Bước chuyển của ngành công thương Lào Cai

Đến nay, lĩnh vực công nghiệp, thương mại tiếp tục khẳng định là điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, với việc đóng góp khoảng 48% GRDP của địa phương.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh

Trước đây, sản xuất công nghiệp của Lào Cai chủ yếu tập trung vào hoạt động khai thác, chế biến quặng apatit do Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam đảm nhận, nhưng hiện nay, với sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài, cơ cấu ngành công nghiệp đang có sự dịch chuyển đúng định hướng. Đó là giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành công nghiệp điện, nước.

Hiện nay, công nghiệp của Lào Cai đã mở rộng sản xuất trên nhiều ngành mới, như luyện kim, sản xuất phân bón, hóa chất, vật liệu xây dựng, thủy điện, chế biến nông - lâm sản và công nghiệp phụ trợ. Ngành khai thác khoáng sản, ngoài việc khai thác ổn định nguồn quặng apatit, còn tập trung khai thác quặng đồng, quặng sắt, vàng, cao lanh, manhêtit, fenspat nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và phục vụ chiến lược chế biến sâu nguồn khoáng sản trên địa bàn.

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Luyện đồng Lào Cai.

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Luyện đồng Lào Cai.

Chế biến, chế tạo với 2 phân ngành chính là luyện kim (đồng, gang thép) và sản xuất phân bón, hóa chất luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định. Các sản phẩm của công nghiệp luyện kim có thị trường tiêu thụ tốt, giá bán ở mức cao, bên cạnh sản xuất thép, phôi thép trong nước được hưởng lợi do một số sản phẩm thép tiếp tục được duy trì áp dụng biện pháp tự vệ; sản xuất đồng duy trì ổn định, các nhà máy đều hoạt động vượt công suất. Hoạt động sản xuất phân bón, hóa chất chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành.

Cùng với sự phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo thì công nghiệp sản xuất và phân phối điện đang có sự tăng trưởng. Toàn tỉnh có 51 dự án thủy điện đã hoàn thành với tổng công suất lắp máy 869,9MW, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Đỗ Trường Giang, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Sản xuất công nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, với giá trị năm 2018 đạt hơn 29.000 tỷ đồng, tăng 16,7% so với năm 2017. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 26%; công nghiệp điện, nước tăng 13%; công nghiệp khai thác giảm 12%. Trong 6 tháng đầu năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 15.255 tỷ đồng, đạt 46,9% kế hoạch, tăng 22,2% so với cùng kỳ.

Mục tiêu đặt ra năm 2019 với giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 32.500 tỷ đồng là hoàn toàn khả thi, bởi nhiều dự án công nghiệp trọng điểm của tỉnh đến nay đã đi vào hoạt động ổn định. Điển hình là Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung từ hoạt động sản xuất, kinh doanh thua lỗ sang có lãi; Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón DAP của Công ty Cổ phẩn DAP số 2 - Vinachem đi vào hoạt động ổn định, từng bước giảm lỗ; Nhà máy phân lân nung chảy công suất 200.000 tấn/năm hoàn thành đi vào hoạt động; Dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy Luyện đồng Lào Cai (công suất 20.000 tấn đồng ka tốt/năm) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công...

Hoạt động xuất - nhập khẩu ổn định

Điểm nhấn đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành công thương Lào Cai là hoạt động xuất - nhập khẩu của tỉnh có sự phát triển mạnh. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã chủ động tìm kiếm thị trường, khai thác lợi thế của địa phương để nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị hàng hóa xuất - nhập khẩu. Cũng nhờ phát huy lợi thế kinh tế cửa khẩu, vai trò là “cầu nối” giữa các địa phương trong cả nước với thị trường Tây Nam Trung Quốc rộng lớn, đồng thời chú trọng phát triển nhiều loại hình dịch vụ hiện đại phục vụ hoạt động xuất - nhập khẩu như logistics, giám định hàng hóa, kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa, tạm nhập - tái xuất… đã góp phần đưa tổng giá trị hàng hóa xuất - nhập khẩu qua địa bàn tỉnh năm 2018 đạt 3 tỷ USD, tăng 13,89% so với năm 2017. Tổng giá trị hàng hóa xuất - nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 1,5 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản, quặng sắt, photpho vàng, giày dép… Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là than cốc, máy móc, hóa chất, phân bón...

Vận hành dây chuyền tuyển đồng tại Nhà máy Tuyển đồng Sin Quyền (Bát Xát).

Vận hành dây chuyền tuyển đồng tại Nhà máy Tuyển đồng Sin Quyền (Bát Xát).

Tín hiệu vui cho phát triển kinh tế cửa khẩu của Lào Cai là mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1627 ngày 23/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ).

Theo quy hoạch phê duyệt, Khu Kinh tế Cửa khẩu Lào Cai có tổng diện tích khoảng 15.929,8 ha, với quy mô dân số khoảng 90.000 người, trong đó lao động khoảng 45.000 người. Mục tiêu quy hoạch hướng đến là xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai thành một vùng kinh tế động lực chủ đạo của tỉnh; phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại và dịch vụ có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và kinh tế - xã hội đồng bộ, đáp ứng một khu kinh tế năng động, phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cư dân vùng biên giới trên cơ sở bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, gắn với củng cố quốc phòng - an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Thị trường nội địa phát triển, hàng hóa phong phú, đa dạng, giá cả ổn định, với tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2018 đạt 23.237,7 tỷ đồng, tăng 13,5% so cùng kỳ năm 2017 và 6 tháng năm 2019 đạt 11.798 tỷ đồng, tăng 12,9% so cùng kỳ.

Theo ông Đỗ Trường Giang, thì ngành công nghiệp Lào Cai đang có nhiều thuận lợi, nhưng thách thức phía trước cũng không nhỏ, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp, đơn vị sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất - nhập khẩu phải nỗ lực hơn nữa trong kết nối thị trường, đầu tư máy móc, chế biến chuyên sâu, nâng cao giá trị sản phẩm. Ngành công thương sẽ luôn đồng hành với doanh nghiệp, chủ động tham mưu cho tỉnh những cơ chế, chính sách, giúp doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quản trị hiệu quả và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa lĩnh vực công thương phát triển đúng định hướng.

Viết Vinh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/buoc-chuyen-cua-nganh-cong-thuong-lao-cai-z3n20190816084750766.htm