Bóng đá Việt Nam: Nhập tịch hay không?

Đội tuyển Malaysia và Indonesia đã chuyển mình mạnh mẽ nhờ chính sách sử dụng cầu thủ nhập tịch một cách ồ ạt.

Chính sách nhập tịch không phù hợp có thể ảnh hưởng lớn tới chiến lược phát triển đào tạo trẻ. Ảnh: ITN.

Chính sách nhập tịch không phù hợp có thể ảnh hưởng lớn tới chiến lược phát triển đào tạo trẻ. Ảnh: ITN.

Vì thế, đội tuyển Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tụt hậu nếu không bắt kịp xu thế.

Sử dụng cầu thủ nhập tịch ở đội tuyển Việt Nam là chủ đề đã tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều trong suốt hơn thập kỷ qua. Câu chuyện này lại trở nên nóng hơn sau khi “Những chiến binh sao vàng” bất lực để thua Malaysia với tỷ số 0-4 ở vòng loại ASIAN Cup 2027. Vấn đề là Malaysia đã khoác lên mình chiếc áo mới với nhiều cầu thủ nhập tịch chất lượng.

Mới đây, sau nhiều năm tranh cãi, đội tuyển Việt Nam đã sử dụng cầu thủ nhập tịch đầu tiên không mang gốc gác Việt Nam là Nguyễn Xuân Son. Sự hiệu quả đã thể hiện rõ ở ASEAN Cup 2024 khi chân sút này giành danh hiệu Vua phá lưới, góp công lớn vào chức vô địch của đội tuyển Việt Nam.

Tuy nhiên, chỉ Xuân Son là quá ít cho bóng đá Việt Nam có thể chuyển mình mạnh mẽ, đủ sức cạnh tranh ở những giải đấu lớn, đặc biệt khi các đội tuyển trong khu vực đã và đang tận dụng mọi nguồn lực để phát triển lực lượng. Nếu coi đây là xu thế tất yếu thì đội tuyển Việt Nam sẽ nhanh chóng tụt hậu nếu tự gạt mình khỏi dòng chảy.

Gỡ vướng cho cầu thủ ngoại và Việt kiều

Theo quy định cũ tại Điều 21 Luật Quốc tịch Việt Nam, người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi cư trú. Đây là điểm nghẽn lớn nhất khiến các cầu thủ Việt kiều rất khó xin quốc tịch Việt Nam. Nguyễn Filip từng nhiều lần bị trả lại hồ sơ nhập tịch do chưa từng cư trú ở Việt Nam trước đây.

Mọi chuyện chỉ suôn sẻ khi thủ thành này về Việt Nam khoác áo Câu lạc bộ Công an Hà Nội. Cũng theo quy định cũ, người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có giấy tờ chứng minh gốc gác Việt Nam và phải bỏ quốc tịch nước ngoài. Đây là điểm nghẽn khiến Patrik Lê Giang phải xin nhập quốc tịch như người nước ngoài dù có bố là người Việt Nam.

Tuy nhiên, ngày 24/6 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7. Mọi vướng mắc trên đều đã được gỡ bỏ, tạo điều kiện rất thuận lợi để các cầu thủ Việt kiều nhanh chóng sở hữu quốc tịch Việt Nam.

Không chỉ cầu thủ Việt kiều, cầu thủ ngoại không có gốc gác Việt Nam cũng sẽ gặp thuận lợi trong quá trình xin nhập tịch. Theo luật mới, các cầu thủ này được phép giữ quốc tịch nước ngoài nếu đáp ứng 2 điều kiện là có người thân thích là công dân Việt Nam và được Chủ tịch nước cho phép.

Ngoài ra, khi nhập tịch, các cầu thủ nước ngoài có thể sử dụng tên gốc của mình thay vì phải sử dụng tên gọi Việt Nam theo luật trước đó. Tất nhiên, với các cầu thủ gốc gác nước ngoài, họ vẫn phải tuân thủ luật FIFA là cư trú 5 năm liên tục tại Việt Nam để đủ điều kiện khoác áo đội tuyển Việt Nam.

