Bước lùi của Ukraine tại một trong những thời điểm nguy hiểm nhất

Việc Mỹ dừng hỗ trợ các hệ thống phòng không và các vũ khí khác cho Ukraine có thể trở thành bước lùi đáng kể với các lực lượng của Kiev tại một trong những thời điểm nguy hiểm nhất của cuộc xung đột.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), dẫn nguồn từ các báo cáo truyền thông phương Tây, cho biết việc Mỹ tạm ngừng viện trợ cho Ukraine sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung các tên lửa đánh chặn PAC-3 dùng cho hệ thống phòng không Patriot, tên lửa phòng không vác vai Stinger, đạn pháo 155mm nổ mạnh và tên lửa không đối đất Hellfire. Việc cung cấp tên lửa dẫn đường phóng loạt (GMLRS), súng phóng lựu và tên lửa không đối không AIM cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Xung đột ở Ukraine. Ảnh: Reuters

Xung đột ở Ukraine. Ảnh: Reuters

Theo ISW, giống như các đợt tạm ngừng viện trợ trước đây, Nga nhiều khả năng sẽ tận dụng khoảng trống này để thúc đẩy các bước tiến trên chiến trường. Điều này từng xảy ra gần Avdiivka thuộc Donetsk vào giữa tháng 1/2024 và ở khu vực Kursk sau khi Mỹ tạm dừng chia sẻ tình báo cho Ukraine vào đầu tháng 3/2025.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 2/7 đã hoan nghênh động thái của Mỹ, cho rằng việc Ukraine nhận ít vũ khí hơn sẽ khiến xung đột kết thúc sớm hơn.

Những vũ khí mà Mỹ tạm dừng viện trợ vốn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng thủ của Ukraine trước các cuộc tấn công dữ dội của Nga trong giai đoạn then chốt của cuộc xung đột, hiện đã bước sang năm thứ tư.

“Quyết định này được đưa ra nhằm đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu, sau khi Bộ Quốc phòng tiến hành rà soát hỗ trợ quân sự của chúng tôi đối với các nước trên toàn cầu", Người phát ngôn Nhà Trắng Anna Kelly cho biết.

Cơn ác mộng của Ukraine

“Đây không phải là tin tốt cho Ukraine", Tiến sĩ Marina Miron, nhà nghiên cứu tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh thuộc Cao đẳng Hoàng gia London nhận định. Bà cho rằng động thái tạm dừng hỗ trợ này của Mỹ có thể tạo thêm lợi thế cho Nga, bởi “hiện tại Nga đang chiếm ưu thế cả về mặt quân sự trên chiến trường lẫn trong các cuộc tấn công tầm xa”.

"Đây quả là một cơn ác mộng khi bạn được hứa hẹn điều gì đó mà bạn đã lên kế hoạch cho việc phân bổ nguồn lực, dự tính đơn vị nào sẽ nhận được gì, rồi mọi thứ bị trì hoãn hoặc thậm chí không thành hiện thực", bà Miron nói.

Theo bà: “Điều này tạo ra áp lực rất lớn. Tôi cho rằng chính sự bất định đó có thể là một trong những gánh nặng chiến lược quân sự lớn nhất đối với các nhà hoạch định của Ukraine”.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang bước vào một giai đoạn khốc liệt mới của cuộc xung đột. Vào cuối tuần qua, Nga đã tiến hành cuộc không kích lớn nhất kể từ khi xung đột nổ ra với 477 máy bay không người lái và mồi nhử cùng 60 tên lửa. Tháng trước, Nga cũng đã triển khai số lượng kỷ lục, lên tới 5.337 UAV Shahed tấn công Ukraine.

Truyền thông nhà nước Nga tuyên bố quân đội nước này đã chiếm được ngôi làng đầu tiên tại tỉnh Dnipropetrovsk - một khu vực mà trước đây Ukraine chưa từng phải phòng thủ trước các lực lượng của Moscow. Dù vậy, Kiev đã bác bỏ tuyên bố này.

Quân đội Nga cũng đang dần áp sát Pokrovsk – trung tâm hậu cần quan trọng ở Donetsk, miền Đông Ukraine. Nếu chiếm được nơi này, Nga sẽ giành được thắng lợi lớn trên chiến trường và tiến gần hơn đến việc kiểm soát hoàn toàn vùng Donetsk.

Việc Mỹ tạm dừng hỗ trợ vũ khí diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng vũ khí phòng không, khi nguồn dự trữ cạn dần trong lúc Nga tăng cường không kích.

Tiến sĩ Miron nhận định, việc Ukraine có ít hệ thống phòng không và đạn dược dẫn đường hơn “sẽ khiến nhiệm vụ của Kiev càng trở nên phức tạp, nhất là trong bối cảnh nước này cũng đang chịu tổn thất lớn về nhân lực”. Theo chuyên gia này: “Giờ đây, tất cả phụ thuộc vào việc Nga muốn tiến xa đến đâu".

