'Bóng hồng Việt' chinh phục ngành hàng không vũ trụ

7 năm trước, một cô gái trẻ nhận được học bổng Thạc sĩ ngành Kỹ thuật cơ khí của Chính phủ New Zealand. Bỏ lại sự nhút nhát cùng những hoài nghi, cô gái ấy đã bước lên chuyến bay ra nước ngoài đầu tiên, khởi đầu cho những cột mốc cuộc đời. Đó là Trần Bảo Ngọc Hà (31 tuổi), 1 trong 30 phụ nữ xuất sắc thế giới trong lĩnh vực hàng không vũ trụ năm 2021.

Đối đầu thử thách để theo đuổi đam mê

- PV: Giải thưởng thường niên Amelia Earhart Fellowship của Mỹ trao cho 30 phụ nữ nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực cơ khí hàng không trên toàn thế giới có tính cạnh tranh khốc liệt. Khi bắt đầu tham dự, chị có tự tin mình đạt giải?

- Chị Trần Bảo Ngọc Hà: Lúc đọc tiêu chí giải thưởng thì phần lớn các tiêu chí tôi nghĩ mình đều đạt được, ngoại trừ việc giải thưởng sẽ thiên về các ứng viên đã theo đuổi lĩnh vực hàng không vũ trụ này từ đại học đến lúc đi làm. Nhưng tôi nghĩ mình cứ thử và bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ. Khó nhất có lẽ là việc viết bài luận 500 chữ để nói về nghiên cứu của mình và hướng phát triển. Lĩnh vực hàng không vũ trụ khá rộng, nên viết sao để tất cả mọi người có thể hiểu được là một điều tôi luôn trăn trở. Viết xong, tôi lại cất đi. Một tuần sau lấy ra đọc lại, rồi lại sửa để bài viết hoàn hảo hơn. Tôi đã rất vui khi nhận được thông báo mình đạt giải thưởng này. Cùng buổi sáng hôm đó, tôi cũng được biết tin nhận một giải thưởng khác cũng thuộc lĩnh vực cơ khí hàng không từ New Zealand - niềm vui nhân lên gấp bội.

- Cùng lúc nhận về nhiều giải thưởng danh giá, cuộc sống của chị thay đổi như thế nào?

- Đầu tiên là nhận được nhiều lời mời phỏng vấn từ các báo cả bên New Zealand và Việt Nam (cười). Quan trọng nhất giải thưởng giống như một cú hích, giúp tôi tự tin và quyết tâm với con đường nghiên cứu mình đang đi, mặc dù tôi biết với nữ giới, đi theo lĩnh vực cơ khí sẽ rất khó khăn và nhiều thử thách. Ở lĩnh vực mà đặc thù thường dành cho phái mạnh thì phái yếu thường không được coi trọng, đôi lúc là sự hoài nghi, dò xét và không có tiếng nói. Nhờ giải thưởng, tôi cảm thấy mình tự tin hơn trong việc nghiên cứu, đưa ra tiếng nói của mình và dám đứng lên cho quyền lợi của bản thân, của nghiên cứu, điều mà trước đây tôi đã rất phân vân, nhấc lên rồi lại đặt xuống biết bao nhiêu lần. Cuối cùng, giải thưởng cũng cho tôi thêm một nguồn thu nhập, là bước đệm để phấn đấu đạt ước mơ lớn của mình.

- Lường trước khó khăn và thử thách, tại sao chị vẫn quyết định lựa chọn theo học và nghiên cứu ngành kỹ thuật?

- Khi còn học cấp III, tôi có thế mạnh về Toán, Lý, Hóa. Và trước ngưỡng cửa đại học, tôi thấy mình phù hợp với kỹ thuật hơn là kinh tế, phù hợp cả về khả năng, thiên hướng cũng như về tính cách. Và càng theo con đường này, tôi càng thấy nó có nhiều điều thú vị muốn khám phá và đam mê nó lúc nào không hay.

