Bộ Y tế lên tiếng về thông tin cho rằng Bộ chậm ban hành quy chuẩn sữa tươi học đường

Trước việc trong thời gian qua, một số thông tin phản ánh Bộ Y tế chậm trễ ban hành quy chuẩn sản phẩm sữa tươi phục vụ trong Chương trình Sữa học đường gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, sáng 15-8, ông Nguyễn Đức Vinh- Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em - Bộ Y tế đã thông tin về vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, ngày 8-7-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1340/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Sữa học dường, ngay sau Quyết định của Thủ tướng, ngày 28-9-2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5450/QĐ-BYT về Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Chương trình Sữa học đường.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em - Bộ Y tế

Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em - Bộ Y tế

Trong các văn bản do Bộ trưởng Bộ Y tế ký, Bộ Y tế nhấn mạnh các vấn đề: Về nguyên liệu, phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29-12-2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành sản phẩm sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28-9-2016 của Bộ Y tế.

Việc tổ chức đấu thầu lựa chọn sản phẩm phục vụ chương trình thuộc về các địa phương, tuy nhiên cần công khai, minh bạch theo đúng các quy định trên. Thứ hai cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo sự an toàn và tính hiệu quả của sản phẩm tham gia Chương trình Sữa học đường. Thứ ba, tùy tình hình thực tế, các địa phương có thể triển khai thí điểm hoặc toàn tỉnh; chú ý ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các khu vực có nhiều trẻ em suy dinh dưỡng.

Ông Vinh cho rằng, như vậy có thể khẳng định Quyết định số 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế và Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế đã quy định rất rõ yêu cầu về tiêu chuẩn đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường. Trong khi Bộ Y tế chưa ban hành quy định mới, các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế vẫn cần được thực hiện nghiêm túc như trong thời gian qua. Qua công tác giám sát của Bộ Y tế và báo cáo của các địa phương, hiện có 15 tỉnh đã và đang triển khai Chương trình Sữa học đường bằng các nguồn kinh phí của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

“Ngoài ra, tôi cũng xin khẳng định lại Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình không phải ban hành Quy chuẩn (thế giới và Việt Nam đều không có quy chuẩn sữa tươi). Việt Nam đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5-1: 2010/BYT) và Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5450 như đã đề cập. Tới đây, việc bổ sung các loại vi chất trong sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cần có cơ sở khoa học. Như bổ sung loại vi chất nào, hàm lượng bao nhiêu, căn cứ vào tình trạng thiếu hụt vi chất của trẻ, khả năng hấp thu, chuyển hóa… Cần đảm bảo tính thực tiễn, tính khả thi, phù hợp thông lệ quốc tế và quan trọng hơn cả là thực hiện chỉ tiêu trong Quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đáp ứng thêm 30% nhu cầu sắt, vitamin D, canxi của trẻ đến năm 2020). Hiện, Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường công khai, minh bạch trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp và cơ quản quản lý”- ông Nguyễn Đức Vinh nhấn mạnh.

Bộ Y tế cho rằng đây là chương trình rất có hiệu quả cả về an sinh xã hội cũng như cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Nghị Quyết 20, 21 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về nâng cao tầm vóc thể lực người Việt Nam; Đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy khi kết thức Chương trình, Bộ Y tế dự kiến sẽ đề xuất Chính phủ giao UBND các tỉnh/TP tiếp tục triển khai Chương trình như là nhiệm vụ thường xuyên. Bộ Y tế cũng mong muốn các doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông và toàn thể cộng đồng tiếp tục đồng hành cùng Bộ trong chương trình nhân văn cao cả này. Tất cả vì trẻ em Việt Nam.

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bo-y-te-len-tieng-ve-thong-tin-cho-rang-bo-cham-ban-hanh-quy-chuan-sua-tuoi-hoc-duong-159034.html