Bom Bo rộn ràng nhịp sống mới

Từ ngã ba Minh Hưng (quốc lộ 14, thuộc xã Minh Hưng) vào khoảng 12km là tới thôn Bom Bo (xã Bom Bo, tỉnh Đồng Nai). Dọc hai bên đường là những nếp nhà khang trang hòa với màu xanh của điều, cà phê, cao su, cây ăn trái. Thôn Bom Bo nay bừng lên sức sống mới…

Sóc Bom Bo hôm nay. Ảnh: ĐOÀN PHÚ

Sóc Bom Bo hôm nay. Ảnh: ĐOÀN PHÚ

Bom Bo ngày trở lại

Năm 1997, khi tỉnh Sông Bé chia tách thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước, chúng tôi nhiều lần ghé sóc Bom Bo và tới thăm già làng Điểu Lên. Sóc Bom Bo ngày ấy thuộc xã Đăk Nhau, huyện Bù Đăng, với những mái nhà tranh, vách ván, lồ ô đơn sơ. Cuộc sống của đồng bào S’tiêng trong sóc vẫn còn bộn bề khó khăn.

Những năm tháng ấy, già làng Điểu Lên mới hơn 50 tuổi nên còn tráng kiện, rắn rỏi. Ông thường đón tiếp chúng tôi trong ngôi nhà lợp tôn, vách lồ ô, thuộc dạng tươm tất nhất sóc. Chúng tôi không ngại đường vào sóc Bom Bo vô cùng gian truân để tìm hiểu xem sóc Bom Bo có còn rộn rã tiếng chày giã gạo như trong ca khúc Tiếng chày trên sóc Bom Bo của cố nhạc sĩ Xuân Hồng... Tuy đời sống của đồng bào S’tiêng sóc Bom Bo khi đó còn khó khăn, già làng Điểu Lên vẫn vững niềm tin vào Đảng, Nhà nước, kiên trì vai trò thủ lĩnh tinh thần của đồng bào trong sóc, xông pha trên mặt trận “xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa”.

“Thôn Bom Bo có diện tích đất sản xuất trên 660 hécta, một phần trồng lúa nước, lúa rẫy và hoa màu các loại. Đồng bào S’tiêng trong thôn Bom Bo đã chuyển đổi phần lớn diện tích cây điều sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: cà phê, tiêu, cao su và các loại cây ăn trái, kết hợp với chăn nuôi, đi làm trong doanh nghiệp nên cuộc sống khá ổn định, sung túc” - Phó bí thư Chi bộ thôn Bom Bo ĐIỂU DƠN cho biết.

Trở lại sóc Bom Bo (nay là thôn Bom Bo, thuộc xã Bom Bo, tỉnh Đồng Nai), già làng Điểu Lên đã bước qua tuổi 80, sức khỏe không còn như xưa. Dù không gặp được già làng, chúng tôi vẫn ấm lòng khi hỏi chuyện về thôn Bom Bo và được những người S’tiêng trẻ tuổi, cán bộ thôn Bom Bo tỏ bày rành rọt như già làng Điểu Lên thời còn trẻ khỏe.

Thôn Bom Bo vẫn đón chúng tôi với tiết trời quen thuộc mây mù buổi sáng, mưa nặng hạt khi trời ngả trưa. Chỉ có khác biệt là dứt cơn mưa, dù thoải mái dạo bước quanh thôn thì đôi dép, đế giày vẫn không bị lấm bùn đất vì đường trong thôn giờ đã tráng nhựa hoặc bê tông xi măng từ ngõ vào tận nhà.

Ông Điểu Nháp (dân tộc S’tiêng, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Bom Bo) cho biết, toàn thôn Bom Bo chỉ còn 2 hộ nghèo (theo chuẩn tiêu chí nông thôn mới). Tất cả các hộ còn lại đều no đủ, có kinh tế sung túc, khá giả.

Thôn Bom Bo hiện có 176 hộ với hơn 900 nhân khẩu đồng bào dân tộc S’tiêng. Trong quá trình sinh sống, nhiều con em đồng bào dân tộc S’tiêng kết hôn với người Kinh và các dân tộc anh em khác… Thế nhưng, điều đó không làm mất đi bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào S’tiêng trong thôn, mà còn góp phần làm cho bản sắc văn hóa S’tiêng thêm đậm đà.

