Bộ Xây dựng yêu cầu cấm đường vùng nguy hiểm sạt lở, mưa lũ dâng cao
Bộ Xây dựng vừa ban hành Công điện khẩn số 38, yêu cầu các các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tập trung chỉ đạo triển khai kịp thời công tác ứng phó khẩn cấp với mưa lũ sau bão số 3, đặc biệt là các tuyến quốc lộ trong vùng chịu ảnh hưởng của lưu vực sông Cả.
An toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông
Theo Công điện, Bộ Xây dựng yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Khu Quản lý đường bộ I và II phối hợp với Sở Xây dựng Sơn La, Lào Cai, Phú Thọ, Thanh Hóa và Nghệ An cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt và bị sạt lở.
Các cơ quan vừa nêu phải cấm đường tại các vị trí nguy hiểm (ngầm tràn, cầu, phà…) trên các tuyến quốc lộ trong vùng chịu ảnh hưởng của lưu vực sông Cả.
Các đơn vị quản lý đường bộ phải kịp thời khắc phục các tuyến giao thông bị sạt lở, chia cắt, đảm bảo giao thông thông suốt, nhất là các tuyến quốc lộ trọng điểm; đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công và các hạng mục công trình đang trong quá trình thi công, nhất là tại khu vực dễ bị sụt trượt, công trình ở miền núi hay có lũ ống, lũ quét đột xuất.
Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu của ngành đường sắt (đặc biệt là qua lưu vực sông Cả tỉnh Nghệ An); chủ động ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố.

Trận lũ kinh hoàng khiến cho hơn 230 ngôi nhà ở Mỹ Lý, tỉnh Nghệ An bị hư hỏng gần như hoàn toàn. Ảnh: X. Hòa.
Bộ Xây dựng yêu cầu Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải và Đường thủy phối hợp với các đơn vị địa phương, để hướng dẫn tàu thuyền vào khu neo đậu an toàn, triển khai giải pháp bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là lưu vực sông Cả tỉnh Nghệ An; kịp thời thu hồi phao tiêu, báo hiệu trước khi lũ về hoặc khi nhận được thông báo xả lũ của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) địa phương.
Các Sở Xây dựng Sơn La, Lào Cai, Phú Thọ, Thanh Hóa và Nghệ An được Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ khu vực, lực lượng chức năng của địa phương trong việc phân luồng, điều tiết giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt, đặc biệt là lưu vực sông Cả qua địa bàn tỉnh Nghệ An.
"Các Sở Xây dựng cần rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún đất trên các tuyến đường được giao quản lý (nhất là các tuyến quốc lộ), sẵn sàng ứng phó, khắc phục kịp thời các tuyến giao thông bị sạt lở, chia cắt; có phương án bố trí phương tiện, thiết bị để kịp thời hỗ trợ người dân đi qua các khu vực bị ngập lụt", công điện nêu rõ.
Bão Wipha và mưa lũ gây thiệt hại nặng nề
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, tính đến tối 23/7, bão số 3 và mưa lũ đã khiến 2 người chết tại Nghệ An (1 người do lũ cuốn và 1 người do sạt lở đất), 5 người bị thương (Thanh Hóa 1 người và Nghệ An 4 người).
Bão khiến 687 nhà ở bị hư hỏng, tốc mái (Phú Thọ có 19 nhà, Thanh Hóa 251 nhà, Nghệ An 417 nhà); 3.351 nhà bị ngập (Nghệ An có 3.237 và Thanh Hóa 114 nhà).
Về nông nghiệp, theo thống kê, trên 89.700ha lúa bị ngập (Hưng Yên có 10.000ha; Ninh Bình trên 56.100ha, Thanh Hóa gần 23.600ha). Gần 4.400ha lúa, hoa màu bị gãy đổ, thiệt hại, chủ yếu ở tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. 9 con gia súc và gần 3.300 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Tại Thanh Hóa, 63 vị trí sạt lở tại quốc lộ, tỉnh lộ với khối lượng 23.500m3. Nghệ An có 150 vị trí bị sạt lở, ngập lụt tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và 3 cầu treo bị cuốn trôi.
Trong ngày 23/7 đã xảy ra 6 sự cố đê điều: 2 sự cố nứt dọc mặt đê hữu Cầu và đê hữu Hồng (Hà Nội), sạt mái đê bối Nam Quần Liêu, tỉnh Ninh Bình; sạt mái phía đồng đê Tây sông Cùng, tỉnh Thanh Hóa; đê hữu sông Nhơm, tỉnh Thanh Hóa; sạt mái phía sông đê kênh Tam Điệp, tỉnh Thanh Hóa.
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết, các địa phương đang xử lý các sự cố đê nói trên.