Khi ra trường, quyết định ở lại trường Đại học Hàng hải Việt Nam để theo nghiệp giảng dạy thì áp lực về đi học lên cao ở nước ngoài là bắt buộc. Lúc đó tôi cũng cân nhắc nhiều. Tại thời điểm trước khi đi du học, ngoài việc dạy ở trường, tôi còn liên kết dạy thêm ở các trung tâm nên thu nhập cao và khá ổn định. Khi quyết định đi du học, tức là tôi sẽ ngừng giảng dạy, ngừng liên kết với các trung tâm và có thể sẽ rất khó để làm lại khi trở về, nhưng tôi nghĩ đã chọn nghề giảng viên, đã quyết chí với con đường giảng dạy và nghiên cứu chuyên sâu về kỹ thuật cơ khí, mình cần phải đi, đi sớm để trở về sớm.

Thú thật là trước khi đi tôi rất lo lắng vì chưa bao giờ rời xa gia đình để đến một nơi hoàn toàn xa lạ, nhất là mình lại là con gái. Rất may mắn, bố mẹ đã động viên tôi rất nhiều, giúp tôi càng thêm quyết tâm và bắt đầu hành trình du học của mình.

New Zealand với tôi là một cái duyên

- Phải chăng, chuyến du học là bước ngoặt cuộc đời chị?

- Sau khi tốt nghiệp lớp 12 Hóa trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng), giành giải Nhì quốc gia môn Hóa giải trên máy tính, tôi đỗ vào trường Đại học Hàng hải Việt Nam với điểm Thủ khoa của khoa và Á khoa của trường. Sau đó, tôi ứng tuyển học bổng Chính phủ dành cho Thủ khoa và những học sinh giành giải quốc gia nhưng bị trượt. Thực lòng mà nói, lúc đó tôi đã nghĩ mình trúng tuyển. Tôi chưa từng trải qua cú sốc nào lớn đến vậy, hụt hẫng và khóc rất nhiều. Sau đó, tôi nhập học Đại học Hàng hải Việt Nam với nhiều dự định ấp ủ. Năm 2016, tôi nhận được học bổng toàn phần bậc Thạc sĩ của Chính phủ New Zealand và 3 năm sau đó nhận học bổng toàn phần bậc Tiến sĩ Đại học Auckland (New Zealand).

Đến tận bây giờ, khi đã nhận được ít nhiều giải thưởng quốc tế, tôi vẫn nghĩ học bổng trên là giải thưởng có ý nghĩa lớn nhất mang đến bước ngoặt trong cuộc đời. Đó không chỉ là chuyến xuất ngoại đầu tiên đầy lạ lẫm mà còn là hành trình giúp tôi mở mang tri thức.

- Được biết chuyến du học không chỉ giúp chị khám phá bản thân, đem đến những giải thưởng quý giá mà còn là cơ duyên gặp gỡ người bạn đời, có một tổ ấm nhỏ, đón chào thành viên mới đáng yêu - bé Pepsi. Vừa làm nghiên cứu khoa học, vừa chăm sóc con nhỏ, chị cân bằng cuộc sống như thế nào?

- New Zealand với tôi là một cái duyên. Trong quá trình học ở đây, tôi quen bố Pepsi bây giờ và có một tổ ấm nhỏ ở New Zealand. Sau khi nhận tấm bằng Thạc sĩ loại ưu, tôi tiếp tục theo học Tiến sĩ. Vừa có con, vừa theo học Tiến sĩ khá là vất vả. Cuộc sống hàng ngày chỉ có hai vợ chồng và em bé còn nhỏ. Tôi đã bắt đầu quay lại viết báo cho nghiên cứu của mình từ khi Pepsi được 3 tháng tuổi. Gần như đêm nào tôi cũng ngồi vào bàn từ 11h đến 3-4h sáng trong suốt mùa Giáng sinh và năm mới 2022 để hoàn thành bản thảo đầu tiên. Pepsi được đi nhà trẻ từ khi 8 tháng tuổi. Việc cân bằng giữa gia đình, con cái và nghiên cứu không dễ, buộc tôi phải lựa chọn, thời điểm nào cần ưu tiên điều gì hơn. Và may mắn là ở nhà có bố Pepsi giúp đỡ, đến trường có các giáo viên tận tình và thấu hiểu nên đến hôm nay, mô hình tái tạo lại môi trường gió tự nhiên vào ống gió đã được hoàn thành, và tôi rất hy vọng vào kết quả nghiên cứu lần này.