Đây là những điểm thuận lợi, mở ra cơ hội phát triển lực lượng cho đội tuyển Việt Nam từ nguồn cầu thủ Việt kiều và cầu thủ ngoại. Bóng đá đã hội nhập mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Nhiều đội tuyển trong khu vực và quốc tế đã tích cực nhập tịch cầu thủ để nhanh chóng “hóa rồng”. Rất khó để đội tuyển Việt Nam bắt kịp các đối thủ nếu không đi theo xu hướng này.

 Xuân Son đã nâng tầm đội tuyển Việt Nam ở ASEAN Cup 2024. Ảnh: ITN.

Xuân Son đã nâng tầm đội tuyển Việt Nam ở ASEAN Cup 2024. Ảnh: ITN.

Cần có nguyên tắc

Sự điều chỉnh của Luật Quốc tịch đã mở ra cơ hội rất lớn cho các cầu thủ ngoại và Việt kiều. Nhưng sử dụng dạng cầu thủ này như thế nào ở đội tuyển Việt Nam là chuyện của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Thực tế, VFF đã nghiên cứu vấn đề này từ lâu, phân tích nhiều nền bóng đá áp dụng chính sách nhập tịch để rút ra bài học rằng mọi thứ cần phải có nguyên tắc.

“Nếu không có bước đi đúng, đội tuyển sẽ mạnh lên trong một thời điểm, nhưng hệ thống trong nước sẽ yếu đi. Chúng tôi kiên trì con đường phát triển mạnh bằng nội lực. Nếu có củng cố, bổ sung, thì phải làm theo cách phù hợp, không ồ ạt như Malaysia hay Indonesia”, Chủ tịch VFF, ông Trần Quốc Tuấn chia sẻ sau trận thua Malaysia 0-4.

VFF khẳng định không sử dụng cầu thủ nhập tịch một cách ồ ạt ở các đội tuyển quốc gia. Phát biểu này vẫn khá chung chung, cần có nguyên tắc cụ thể và rõ ràng mang tính định hướng lâu dài vì nó ảnh hưởng tới chiến lược phát triển cả một nền bóng đá.

Theo dòng chảy của bóng đá hội nhập, VFF từ lâu đã mở cánh cửa lên tuyển cho các cầu thủ nhập tịch nhưng có ràng buộc ở một số khía cạnh như số lượng là bao nhiêu? Cầu thủ Việt kiều hay cầu thủ ngoại? Tác phong, thái độ thế nào? Hay năng lực thực tế ra sao?... Và một yếu tố nữa không thể bỏ qua là đánh giá của truyền thông và người hâm mộ.

Nguyên tắc sử dụng cầu thủ nhập tịch ở đội tuyển Việt Nam có thể dựa trên quy định sử dụng cầu thủ ngoại và Việt kiều ở V-League. Đây là nguồn lực quan trọng để nâng tầm giải vô địch quốc gia nhưng cần có hành lang phát triển riêng cho các cầu thủ nội, đặc biệt là những cầu thủ trẻ.

Vì giấc mơ World Cup, Indonesia đã nhập tịch ồ ạt những cầu thủ gốc gác Hà Lan. Họ thực sự đã chuyển mình mạnh mẽ, đang đứng trước cơ hội giành vé tham dự sân khấu lớn nhất của bóng đá thế giới. Nhưng đội bóng xứ Vạn đảo cũng gặp khá nhiều vấn đề.

Rất nhiều cầu thủ nội tỏ rõ sự bất mãn vì không còn cơ hội cống hiến cho màu áo đội tuyển quốc gia. Lứa cầu thủ trẻ tiềm năng, từng giành Huy chương Vàng SEA Games 32 năm 2023 ở Campuchia gần như không có cơ hội khoác áo đội tuyển Indonesia, bởi họ không thể cạnh tranh được với dàn cầu thủ nhập tịch.

Cầu thủ ngoại và Việt kiều về cơ bản được đánh giá cao về thể chất, kỹ năng và tư duy do được ăn tập ở môi trường đào tạo chuyên nghiệp tại nước ngoài. Tuy nhiên, không phải cầu thủ nào gắn mác ấy cũng hơn cầu thủ nội. Ngoài năng lực, VFF cần phải đánh giá kỹ lưỡng cả về tư cách, thái độ và niềm khao khát cống hiến.

 Nguyễn Filip về Việt Nam thi đấu để nhập tịch theo luật cũ. Ảnh: ITN.

Nguyễn Filip về Việt Nam thi đấu để nhập tịch theo luật cũ. Ảnh: ITN.

