'Bữa tiệc' sắc màu của giới mỹ thuật 3 tỉnh

Những người lính không quân đến thưởng lãm các tác phẩm mỹ thuật trưng bày tại trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên. ẢNH: YÊN LAN

46 tác phẩm mỹ thuật của các họa sĩ Phú Yên, Bình Định và Đắk Lắk đang được giới thiệu với công chúng, mang dấu ấn văn hóa và đời sống của từng vùng đất.

Triển lãm Mỹ thuật giao lưu giữa 3 tỉnh: Phú Yên - Bình Định - Đắk Lắk đang diễn ra tại trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên (15 Độc Lập, TP Tuy Hòa). Triển lãm giới thiệu với công chúng 46 tác phẩm mỹ thuật mang dấu ấn văn hóa và đời sống của từng vùng đất. Các họa sĩ Đắk Lắk có 15 tác phẩm tham gia triển lãm, trong đó không ít bức tranh nồng nàn hơi thở Tây Nguyên như Những đứa con của rừng - tranh sơn dầu của Trần Tuấn, Chiều cao nguyên - tranh sơn mài của Ngô Tiến Sỹ hay Ngày hội bỏ mả - tác phẩm in gỗ của Trương Văn Linh… Đáng chú ý, bằng cách cẩn hạt cà phê, họa sĩ Trần Thị Đào có tác phẩm Chân dung Bác, tạo nên sự khác biệt trong cuộc hội ngộ sắc màu này.

Từ Bình Định, các họa sĩ đất võ trời văn mang đến triển lãm 10 tác phẩm, trong đó có bộ tranh acrylic Bốn mùa biển phố của Nguyễn Văn Cần, tranh khắc gỗ Mùa thay lá của Lê Thị Tuấn, tranh acrylic Tĩnh vật của Lê Trọng Nghĩa, tranh màu nước Hoa từ bi của Châu Nhi…

Triển lãm Mỹ thuật giao lưu do Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên đăng cai tổ chức; các họa sĩ Phú Yên tham gia sôi nổi với 21 tác phẩm, phong phú về đề tài và cách thể hiện. Đời sống ở miền núi được tái hiện qua tranh acrylic Nghề truyền thống của Võ Tĩnh, tranh sơn dầu Mừng tuổi trưởng thành của K’ Pá Tý, tranh sơn dầu Bên bờ suối của Nguyễn Thế Quang… Trung thành với đề tài quen thuộc nhưng vẫn không quên làm mới mình, họa sĩ Nguyễn Hưng Dũng có tranh sơn dầu Ngủ trưa tham gia triển lãm, còn đồng nghiệp trẻ Trương Quốc Mỹ “tạm xa” sơn dầu, chuyển sang acrylic với Chiều buông. Vợ anh, họa sĩ Thu Hồng, có Sóng chiều giông, cũng bằng acrylic. Các nữ họa sĩ khác ở Phú Yên cũng góp vào “bữa tiệc” này những sắc màu thú vị: Phan Thị Anh Thi có tranh sơn mài Tuổi thơ 7, Trần Thị Ngọc Hà có tranh acrylic Sơn nữ, Trương Thị Đạt có hai bức tranh sơn mài Cùng hướng và Tình bạn… Tại triển lãm này có 6 tác phẩm điêu khắc (5 điêu khắc gỗ và một điêu khắc đá), đều của các tác giả Phú Yên. Có thể kể đến Tuổi 20 của Nguyễn Duy Hùng, Vũ điệu đại dương của Lê Thăng Long, Mùa về của Bùi Văn Khôi, Tổ ấm của Nguyễn Thành Vinh…

Theo nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, 46 tác phẩm mỹ thuật với nhiều chất liệu, trường phái, phong cách khác nhau, điểm chung nhất là sự cống hiến tài năng, là đam mê sáng tạo nghệ thuật của các họa sĩ, nói lên niềm khát khao cái đẹp, hướng tới chân - thiện - mỹ. Họa sĩ An Quốc Bình, Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk nói: “Lần đầu tiên tôi tham gia triển lãm Mỹ thuật giao lưu giữa 3 tỉnh: Phú Yên - Bình Định - Đắk Lắk do Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên đăng cai. Thật sự đầy cảm xúc! Hầu hết các tác phẩm tham gia triển lãm có chất lượng tốt, xứng tầm khu vực. Đây là một bữa tiệc sắc màu. Tôi mong hoạt động này được duy trì, phát triển để anh em họa sĩ trong khu vực có cơ hội giao lưu, học hỏi, sáng tạo những tác phẩm có chất lượng cao, phục vụ công chúng yêu mỹ thuật”. Họa sĩ Nguyễn Hưng Dũng chia sẻ: “Triển lãm Mỹ thuật giao lưu giữa 3 tỉnh là dịp để anh em trong giới gặp gỡ, trao đổi, có thêm động lực sáng tác”.

