Bộ Y tế hướng dẫn dự phòng, xử trí COVID-19 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh

Ngày 18/8, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời dự phòng và xử trí COVID-19 do chủng virus SARS-CoV-2 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.

Theo Bộ Y tế, cho đến thời điểm này, nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng lây nhiễm SARS CoV-2 qua bánh rau trong quá trình mang thai là rất thấp. Lây truyền qua giọt bắn được cho là đường lây truyền chính khi trẻ tiếp xúc với người chăm sóc nhiễm SARS-CoV-2.

Các dữ liệu hiện nay cho thấy nguy cơ mắc bệnh thể nặng ở phụ nữ mang thai mắc COVID-19 có triệu chứng cao hơn so với nhóm phụ nữ không mang thai. Việc xử trí phụ nữ mang thai mắc hoặc nghi mắc COVID-19 theo nguyên tắc ưu tiên điều trị nội khoa trước; phân loại mức độ lâm sàng và điều trị; hạn chế các can thiệp sản khoa trong thời gian nghi mắc/mắc COVID-19, trừ khi có chỉ định cần can thiệp cấp cứu (rau tiền đạo/cài răng lược có chảy máu nhiều, rau bong non, thai suy...) hoặc bán cấp (vỡ ối, chuyển dạ...) hoặc khi mẹ có dấu hiệu trở nặng. Cân nhắc lợi ích giữa điều trị suy hô hấp mẹ và can thiệp sản khoa trong thời gian sản phụ mắc COVID-19.

Trẻ sơ sinh được sinh ra từ người mẹ mắc hoặc nghi mắc COVID-19 cần được làm xét nghiệm chẩn đoán mắc COVID-19. Căn cứ vào điều kiện thực tiễn của cơ sở y tế/địa phương xem xét có thể cho người nhà vào hỗ trợ chăm sóc trẻ; mẹ hoặc người chăm sóc phải sử dụng khẩu trang và vệ sinh tay khi trực tiếp chăm sóc trẻ sơ sinh. Đối với trẻ sơ sinh cần được chăm sóc lâu dài tại bệnh viện, người chăm sóc nên tiếp tục sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân thích hợp cho đến khi trẻ xuất viện hoặc khi trẻ có hai xét nghiệm âm tính liên tiếp được thu thập cách nhau ≥ 24 giờ. Trẻ sơ sinh mắc COVID-19 đang được hỗ trợ hô hấp cần được nằm trong lồng ấp hoặc trong phòng riêng.

Nghiên cứu tổng hợp từ báo cáo khoa học ở nhiều quốc gia với gần 7.500 trẻ em trong đó có 25 trẻ sơ sinh nhiễm SARS-CoV-2 cho thấy đa phần trẻ có triệu chứng vừa và nhẹ, khoảng 2% trẻ cần nhập vào đơn vị hồi sức tích cực và tỉ lệ tử vong là 0,08%. Trẻ sơ sinh nhiễm SARS-CoV-2 được báo cáo có thể có các triệu chứng sốt, li bì, ho, thở nhanh, thở gắng sức, ngưng thở, nôn, tiêu chảy và bú kém. Một số triệu chứng rất khó phân biệt với các bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh như chậm hấp thu dịch phế nang, bệnh màng trong và nhiễm trùng sơ sinh. Chăm sóc thiết yếu sơ sinh sớm gồm da kề da và bú sữa mẹ được chứng minh là giảm tỉ lệ hạ thân nhiệt, hạ đường máu, suy hô hấp, nhiễm trùng sơ sinh, giảm sang chấn tâm lý, giảm tử vong và bệnh tật cho mẹ và trẻ. Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là duy trì cái ôm đầu tiên ngay sau sinh, chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm và bú mẹ hoàn toàn giúp giảm biến chứng bệnh tật và tử vong cho bà mẹ và trẻ em.

QUỲNH NHƯ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/262810/bo-y-te-huong-dan-du-phong-xu-tri-covid-19-o-phu-nu-mang-thai-va-tre-so-sinh.html