Những nguy cơ tiềm ẩn

Sự hiệu quả khi sử dụng cầu thủ nhập tịch ở đội tuyển Việt Nam đã thể hiện rõ ở ASEAN Cup 2024. Ở giải đấu ra mắt đội tuyển Việt Nam, Nguyễn Xuân Son bùng nổ với 7 bàn thắng. Anh góp công lớn vào chức vô địch của đội tuyển Việt Nam, đồng thời đoạt cả 2 giải cá nhân là Vua phá lưới và Cầu thủ xuất sắc nhất.

Nếu đội tuyển Việt Nam sử dụng nhiều cầu thủ như Xuân Son thì sao? Trong bóng đá, thành công không phải là phép toán 1 + 1 = 2. Với nhiều cầu thủ nhập tịch trong đội hình, không ai dám chắc đội tuyển Việt Nam sẽ mạnh hơn bởi ngoài vấn đề về chuyên môn, nó còn chịu tác động của nhiều yếu tố khác như văn hóa, sự giao tiếp hay tinh thần màu cờ sắc áo…

Nhưng về nguy cơ, chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, thậm chí có những hệ lụy chưa thể lường trước. Điều dễ nhận thấy nhất là cánh cửa lên đội tuyển quốc gia sẽ hẹp hơn với nhiều cầu thủ nội, đặc biệt là cầu thủ trẻ. Nó tương tự vấn đề ở V-League khi ngoại binh đang trở thành nguồn lực chính của các đội bóng. Rất ít cầu thủ trẻ được trao cơ hội thi đấu thường xuyên. Và lâu dần, ngoại binh trở thành vấn đề mang tính phụ thuộc.

Giấc mơ lớn nhất trong đời cầu thủ là khoác áo đội tuyển quốc gia, được thỏa mãn khát khao cống hiến cho màu cờ sắc áo. Các lò đào tạo trẻ đều hoạt động với giấc mơ ấy. Đó là động lực quan trọng để tạo nên các cầu thủ trẻ chất lượng. Nhưng chính sách sử dụng nhập tịch nếu không phù hợp có thể triệt tiêu giấc mơ ấy, phá hỏng một nền bóng đá về lâu dài.

Nếu gặt hái được thành công nào đó với số lượng cầu thủ nhập tịch lớn trong đội hình, đội tuyển Việt Nam cũng sẽ bị đặt dấu hỏi về tiềm lực thực sự. Chiến thắng vinh quang nhất luôn là chiến thắng bằng nội lực. Bóng đá Việt Nam cần bắt kịp xu thế để không tụt hậu nhưng cần phân tích kỹ càng cơ hội và nguy cơ để không đánh mất mình...

Đội tuyển Việt Nam sẽ tận dụng hai nguồn cầu thủ, gồm Việt kiều và ngoại binh nhập tịch. Hiện trong tay huấn luyện viên Kim Sang Sik đang có 2 nhân tố Việt kiều (Nguyễn Filip và Cao Pendant Quang Vinh) cùng 1 ngoại binh nhập tịch (Nguyễn Xuân Son).

V-League 2024 - 2025 đã chứng kiến tổng cộng 13 cầu thủ Việt kiều tham dự - đây là con số kỷ lục từ trước đến nay. Trong đó, những gương mặt đáng chú ý, gồm: Trung vệ Adou Minh (sinh năm 1997), đã chơi 22 trận cho Câu lạc bộ Hà Tĩnh; Kevin Phạm Ba gia nhập Thép xanh Nam Định ở lượt về, nhưng cũng kịp ra sân 10 trận, ghi 2 bàn…

Ngoài ra, tiền vệ Hendrio sinh năm 1994 đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để trở thành công dân Việt Nam. Cầu thủ người Brazil này từng thi đấu ấn tượng tại Thép xanh Nam Định với 53 trận, ghi 16 bàn và có 21 kiến tạo. Mùa giải 2024, anh cùng Xuân Son trở thành bộ đôi tấn công xuất sắc, góp công lớn đưa Nam Định lên ngôi vô địch V-League. Hiện tại, Hendrio đã ký hợp đồng 3 năm với Câu lạc bộ Hà Nội.

Khánh Vy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bong-da-viet-nam-nhap-tich-hay-khong-post738259.html