Triển lãm Mỹ thuật giao lưu giữa 3 tỉnh: Phú Yên - Bình Định - Đắk Lắk khai mạc ngày 10/12 - Ngày truyền thống của giới mỹ thuật Việt Nam. Rất vui khi hội ngộ trong “bữa tiệc” sắc màu, các họa sĩ cảm ơn UBND tỉnh, Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên đã tổ chức một không gian trưng bày ấm cúng, nồng ấm tình anh em. Hoạt động này không chỉ tạo cơ hội cho các họa sĩ, nhà điêu khắc trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực sáng tác mà còn thắt chặt tình cảm gắn bó giữa 3 hội Văn học Nghệ thuật, 3 chi hội Mỹ thuật.

Triển lãm Mỹ thuật giao lưu giữa 3 tỉnh năm nay rất ưng ý; tác phẩm mang sắc thái, đặc trưng của 3 vùng đất. Có thể nói lần này chúng tôi triển khai nhanh nhưng kết quả rất đáng phấn khởi; đông đảo những người yêu mỹ thuật đã đến dự lễ khai mạc, thưởng lãm tác phẩm.

Nhà văn Trần Quốc Cưỡng,

Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên

HỌA SĨ VÕ TĨNH, CHI HỘI TRƯỞNG CHI HỘI MỸ THUẬT PHÚ YÊN: Học hỏi lẫn nhau qua tác phẩm

Anh chị em họa sĩ rất mong có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với đồng nghiệp ở các địa phương khác. Qua các tác phẩm, anh chị em họa sĩ học hỏi lẫn nhau, nâng cao khả năng sáng tạo. Thời gian qua, Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên rất quan tâm đến điều này nên tổ chức các hoạt động giao lưu, trong đó có triển lãm Mỹ thuật giao lưu giữa 3 tỉnh. Đây chính là sân chơi đáp ứng mong muốn của anh chị em, gắn kết các họa sĩ ở 3 địa phương.

HỌA SĨ TRẦN THANH LONG, CHI HỘI TRƯỞNG CHI HỘI MỸ THUẬT ĐẮK LẮK: Sự quan tâm, tạo điều kiện chính là nguồn động viên

Một phòng tranh như thế này rất thú vị, có nhiều điều để nói. Đó gần như là sự tổng kết một năm sáng tạo của các họa sĩ ở 3 tỉnh, là sự chắt chiu để công bố những tác phẩm đẹp nhất cho công chúng thưởng lãm mỹ thuật.

Chúng tôi nhận thấy thực tế là địa phương nào có sự quan tâm của lãnh đạo thì chắc chắn các hoạt động nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng ở đó sẽ khởi sắc. Sự quan tâm và tạo điều kiện chính là nguồn động viên để anh em họa sĩ có thêm động lực sáng tạo tác phẩm.

Về các họa sĩ, đã làm nghề thì phải đam mê, tâm huyết với nghề, nếu không sẽ không có những tác phẩm đẹp.

HỌA SĨ LÊ TRỌNG NGHĨA, CHI HỘI TRƯỞNG CHI HỘI MỸ THUẬT BÌNH ĐỊNH: Cần có sự “tiếp lửa” từ nhiều nguồn

Để khơi dậy phong trào sáng tác mỹ thuật, theo tôi cần nhiều yếu tố. Thứ nhất, bản thân từng họa sĩ phải nỗ lực rất nhiều. Cho dù Hội Văn học Nghệ thuật có cố gắng tạo điều kiện thế nào nhưng nếu các họa sĩ không cố gắng thì cũng không mang lại kết quả. Và khi các họa sĩ đã nỗ lực, nếu có sự ủng hộ, tạo điều kiện từ phía lãnh đạo thì anh em sẽ có thêm động lực.

Đời sống của anh em họa sĩ ở những tỉnh xa các trung tâm kinh tế - văn hóa nhìn chung còn khó khăn. Lãnh đạo không có sự động viên kịp thời thì anh em cũng không có “lửa”. Theo tôi, khi anh em họa sĩ hưng phấn sáng tạo nghệ thuật, cần có sự “tiếp lửa” từ nhiều nguồn, như vậy đời sống mỹ thuật sẽ có nhiều khởi sắc.

NAM PHƯƠNG (ghi)

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/232671/-bua-tiec--sac-mau-cua-gioi-my-thuat-3-tinh.html