Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch họp báo quý II/2025: Đẩy mạnh du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa
Chiều 24/7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo thường kỳ quý II/2025 về kết quả nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành văn hóa, thể thao và du lịch.
Chủ trì họp báo có Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Lê Tuấn Anh; Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do; Phó Cục trưởng Cục Báo chí Đặng Thị Phương Thảo.

Họp báo thường kỳ quý II Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm, các nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững các lĩnh vực như: chuyển đổi số và chính sách miễn thị thực thúc đẩy du lịch; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; hoàn thiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của Bộ, văn bản giao nhiệm vụ thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và chính sách miễn thị thực thúc đẩy du lịch.
Đặc biệt, tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới tại Paris (Pháp), Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Đây là một quần thể di tích có giá trị lịch sử, văn hóa và tôn giáo đặc biệt, nằm trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương. Bộ sưu tập tài liệu của nhạc sĩ Hoàng Vân cũng được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thế giới. Bộ đã phối hợp với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trong việc tiếp thu, giải trình góp ý đối với Hồ sơ Vườn quốc gia Hin-nam-no trình UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy
Trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 10.664.608 lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024; khách du lịch nội địa ước đạt 77,5 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch ước đạt 518 nghìn tỷ đồng.
Bộ đã xây dựng và triển khai Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025; tham dự các hội chợ du lịch quốc tế; phối hợp tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia Huế 2025; Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các nước châu Âu (Ý, Thụy Sĩ, Pháp, Ba Lan, Séc và Đức); quảng bá du lịch Việt Nam qua điện ảnh tại Liên hoan phim Cannes và các hoạt động bên lề; xúc tiến du lịch tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ 4. Đồng thời phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an đề xuất chính sách thị thực (mở rộng danh sách miễn thị thực ngắn hạn, đề xuất đối tượng ưu tiên, ưu đãi trong quản lý du lịch…).
Cảnh báo và khuyến nghị bảo đảm an toàn du lịch
Trao đổi về vụ tai nạn thương tâm vừa qua trên Vịnh Hạ Long, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, cơ quan quản lý thường xuyên cảnh báo, khuyến nghị các đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn cho du khách.
Trả lời câu hỏi về vụ việc du khách trên tàu du lịch nước ngoài tổ chức bắn pháo hoa sau sự cố, ông Thủy khẳng định: đây là hành vi không phù hợp với văn hóa Việt Nam và không thể chấp nhận. Tuy nhiên, do du khách chưa cập nhật kịp thời thông tin, sau đó đã xin lỗi và chia sẻ lý do trên nhiều kênh truyền thông. Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tuyên truyền để các doanh nghiệp du lịch, lữ hành nâng cao ý thức văn hóa trong ứng xử, tránh những hoạt động gây phản cảm.
Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Lê Tuấn Anh, dưới góc nhìn cá nhân là người con của Quảng Ninh, cho rằng: dông lốc là hiện tượng thiên tai bất khả kháng, khó đoán. “Chúng ta đau nỗi đau chung của đồng bào, nhưng không vì thế mà hoang mang hay ảnh hưởng tới ngành du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn”, ông nói.
Ông Tuấn Anh nhấn mạnh: du lịch tàu biển hiện là loại hình an toàn, được ưa chuộng toàn cầu. Với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đón 25 triệu khách quốc tế trong năm 2025 và “vẽ lại bản đồ du lịch”. Nếu nguyên nhân tai nạn do chủ quan, phải xử lý nghiêm; nếu do thiên tai, cần chia sẻ để ngành du lịch phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Ngành Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã rất nỗ lực khắc phục hậu quả, hỗ trợ các nạn nhân và thân nhân. Cần cảnh giác trước thiên tai, thay vì hoang mang, cần đẩy mạnh truyền thông về an toàn du lịch, củng cố niềm tin cho du khách.
Ngay khi có tin về bão số 3, Bộ đã ban hành văn bản chỉ đạo. Hiện tại, khi có thông tin về bão số 4, Bộ và các địa phương cũng tiếp tục chỉ đạo đảm bảo an toàn du khách.

Ông Cao Lê Tuấn Anh, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao đổi với báo chí vào chiều 24/7
Các lĩnh vực khác: Nghệ thuật biểu diễn, thông tin truyền thông
Bộ đã trình Chính phủ hồ sơ Nghị định khuyến khích phát triển văn học; hoàn thành hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị định về chính sách đối với viên chức, người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; xây dựng 4 Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật trong dịch vụ sự nghiệp công nghệ thuật biểu diễn.
Trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, Bộ đã ban hành Thông tư quy định kênh phát thanh, truyền hình thiết yếu. Xây dựng danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Cấp mới, thu hồi giấy phép phát thanh, truyền hình. Chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm trên Facebook, YouTube, TikTok, Apple, Google. Cấp phép mạng xã hội, trò chơi điện tử, xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm.
Cục trưởng Lê Quang Tự Do cho biết, các cơ quan chức năng đã áp dụng biện pháp kỹ thuật truy vết, gỡ tài khoản giả mạo. Ba nền tảng lớn là Facebook, YouTube, TikTok đã được yêu cầu siết thuật toán AI để loại bỏ nội dung vi phạm.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: giải pháp kỹ thuật chỉ tạm thời, giải pháp bền vững là nâng cao “sức đề kháng” của mỗi người dân trước nạn lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi.
Bộ cũng đã trình Thủ tướng Đề án xây dựng cổng thông tin điện tử đối ngoại quốc gia thành nền tảng quảng bá hình ảnh đất nước; đề xuất sửa đổi Nghị định 72/2015/NĐ-CP và 49/2024/NĐ-CP trong lĩnh vực thông tin cơ sở, đối ngoại.

Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do trả lời các câu hỏi của báo chí
Quý III/2025, Bộ sẽ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Đề án “Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế”. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến 2030, tầm nhìn 2045. Đề án công nghiệp giải trí.
Đặc biệt, Bộ sẽ tổ chức thành công Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ tại Lễ duyệt binh, diễu hành chào mừng 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Theo ông Nguyễn Hữu Ngọc, Bộ sẽ hoàn thiện kế hoạch triển khai Luật Quảng cáo sửa đổi; tổng kết công tác phòng, chống bạo lực gia đình; sơ kết các quyết định của Thủ tướng về gia đình.
Bộ cũng hoàn thiện chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm cho Olympics, ASIAD giai đoạn 2026–2046; Đề án phát triển điền kinh và bóng đá Việt Nam giai đoạn 2030–2045.
Tiếp tục triển khai Công điện 34/CĐ-TTg ngày 10/4/2025 của Thủ tướng về phát triển du lịch, đảm bảo tăng trưởng kinh tế hai con số.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ xây dựng Chiến lược chuyển đổi số báo chí trong năm 2025; hướng dẫn các cơ quan báo chí triển khai Quy hoạch báo chí, sắp xếp, tinh gọn bộ máy.