Bộ Y tế lên tiếng về vụ án tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương
Trước vụ án nghiêm trọng tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương, đại diện Bộ Y tế khẳng định, đây là bài học cảnh tỉnh đối với ngành y tế, đặc biệt trong lĩnh vực pháp y tâm thần, điều trị bắt buộc.
Bài học cảnh tỉnh cho ngành y tế
Mới đây, Công an TP Hà Nội khởi tố vụ việc tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương về tội danh "Tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, đưa và nhận hối lộ, môi giới hối lộ, cùng với lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ".
Đây không phải lần đầu tiên các cơ sở pháp y tâm thần vướng vào lùm xùm pháp lý. Trước đó, các vụ việc tương tự đã xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 và Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa.

Các cá nhân liên quan tới vụ án nghiêm trọng tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương (Ảnh internet).
Trước vụ việc này, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: Đây là bài học cảnh tỉnh đối với ngành y tế nói chung và lĩnh vực pháp y tâm thần, điều trị bắt buộc nói riêng.
Lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc đã được cụ thể hóa trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và được quy định tại Nghị định 64/2011/NĐ-CP của Chính phủ.
Tuy nhiên, việc thực thi không nghiêm túc từ một số cá nhân đã dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng. Công an TP Hà Nội đã khởi tố 40 bị can, bao gồm viện trưởng, phó viện trưởng và lãnh đạo nhiều khoa, phòng thuộc Viện Pháp y tâm thần Trung ương.
Trước tình hình này, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Y tế đã thảo luận và dự kiến ban hành nghị quyết chuyên đề nhằm tăng cường quản lý trong lĩnh vực pháp y tâm thần; đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và chỉ đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các vi phạm.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tuyên, việc phát hiện các hành vi làm giả bệnh án tâm thần là vô cùng khó khăn do tính chất tinh vi của các hình thức phạm tội. Chỉ có cơ quan điều tra, với chuyên môn và điều kiện phù hợp, mới có thể phát hiện những sai phạm này thông qua các chuyên án. Tuy nhiên, với trách nhiệm quản lý, Bộ Y tế sẽ tăng cường giám sát, tiếp nhận các thông tin phản ánh qua các kênh khác nhau để nắm bắt kịp thời, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm sẽ chuyển cơ quan công an để xem xét xử lý hoặc xử lý theo quy định.
Bộ Y tế hiện đang quản lý 2 bệnh viện tâm thần (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2), 2 Viện Pháp y tâm thần và 5 Phân viện Pháp y tâm thần.
Kết quả giám định pháp y tâm thần trong các vụ án hình sự có giá trị làm căn cứ cho cơ quan tố tụng quyết định hành vi tố tụng đối với một bị can, bị cáo hay một phạm nhân đang chấp hành án.
Làm gì để ngăn chặn vi phạm?
Thứ trưởng Tuyên cho biết, để ngăn chặn các hành vi vi phạm, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở điều trị bắt buộc thực hiện nghiêm các quy định về quản lý bệnh nhân.
Các biện pháp bao gồm đảm bảo an ninh ba lớp cửa (cửa buồng bệnh, cổng khoa và cổng viện), lắp đặt camera giám sát, xây dựng quy trình chặt chẽ về thăm gặp và quản lý đồ dùng cá nhân.
Việc cấp bản tóm tắt bệnh án hoặc giấy khám sức khỏe phải tuân thủ đúng quy định chuyên môn, quy trình kỹ thuật và các văn bản pháp luật liên quan. Các hoạt động giám định pháp y tâm thần cũng cần đảm bảo tính khách quan, chính xác và đúng quy trình.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm chấn chỉnh đạo đức công vụ và trách nhiệm của y, bác sĩ. Về lâu dài, Bộ nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo mỗi cán bộ, nhân viên y tế thực hiện đúng trách nhiệm, không bị cám dỗ bởi lợi ích cá nhân. Mục tiêu là xây dựng một lĩnh vực pháp y tâm thần ổn định, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước.
Trước ý kiến đề xuất cần có cơ quan giám sát độc lập trong lĩnh vực giám định pháp y tâm thần, Thứ trưởng Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần, đặc biệt đối với các cơ sở y tế được giao điều trị bắt buộc đã có hướng dẫn, quy định cụ thể để nhân viên ngành y tế làm việc trong lĩnh vực này vừa thực hiện chức năng của thầy thuốc điều trị cho bệnh nhân, vừa có chức năng quản lý đối tượng.
Đây là một lĩnh vực mà ngành Y tế tập trung nghiên cứu để cùng các bộ, ngành sớm hoàn thiện thể chế, để lĩnh vực pháp y tâm thần ngày càng được quản lý chặt chẽ hơn.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng đang phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ sửa Nghị định 64; phối hợp triển khai đề án Nâng cao năng lực, hiệu quả của lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc. Đề án này đã được Bộ Y tế trình Chính phủ và chờ phê duyệt
Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế trong việc điều tra, xử lý các trường hợp bệnh nhân cố tình trốn khỏi nơi điều trị hoặc cấu kết với đối tượng bên ngoài để gây rối. Những nỗ lực này nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ hơn, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của lĩnh vực pháp y tâm thần.