Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời thế nào về phát triển nông nghiệp công nghệ cao?

Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói, về mặt vĩ mô, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã xác định con đường phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Vấn đề còn lại là cách thức vận hành của hệ thống chính trị bởi nông nghiệp có tính liên ngành cao.

"Tôi nghĩ rằng phiên chất vấn hôm nay không chỉ dừng lại ở câu hỏi và trả lời. Tôi sẽ lắng nghe, ghi nhận, phát hiện thêm những vấn đề tồn tại và mới phát sinh", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói và cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị quản lý chuyên ngành, còn đại biểu có cách tiếp cận từ nhiều góc độ nên "xin lắng nghe".

Tạo thế mạnh cho nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường cấp cao tại Trung Quốc

Đại biểu Hoàng Anh Công (Đoàn Thái Nguyên) hỏi, thời gian qua cử tri rất lo lắng tình trạng ùn tắc nông sản tại cửa khẩu phía Bắc. Một trong những nguyên nhân là yêu cầu về chất lượng nông sản của Trung Quốc ngày càng cao. Bộ có giải pháp gì để tăng chất lượng nông sản?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, việc ùn ứ nông sản tại cửa khẩu chỉ là vấn đề đột biến trong thời gian ngắn; do vấn đề kiểm soát dịch bệnh phía Trung Quốc khác với Việt Nam.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ảnh: Baochinhphu.vn

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ảnh: Baochinhphu.vn

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thừa nhận thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính, trong khi nông dân Việt Nam đã quen đây là thị trường dễ tính. "Trung Quốc đang siết chặt chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm trong khi nông dân chậm thay đổi, tất nhiên có trách nhiệm của các bộ ngành Trung ương, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Về giải pháp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, việc thông tin tới 14 triệu hộ nông dân trên cả nước là khó khả thi. Để giải quyết vấn đề xuất khẩu nông sản tới thị trường Trung Quốc cần tổ chức lại ngành hàng sản xuất, tổ chức thị trường để thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Ngoại giao xây dựng dự thảo chiến lược xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, để chuyển dịch và tạo thế mạnh cho nông sản Việt Nam theo chính ngạch thâm nhập sâu vào nội địa, ở phân khúc thị trường cấp cao tại Trung Quốc. Để làm được điều này đòi hỏi phải chuẩn hóa chất lượng sản phẩm.

Phải thay đổi tư duy nông nghiệp công nghệ cao

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) chất vấn về việc tích tụ đất đai, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sinh thái tại các địa phương, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, nước ta đã có nhiều chính sách, quy hoạch vùng, khu nông nghiệp công nghiệp cao, doanh nghiệp và sản phẩm nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều chính sách không hiệu quả, khi chính sách có nhưng huy động nguồn lực không tương xứng, bảo đảm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ rà soát lại các chính sách này.

Quang cảnh phiên chất vấn. Ảnh: Baochinhphu.vn

Quang cảnh phiên chất vấn. Ảnh: Baochinhphu.vn

“Khu nông nghiệp công nghệ cao tại Hậu Giang diện tích 5.000 ha, các địa phương cho rằng khi được phê duyệt thì sẽ thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng, nhưng thực tế không thực hiện được; "chơi vơi giữa mong muốn và nguồn lực thực đầu tư". Không có khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, nhưng chúng ta vẫn có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Họ vẫn đầu tư, chọn địa điểm tối ưu để đầu tư”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Lấy dẫn chứng Grab và Uber kinh doanh vận tải, nhưng không cần sở hữu chiếc xe nào, đồng chí Lê Minh Hoan cho rằng trong nền kinh tế kết nối, chia sẻ thì ngoài tích tụ đất đai để có khu vực sản xuất, khu nông nghiệp cao lớn hơn, thì vẫn có phương thức tập trung đất đai mềm, thích ứng điều kiện địa phương. Ở đây nguồn lực Nhà nước và xã hội cùng đầu tư, phát triển vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao.

"Chúng ta đang sống ở thời đại 4.0, làm nông nghiệp chưa chắc đã cần đất. Phải thay đổi tư duy nông nghiệp công nghệ cao thì mới phát triển được", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đồng ý với đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn rằng, nông nghiệp sinh thái là xu thế mới để Đồng bằng sông Cửu Long chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp xanh, sinh thái bền vững. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang xây dựng kế hoạch để phát triển vùng theo hướng này.

NGỌC HUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/bo-truong-bo-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-tra-loi-the-nao-ve-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-696665