Bolivia có Tổng thống tạm quyền, đất nước vẫn phân cực sâu sắc

Đất nước Bolivia vẫn đứng trước nhiều nguy cơ dù họ vừa có một Tổng thống tạm quyền.

Phó Chủ tịch thứ hai Thượng viện Jeanine Anez hôm 12/11 đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống tạm quyền Bolivia, trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang nỗ lực ổn định trật tự sau nhiều tuần biểu tình bạo lực, khiến Tổng thống Evo Morales phải từ chức.

Tòa nhà chính quyền Bolivia.

Tòa nhà chính quyền Bolivia.

Tuy vậy, việc Bolivia có nhà lãnh đạo mới vẫn được nhận định khó có thể hạ nhiệt tình hình tại quốc gia đang bị phân cực sâu sắc này, trong khi các quốc gia khu vực cũng đang loay hoay tìm kiếm lập trường chung trong cách tiếp cận với tình hình Bolivia.

Bất chấp việc thiếu số đại biểu cần thiết để bổ nhiệm Tổng thống lâm thời trong phiên họp Quốc hội hôm qua (12/11), do các nghị sĩ từ đảng cánh tả của cựu Tổng thống Morales tẩy chay, Thượng nghị sĩ Jeanine Anez đã tuyên bố trở thành Tổng thống lâm thời của Bolivia. Phát biểu với truyền thông, bà Anez cho biết sẽ chỉ đảm nhiệm vai trò Tổng thống trong thời gian chuyển tiếp cho đến khi một cuộc bầu cử mới được tiến hành.

“Theo Hiến pháp Bolivia, với tình hình hiện nay, tôi sẽ ngay lập tức tiếp nhận vị trí Tổng thống lâm thời của đất nước. Tôi cam kết nhận trách nhiệm thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để ổn định đất nước”, bà Anez nói.

Bà Anez trước đó cũng cam kết sẽ kêu gọi bầu cử sớm, với một tiến trình bầu cử phản ánh nguyện vọng của toàn thể người dân Bolivia. Chỉ vài phút sau tuyên bố của bà Anez, Tòa án tối cao Bolivia đã ra phán quyết ủng hộ quyết định của Tổng thống lâm thời.

Với việc bà Anez tuyên bố trở thành Tổng thống tạm quyền, lấp đầy khoảng trống chính trị sau quyết định từ chức của ông Morales nhưng giới quan sát nhận định bà Anez sẽ đối mặt với thách thức lớn trong việc ổn định tình hình tại một quốc gia đang bị phân cực sâu sắc hiện nay. Nhiều thành viên Đảng cánh tả của cựu Tổng thống Morales cho biết sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác hôm nay để hủy quyết định của bà Anez.

Ông Morales cũng gọi đây là một hành động bất hợp pháp, khi Thượng nghị sĩ thuộc phe đối lập đã tự tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời mà không có mặt đầy đủ của các thành viên Quốc hội. Cựu Tổng thống Bolivia tuyên bố sẽ duy trì "cuộc đấu tranh" chính trị để bảo vệ những thành quả kinh tế- xã hội mà ông đã gây dựng cho đất nước Bolivia trong hơn 10 năm qua.

“Tôi sẽ trở về Bolivia với sức mạnh và nhiều năng lượng hơn để tiếp tục phục vụ đất nước. Gần 14 năm tiếp quản đất nước, lắng nghe yêu cầu của người dân và đã nhận được sự ủng hộ của người dân Bolivia. Tôi sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến của mình với tư cách là cựu Tổng thống và luôn nghĩ về tương lai của thế hệ mai sau”, ông Morales tuyên bố.

Nhiều người dân ủng hộ cựu Tổng thống Morales hôm 12/11 cũng tiếp tục kéo ra đường biểu tình. Các hình ảnh cho thấy cảnh sát đã phải vất vả đối phó với người ủng hộ ông Morales ở thành phố Cochabamba và một số khu vực khác. Liên đoàn Lao động lớn nhất của Bolivia cũng cảnh báo đình công vô thời hạn, nếu các chính trị gia và các nhà lãnh đạo dân sự không thành công trong việc khôi phục trật tự. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua đề nghị các thành viên trong gia đình của các nhân viên làm việc cho chính phủ rời Bolivia, đồng thời đưa ra cảnh báo đi lại tới quốc gia này.

Những diễn biến tại Bolivia cũng đang khiến các nước trong khu vực không thể thống nhất một cách tiếp cận chung đối với cuộc khủng hoảng tại quốc gia này. Tổ chức các nước châu Mỹ ngày 12/11 đã có cuộc họp bất thường về tình hình Bolivia. Mỹ, Canada nằm trong số các nước ủng hộ việc từ chức của ông Morales, trong khi Mexico, Uruguay, và Nicaragua thuộc phía các nước cho rằng những diễn biến vừa qua tại Bolivia là một cuộc đảo chính./.

Phạm Hà/VOV1 (tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/bolivia-co-tong-thong-tam-quyen-dat-nuoc-van-phan-cuc-sau-sac-978148.vov