Bưởi tốt cho người bị tiểu đường nhưng ăn khi nào mới đúng?

Bưởi không chỉ giàu chất xơ hòa tan mà còn kích thích sự ngon miệng và có tác dụng đốt chất béo, giảm cân, ngăn ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường.

Bưởi không chỉ dễ ăn, có vị ngọt mát với tính thanh nhiệt và có chứa nhiều thành phần rất có lợi cho sức khỏe con người. Bưởi còn giúp bạn có được làn da đẹp và có tác dụng bổ dưỡng cơ thể, phòng và chữa một số bệnh như cao huyết áp, đau dạ dày, đái tháo đường… Bưởi là một trong những trái cây chứa lượng vitamin C và vitamin A dồi dào, và chứa rất ít calories làm tăng sức đề kháng cho cơ thể. Chỉ cần 1/2 trái bưởi bạn đã có đủ 78% nhu cầu vitamin C hàng ngày cho cơ thể.

Theo Đông y, quả bưởi được gọi là hựu thực, có vị chua, tính hàn, không độc, tác dụng làm tinh thần thư thái, giải nhiệt, giải độc rượu, bồi bổ cơ thể, chữa được chứng có thai nôn mửa, biếng ăn, ăn không tiêu, đau bụng. Bưởi rất có ích cho những người bị mỡ trong máu tăng, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, béo phì.

Bưởi tốt cho người bị tiểu đường nhưng ăn khi nào mới đúng

Bưởi tốt cho người bị tiểu đường nhưng ăn khi nào mới đúng

Theo y học hiện đại, nước bưởi có thành phần tựa như insulin, giúp hạ đường huyết, có tác dụng hỗ trợ đối với bệnh nhân đái tháo đường, cao huyết áp. Vỏ chứa tinh dầu giúp kháng viêm, làm giãn mạch. Kiểm chứng thực tế cho thấy ăn bưởi đều đặn sẽ giúp giảm cân và phòng chống được đái tháo đường.

Theo Bác sĩ CKII Bùi Hồng Thanh -Chuyên gia tư vấn sức khỏe Nutricare: Người tiểu đường có thể ăn được bưởi. Chỉ số GI của bưởi ở mức thấp vào khoảng 30. Bên cạnh đó, 100g bưởi chỉ chứa chưa đến 10g carb. Đây là các mức chỉ số thấp và an toàn cho bệnh nhân bị tiểu đường. Đây là loại trái cây không chỉ an toàn mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho người bệnh tiểu đường.

Trong bưởi còn chứa thành phần có khả năng chuyển hóa glucose thành năng lượng giống cơ chế hoạt động của insulin, giúp giảm đường huyết cho người bệnh. Bưởi cũng chứa lượng lớn chất xơ hòa tan, rất hữu ích trong việc hạn chế lượng đường hấp thu vào cơ thể, giúp duy trì đường huyết ở mức ổn định.

Trong tinh dầu chiết xuất từ vỏ bưởi chứa một lượng lớn các phytochemical như: naringin, limonene… Đây là các hoạt chất chống oxy hóa tự nhiên có tác dụng kháng viêm, chống lại biến chứng tiểu đường.

Hàm lượng cao các vitamin, đặc biệt là vitamin C trong bưởi rất hữu ích trong quan việc tăng cường và duy trì sự bền vững của thành mạch máu, hạn chế cao huyết áp ở người bị tiểu đường. Ngoài ra, trong thành phần của bưởi còn có kali – đóng vai trò quan trọng trong hạn chế hình thành cục máu đông, giảm thiểu nguy cơ biến chứng tim mạch ở người bị bệnh tiểu đường.

Bưởi cũng mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe như: làm đẹp da, cải thiện hệ tiêu hóa, giúp xương khớp chắc khỏe, giảm nguy cơ sỏi thận, cung cấp năng lượng giảm cảm giác mệt mỏi…

Cũng theo BS Bùi Hồng Thanh, những bệnh nhân đang uống các loại thuốc như: thuốc benzodiazepine giải lo âu, thuốc chống tăng huyết áp hoặc sử dụng nhóm thuốc statin để hạ mỡ máu… không nên sử dụng bưởi cùng lúc, nên ăn bưởi sau khi uống thuốc tối thiểu 2 tiếng đồng hồ.

Người bệnh tiểu đường đang bị dạ dày, suy thận, suy tim, động kinh… tuyệt đối không nên ăn bưởi trong quá trình sử dụng thuốc điều trị bệnh. Bởi lẽ một số chất trong bưởi có thể tương tác với các thành phần của thuốc, gây tổn thương cho gan và cơ, nguy hiểm hơn là có thể dẫn đến suy thận.

Ngoài ra, nhiều hoạt chất trong bưởi gây cản trở quá trình hoạt động của enzyme CYP3A4 – enzyme quan trọng trong việc chuyển hóa các thành phần của thuốc tại ruột non. Điều này khiến cho nhiều loại thuốc sau khi vào cơ thể không được chuyển hóa mà bị hấp thụ thẳng vào máu, làm gia tăng tác dụng phụ và giảm hiệu quả điều trị của thuốc, lâu dài có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.

Người bị bệnh tiểu đường có thể ăn bưởi hàng ngày. Tuy nhiên, mỗi lần chỉ nên ăn từ 100 – 200gr tương đương 2 – 3 múi và không nên ăn nhiều. Nếu ăn quá nhiều bưởi có thể khiến tình trạng bệnh ở người bị tiểu đường trở nên trầm trọng hơn.

Bạn không nên ăn bưởi sát giờ cơm mà nên cách xa từ 2, 3 tiếng, tránh làm đường huyết gia tăng đột ngột, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, người bệnh sử dụng thuốc statin không nên ăn bưởi sát thời điểm dùng thuốc để tránh những tác dụng phụ như tiêu cơ vân, gây độc cho thận và gan. Đồng thời, nên uống thuốc cách thời điểm ăn bưởi sau ít nhất 2 tiếng để không làm tăng độc tính hoặc hoạt tính của thuốc.

Tùy vào thể trạng của từng người mà tần suất và thời gian ăn bưởi có thể thay đổi. Để yên tâm hơn, bệnh nhân bị tiểu đường cần trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi thêm loại trái cây này vào chế độ ăn uống thường ngày.

* Thông tin mang tính tham khảo!

Ngọc Ngân

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/buoi-tot-cho-nguoi-bi-tieu-duong-nhung-an-khi-nao-moi-dung-326436.html