Rộn ràng Tiếng chày trên sóc Bom Bo

Sóc Bom Bo được biết đến qua phong trào giã gạo nuôi quân của đồng bào S’tiêng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cao điểm là trong Chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long năm 1965. Đồng bào Bom Bo ngày đêm giã gạo, cung cấp 5 tấn gạo phục vụ chiến dịch…

Chị Điểu Thị Xia vẫn còn lưu giữ nghề dệt vải của đồng bào S’tiêng ở thôn Bom Bo.

Chị Điểu Thị Xia vẫn còn lưu giữ nghề dệt vải của đồng bào S’tiêng ở thôn Bom Bo.

Để thực hiện video “Người S’tiêng sóc Bom Bo hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, chúng tôi đề nghị được ghi âm, ghi hình đồng bào S’tiêng trong thôn hát ca khúc Tiếng chày trên sóc Bom Bo bằng chính chất giọng S’tiêng mộc mạc, đơn sơ vốn có, không cồng chiêng, nhạc đệm. Cứ tưởng đề nghị của mình khó đáp ứng, vậy mà đồng bào S’tiêng ủng hộ rất nhiệt tình.

“Lần đầu tiên tôi biết mặt cố nhạc sĩ Xuân Hồng, người sáng tác ca khúc Tiếng chày trên sóc Bom Bo bất hủ là vào khoảng năm 1990-1992, khi cố nhạc sĩ cùng nhóm nghệ sĩ về sóc Bom Bo giao lưu văn hóa. Lúc đó, đồng bào sóc Bom Bo tụ hội về rất đông để được gặp người nghệ sĩ đã làm Tiếng chày trên sóc Bom Bo vang vọng khắp núi rừng từ Bắc đến Nam” - ông Điểu Nháp kể.

Còn chị Điểu Thị Xia trước khi cất tiếng hát cho biết, đồng bào S’tiêng trong thôn ai cũng biết ca khúc này, còn nhảy múa theo tiếng nhạc, tiếng cồng chiêng. Ca khúc Tiếng chày trên sóc Bom Bo của cố nhạc sĩ Xuân Hồng đã thấm trong máu, trong tâm hồn người dân thôn Bom Bo qua nhiều thế hệ. Mỗi dịp lễ hội, ca khúc lại được cất lên trong ánh đuốc lồ ô bập bùng không bao giờ tắt nơi sóc Bom Bo anh dũng, kiên trung.

Bên cạnh trồng trọt, đồng bào S’tiêng ở Bom Bo còn có tập quán chăn nuôi trâu, bò.

Bên cạnh trồng trọt, đồng bào S’tiêng ở Bom Bo còn có tập quán chăn nuôi trâu, bò.

Mặc dù là người Kinh, ông Phạm Quốc Hưng (59 tuổi) khi lấy vợ người S’tiêng ở thôn Bom Bo là bà Thị Khắp, ông đã biết đan gùi, rèn dao, làm sà gạc truyền thống của đồng bào S’tiêng để dùng hoặc bán. Ông Hưng còn giỏi đánh cồng chiêng nên được bầu làm Đội phó Đội Cồng chiêng thôn Bom Bo để lưu diễn, lưu truyền văn hóa S’tiêng trong các dịp lễ hội, giao lưu văn hóa với ấp, sóc, thôn, xã trong tỉnh.

Gia đình ông Hưng - bà Khắp có 3 người con mang dòng máu Kinh - S’tiêng ngoan hiền và giỏi lao động, ca hát. Chính vì vậy, khi cất lên chất giọng S’tiêng mạnh mẽ, chàng trai mang dòng máu Kinh - S’tiêng Phạm Lý Hùng (18 tuổi, con trai út của vợ chồng ông Hưng - bà Khắp) làm cho thôn Bom Bo thêm rộn rã. Nhịp chày, ánh đuốc giữa khung cảnh Bom Bo sung túc, phát triển, người S’tiêng thôn Bom Bo chung sức, đồng lòng hướng về một Bom Bo đang phát triển...

Chúng tôi chia tay thôn Bom Bo khi trời dừng mưa, hửng nắng, ô tô, xe máy qua lại ngược xuôi trên con đường quanh co trải nhựa hướng ra quốc lộ 14...

Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo có tổng diện tích hơn 113 hécta, trong đó có 70 hécta vùng lõi. Giai đoạn 1 Dự án Khu bảo tồn khởi công xây dựng từ năm 2010, với tổng vốn đầu tư hơn 85 tỷ đồng. Đầu năm 2018, huyện Bù Đăng (cũ) đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để nâng cấp, chỉnh trang, tô điểm cho khu bảo tồn thêm hoàn thiện, khang trang.

Đoàn Phú - Bá Thanh - Công Minh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202507/bom-bo-ron-rang-nhip-song-moi-b9931ca/