tắc, khai thác cát tại nhiều điểm trên sông Thạch Hãn một cách ồ ạt. Trước tình trạng sạt lở bờ sông ngày một nghiêm trọng, chính quyền địa phương đã đầu tư nhiều tỷ đồng xây kè chống lở. Riêng người dân thôn An Đôn đã tự đóng góp gần 200 triệu đồng, xây kè bảo vệ đất đai sản xuất của mình.

Điều khó hiểu, trước những hậu họa nghiêm trọng do nạn khai thác cát trái phép gây ra, người dân địa phương đã gửi nhiều đơn thư cầu cứu đến các cấp chính quyền, ngành chức năng liên quan, đến nay những thiệt hại của bà con vẫn chưa được chia sẻ một cách mặn mà!

Phan Thanh Bình

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/vanhoa/2010/3/127684.cand