Chị Trần Bảo Ngọc Hà và chồng trong lễ tốt nghiệp cao học

Chị Trần Bảo Ngọc Hà và chồng trong lễ tốt nghiệp cao học

Đi thật xa để trở về

- Xuân Quý Mão 2023 đã đến và chộn rộn khắp mọi nhà. Tôi tò mò không biết cảm giác đón Tết của một du học sinh với đón Tết cùng gia đình nhỏ tại New Zealand có gì khác biệt?

- Điểm chung của Tết du học sinh một mình và khi đã có gia đình là tôi đều chuẩn bị một số món cổ truyền như bánh chưng, gà luộc, nem rán, canh miến dong... Khác biệt có lẽ là Tết khi còn độc thân mạo hiểm hơn (cười). Tôi nhớ lần đó tự gói bánh chưng với lá dong đông lạnh. Lá ít, lại bé, nên mua cả bịch lá mà chỉ gói được một cái bánh chưng, rồi hì hục luộc bằng bếp gas suốt cả đêm. Cứ 2-3 tiếng lại đặt báo thức dậy một lần để kiểm tra. Tết du học sinh một mình thì tôi hay chọn đi cùng bạn bè, đi chùa, đi chơi, đi bắt hàu và sò đầu năm lấy may. Còn nay đã có gia đình thì Tết gói gọn là ở nhà nghỉ ngơi, quây quần cùng chồng và Pepsi, đi dạo, ngắm phố phường, nhàn nhã và… không còn mạo hiểm như khi còn là du học sinh (cười).

- Cộng đồng người Việt tại New Zealand đón Tết như thế nào, thưa chị?

- Lượng người Việt tại New Zealand không quá đông nên thường mọi người sẽ chọn đi chùa, cầu may đầu năm. Rồi các nhóm nhỏ gia đình sẽ tụ tập vào đêm tất niên để cùng nhau chuẩn bị các món ăn truyền thống và chuyện trò về năm cũ, những nguyện ước của năm mới. Các nguyên liệu phục vụ Tết Việt tại New Zealand cũng trở nên phong phú mỗi ngày khi giao thương đường biển và đường hàng không tốt lên. Tuy nhiên vẫn còn thiếu nhiều thứ ở đây để có một cái Tết trọn vẹn như ở quê nhà, như nồi nước lá thơm để tắm và gội đầu ngày cuối năm với mùi già nồng đượm. Và nhất là không có không khí chúc Tết, xông đất đầu năm.

- Sau thời gian dài xa cách, nay sắp được gặp gỡ bạn bè, người thân trong không khí Tết đoàn viên, hẳn chị có rất nhiều dự định cho lần về này…

- Năm nay, sau 2 năm gần như cả thế giới đóng cửa vì đại dịch Covid-19, tôi và gia đình nhỏ sẽ cùng về Việt Nam đón Tết. Không chỉ tôi mà chồng tôi cũng rất háo hức và đếm từng ngày để được về Việt Nam đón Tết, nhìn ngắm, đắm chìm trong không khí Tết tràn ngập phố phường. Cũng 3 năm rồi chưa về nhà nên tôi dự tính đi thăm họ hàng, quê hương. Sau đó tôi sẽ đi thưởng thức tất cả các món ăn của quê hương mà tôi rất nhớ và đưa cả nhà đi du lịch để bạn Pepsi có cơ hội biết và khám phá thêm về Việt Nam.

- Đầu xuân năm mới thường gắn liền với những nguyện ước. Nếu được, chị có thể chia sẻ điều ước của mình?

- Ước muốn gần nhất của tôi là hoàn thành nghiên cứu Tiến sĩ. Ước muốn xa hơn là tôi có thể đóng góp cho quê hương Việt Nam từ nghiên cứu của mình, và mang nghiên cứu của mình đi thật xa, tiếp cận với nhiều hơn các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

- Chúc chị thành công, hạnh phúc, cùng gia đình đón Tết an vui, vạn sự như ý!

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bong-hong-viet-chinh-phuc-nganh-hang-khong-vu-tru-post528566.antd