Động thái tạm dừng một số lô vũ khí gửi tới Ukraine được đưa ra sau lời kêu gọi khẩn thiết của Tổng thống Zelensky tới các đồng minh phương Tây nhằm tăng cường hỗ trợ phòng không. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Miron, điều này vẫn phụ thuộc vào bối cảnh chính trị tại từng quốc gia.

Tương lai bấp bênh

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, Mỹ là bên viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine với các hệ thống phòng không, máy bay không người lái, bệ phóng tên lửa, radar và nhiều loại vũ khí, đạn dược khác.

Tuy nhiên, việc ông Donald Trump quay trở lại nắm quyền đã làm gia tăng mức độ bất định về tương lai hỗ trợ của Mỹ cho Kiev. Cuộc trao đổi căng thẳng giữa ông Trump và ông Zelensky tại Phòng Bầu dục từng khiến việc chuyển giao vũ khí bị tạm dừng hoàn toàn, trước khi được nối lại khoảng một tuần sau đó sau khi hai nhà lãnh đạo giải quyết bất đồng.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở The Hague tuần trước, ông Trump nói với một nhà báo Ukraine rằng ông sẽ tìm cách chuyển thêm hệ thống tên lửa Patriot cho Kyiv. Các hệ thống Patriot là một trong những công nghệ phòng không tiên tiến nhất, đặc biệt hiệu quả trước các mối đe dọa từ tên lửa siêu thanh và tên lửa đạn đạo. Ukraine hiện vận hành khoảng 6 tổ hợp Patriot do Mỹ sản xuất nhưng Kiev đang đối mặt nguy cơ cạn kiệt tên lửa để vận hành các hệ thống này.

Vào tháng 4, châu Âu lần đầu tiên vượt Mỹ về tổng giá trị viện trợ quân sự cho Ukraine, với mức đóng góp 72 tỷ euro, so với 65 tỷ euro từ phía Mỹ, theo dữ liệu từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel.

Dù vậy, Tiến sĩ Miron cho rằng việc Mỹ ngừng chuyển giao vũ khí phòng không “không phải là tín hiệu tích cực, cả về mặt quân sự lẫn chính trị”.

“Tôi đã chứng kiến điều này nhiều lần ở ông Trump. Ông ấy công khai tỏ ra giận dữ với ông Zelensky nhưng lại hành động hoàn toàn trái ngược với những gì người ta mong đợi, hoặc ông ấy chỉ trích ông Putin, nhưng rồi lại làm điều gì đó mang lại lợi thế cho Nga. Tôi nghĩ đây là điều chúng ta cần ghi nhớ”, chuyên gia này đánh giá.

Mối lo ngại của Mỹ

Mặc dù số liệu cụ thể về kho dự trữ của Mỹ không được công bố, nhưng lập luận về tình trạng khan hiếm “không hẳn là vô lý”, Tiến sĩ Sidharth Kaushal, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) có trụ sử ở London, cho hay.

Ông cho biết, kho dự trữ của Mỹ “không ở mức báo động nghiêm trọng” do Washington đã bổ sung thành công nguồn cung, đặc biệt là hệ thống Patriot, thông qua các chương trình thu mua lại và chuyển hướng các lô hàng vốn dành cho xuất khẩu, thay vì rút từ kho dự trữ của mình.

“Nhịp độ sản xuất hệ thống Patriot đã đạt mức cao kỷ lục trong năm 2024, tăng 30% so với năm 2023", ông Kaushal cho hay. Theo ông: “Tuy nhiên, lập luận về sự khan hiếm không phải là không có cơ sở. Nó phản ánh thực tế rằng nhu cầu đối với hệ thống Patriot, đặc biệt ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang gia tăng đáng kể".

“Do đó, tình trạng khan hiếm này mang tính tương đối chứ không tuyệt đối và chủ yếu là do nhu cầu tăng lên chứ không phải vì nguồn cung giảm", chuyên gia Kaushal đánh giá.

Tiến sĩ Kaushal cũng cho biết, việc điều chuyển hệ thống Patriot ban đầu “đã làm ảnh hưởng đến các đối tác xuất khẩu, bao gồm một số quốc gia Trung Đông và có thể Mỹ đang phải đối mặt với các nghĩa vụ hợp đồng, thậm chí là sức ép chính trị".

Bên cạnh đó, quyết định của Mỹ có thể là một cách gây sức ép buộc các quốc gia châu Âu tăng cường hỗ trợ cho Ukraine “bởi đây không chỉ là vấn đề của riêng Ukraine” mà “còn là một vấn đề rộng lớn hơn trong quan hệ giữa Mỹ và châu Âu, đặc biệt liên quan đến Ukraine và cả Israel", Tiến sĩ Miron cho hay.

Ông Trump đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh châu Âu đóng vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ Ukraine, đồng thời tăng cường năng lực quốc phòng của chính họ.

Kiều Anh/VOV.VN Theo: The Paper, Newsweek

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/buoc-lui-cua-ukraine-tai-mot-trong-nhung-thoi-diem-nguy-hiem-nhat-post1212422.vov