Bolton rời đi, điều gì sẽ thay đổi?

Tổng thống Trump đã đưa ra quyết định bất ngờ về việc sa thải cố vấn an ninh Nhà Trắng John Bolton, nói rằng có nhiều bất đồng quan điểm giữa cả hai về các chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, liệu sẽ có thay đổi gì sau khi ông Bolton rời đi?

Cố vấn an ninh Nhà Trắng John Bolton đứng phía sau Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp. Ảnh: Politico

Từ lâu, ông Bolton và ông Trump đã không thấy hợp nhau. Đặc biệt trong những vấn đề nhạy cảm như Iran hay Nga, ông Bolton luôn là người phản đối gay gắt những quyết định của Tổng thống.

Vậy việc ông Bolton rời đi có thể khiến chính phủ Mỹ làm nên chuyện?

Khởi nguồn của mâu thuẫn

Những vấn đề về Afghanistan, Nga, Triều Tiên và Iran là chủ đề bất đồng chính giữa ông Trump và ông Bolton. Trong khi ông Trump đang mong muốn tiến hành các buổi đàm phán, nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga thì ông Bolton lại ủng hộ một chiến lược "quyết chiến", tạo áp lực tối đa lên các nước này nhằm đạt được mục đích.

Từ nhiều tháng trước, đã có những hành động bất thường diễn ra.

Hồi tháng 8 vừa qua, khi ông Trump đang cố gắng thúc đẩy việc đưa Nga quay trở lại nhóm G8 và để ngỏ khả năng đàm phán với Iran, ông Bolton đã từ chối việc trả lời phỏng vấn trên sóng truyền hình về các vấn đề trên.

Nhiều nhân viên Nhà Trắng cũng cho hay họ thấy ông Bolton đã có những thay đổi nhỏ trong những tháng vừa qua. Ông trở nên trầm tính hơn, ít phản đối hơn và hay đi công tác xa hơn.

Không chỉ bất đồng với ông Trump, ông Bolton còn nhiều lần bất đồng với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái). Ảnh: Internet

Trong khi những cố vấn cấp cao khác thường xuyên di chuyển trên chuyên cơ cùng Tổng thống, ông Bolton thường sử dụng máy bay của mình, thường tới thăm các nước không nằm trong lịch trình của ông Trump.

"Điều đó luôn có gì đó khác thường", một nguồn tin cho hay.

Vấn đề Afghanistan

Một trong những vấn đề nổi cộm, khiến ông Trump đưa ra quyết định về việc sa thải ông Bolton là việc đàm phán với Taliban về việc rút quân khỏi Afghanistan và đảm bảo hòa bình trong khu vực.

2 nguồn tin của Reuters cho biết một trong những điều mà ông Trump không muốn để lộ ra ngoài rằng ngoài ông Bolton, Phó Tổng thống Mike Pence cũng phản đối việc mời lãnh đạo Taliban tới khu nghỉ dưỡng của Tổng thống ở Maryland để đàm phán.

Ông Bolton tin rằng Mỹ có thể rút 5.000 trong tổng số 14.000 lính Mỹ tại Afghanistan và vẫn đảm bảo hiệu quả trong việc chống khủng bố, thay vì đàm phán với kẻ thù, các nguồn tin bên trong cho hay.

"Cả hai đều có góc nhìn riêng của mình nhưng chỉ có 1 người là Tổng thống", một nguồn tin nhận định.

Việc ông Bolton cố gắng lôi kéo Phó Tổng thống Mike Pence về chiến tuyến của mình "như giọt nước làm tràn ly", khiến ông Trump đưa ra quyết định sa thải. Ảnh: Internet

Tuy rằng ông Trump đã hủy bỏ cuộc gặp ở Camp Davis sau vụ đánh bom liều chết tại Kabul do Taliban thực hiện hồi tuần trước làm 1 lính Mỹ thiệt mạng, nhưng giờ đây ông Trump cũng có ít hơn một người phản đối các chính sách của mình.

Việc rút quân khỏi Afghanistan là 1 trong những điều mà ông Trump đã hứa sẽ thực hiện khi mới nhậm chức Tổng thống, và sẽ là điều cần thiết cho chiến dịch tái tranh cử vào năm sau của ông.

Vấn đề Iran

Ông Bolton luôn thúc đẩy việc ép cho sản lượng xuất khẩu dầu của Iran phải về 0, trong khi ông Trump bày tỏ mong muốn gặp gỡ Tổng thống nước này Hassan Rouhani.

"Ông Bolton đã luôn là người nói không trong việc đàm phán với Iran", Cliff Kupchan, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.

Trong khi nhiều khả năng một cuộc gặp vẫn chưa thể xảy ra trong tháng này, Kupchan nhận định rằng: "Đã ít áp lực hơn trong việc tổ chức gặp mặt. Nếu như việc đó xảy ra, giá dầu có thể tiếp tục đi xuống".

Với việc giá dầu giảm hơn 1% sau khi ông Bolton từ chức, các nhà đầu tư đang đánh cuộc vào khả năng Mỹ giảm nhẹ các hình phạt với Iran cũng như khả năng xảy ra chiến tranh tại vùng Vịnh.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã nói với các phóng viên khi được hỏi rằng: "Một cuộc gặp có thể xảy ra. Tổng thống đã khẳng định sẵn sàng gặp ông Rouhani một cách vô điều kiện".

Tuy nhiên, Phil Gordon, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao nhận định rằng: "Vấn đề hiện tại nằm ở việc tìm ra một thỏa thuận khiến cả hai bên hài lòng. Rất khó để Iran chấp nhận những điều kiện hiện tại, bao gồm dừng làm giàu Uranium vô thời hạn, tăng cường giám sát, giảm phát triển tên lửa hạt nhân và thay đổi trong các chính sách đối ngoại ở khu vực".

"Để đạt thành thỏa thuận, ông Trump cần giảm mạnh những yêu cầu của mình, điều rất khó xảy ra", ông Gordon nói thêm. "Việc ông Bolton rời đi chỉ loại bỏ 1 rào cản, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước".

Vấn đề Triều Tiên

Các chuyên gia nhận định việc ông Bolton rời đi chỉ khiến việc nối lại các vòng đàm phán trở nên dễ dàng hơn, chứ không thể khiến việc thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân trở nên "xuôi chèo mát mái".

"Thời điểm này có thể khiến cho việc nối lại đàm phán với Triều Tiên trở nên dễ dàng hơn", Leif-Eric Easley, một giáo sư tại đại học Ewha của Hàn Quốc nhận định.

Ông John Bolton bắt tay với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp tại Hà Nội hồi tháng 2/2019. Ảnh: BI

"Bình Nhưỡng đã luôn bất mãn với ông Bolton. Chủ tịch Kim có thể coi việc thay đổi nhân sự tại Nhà Trắng như một chiến thắng nhỏ của Triều Tiên. Điều này có thể thúc đẩy việc nối lại các vòng đàm phán trong thời gian ngắn".

Việc Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua thất bại một phần cũng vì ông Trump nghe theo lời của ông Bolton, khi đưa cho ông Kim một tờ giấy với yêu cầu Triều Tiên phải trao cho Mỹ một cách vô điều kiện vũ khí hạt nhân, điều mà ông Kim coi như một sự khiêu khích.

Hoàng Việt

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bolton-roi-di-dieu-gi-se-thay-doi-post67746.html