Cả 'gia tài' bị hủy vì dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi ở Tuyên Quang mất ăn mất ngủ 'gánh' thêm nhiều khoản nợ
Tại xã Tân Mỹ (tỉnh Tuyên Quang), dịch tả lợn châu Phi khiến nhiều hộ gia đình rơi cảnh trắng tay và gồng gánh thêm nhiều khoản nợ do đầu tư ban đầu.
Ngày 24/7, chia sẻ với phóng viên Chuyên trang Gia đình và Xã hội, bà H.T.T (thôn Ngầu 2, xã Tân Mỹ, tỉnh Tuyên Quang) không ngăn được nước mắt khi nhìn lại hình ảnh tiêu hủy đàn lợn gần 70 con bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Bà T cho biết, hơn một tuần nay, rất nhiều hộ chăn nuôi tại xã Tân Mỹ cũng buộc phải tiêu hủy lợn bệnh do nhiễm virus dịch tả châu Phi. Có những gia đình chỉ nuôi vài con thì thiệt hại không đáng kể nhưng đàn lợn hàng chục con như gia đình bà T, thiệt hại không thể đong đếm.
Không chỉ gánh trên vai khoản nợ đầu tư con giống, xây dựng chuồng trại, thức ăn chăn nuôi…giờ đây, bà T chưa biết sẽ xoay chuyển ra sao với khoản nợ gần 500 triệu đồng đầu tư mở đại lý thức ăn chăn nuôi, do "gia tài" của khách hàng bà T cũng đã nhiễm dịch tả lợn châu Phi.

Nhìn lại hình ảnh tiêu hủy đàn lợn gần 70 con bị nhiễm dịch tả châu Phi, bà H.T.T (ở thôn Ngầu 2, xã Tân Mỹ, Tuyên Quang) không ngăn được nước mắt. Ảnh: NVCC
Bà T cho biết: "Những hộ chăn nuôi trong khu vực đều là hàng xóm, ra cửa là giáp mặt nhau nên hầu hết, người dân ở đây đều đến chỗ tôi để nhập thức ăn chăn nuôi. Cũng vì hàng xóm và cũng vì đàn lợn là tài sản, nên tôi sẽ thu hồi gốc lãi thức ăn chăn nuôi khi người dân xuất đàn".
Cũng theo bà T, ở vùng quê, việc cho người dân nợ tiền cám để chăn nuôi vừa là cách giữ chân khách hàng, vừa tạo điều kiện để những gia đình khó khăn khác có động lực phát triển chăn nuôi.
Thế nhưng, giờ đây, khi đàn lợn của khách hàng bà T buộc tiêu hủy vì dịch, khoản chi phí cho phân phối, bán thức ăn chăn nuôi cũng chưa biết khi nào sẽ có thể thu hồi để xoay vòng vợ ngân hàng.
Bởi vậy, bà T mong mỏi chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ người dân tiêu thụ tại những khu vực chưa có dịch.
"Để càng lâu thì dịch càng đến gần mà thiệt hại với người nông dân, không có nguồn thu nhập khác nào có thể bù trừ được", bà T cho hay.


Tại xã Tân Mỹ (tỉnh Tuyên Quang), dịch tả lợn châu Phi khiến nhiều hộ gia đình rơi cảnh trắng tay và gồng gánh thêm nhiều khoản nợ do đầu tư ban đầu. Ảnh: NVCC
Cùng ngày, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tuyên Quang, tính đến ngày 24/7, trên địa bàn tỉnh đã có 45 xã ghi nhận và công bố xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn buộc tiêu hủy vì dịch lên đến 7.700 con (tương đương khoảng 430 tấn).
Trong đó, nhiều nhất là khu vực II của tỉnh với 10 xã có ổ dịch, gồm các xã: Trung Hà, Chiêm Hóa, Hùng Đức, Kim Bình, Kiên Đài, Tân Mỹ, Hòa An, Tân An, Hàm Yên, Yên Nguyên; tiếp đến là các xã khu vực VIII với 8 xã, khu vực VII với 6 xã…
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh này đề nghị các địa phương, các trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản các khu vực, trạm Kiểm dịch động vật huy động tối đa lực lượng, phân công cán bộ thường trực để ứng phó, xử lý ổ dịch kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lan rộng.
Đặc biệt, các hộ gia đình, trạng trại chăn nuôi thực hiện nghiêm yêu cầu "5 không" trong phòng, chống dịch, gồm: Không giấu dịch; không buôn, bán vận chuyển lợn ốm, chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn ốm; không sử dụng thức ăn thừa trong chăn nuôi và không vứt xác lợn chết ra môi trường.
̂ ̂́ ố đ ̣̂ ̣ đ ̛ ̛̀ ̂ ́ ̣ ̣ ̂ ́ ̂́ ̣ ̉ ̛̣ ̂
Nhằm khẩn trương, quyết liệt ngăn chặn dịch lan rộng, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tuyên Quang công bố 4 số điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ các địa phương và người chăn nuôi: 0915160311; 0986206071; 0975486355; 0917682332.
Sở này cho biết, các địa phương đã cấp phát 1.031 lít hóa chất và 18.352 kg vôi bột hỗ trợ các hộ chăn nuôi xử lý tiêu hủy và phun tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi tại hộ có dịch và các hộ xung quanh.
Thời tiết nóng ẩm, khiến nguy cơ dịch phát tán nhanh, UBND tỉnh yêu cầu: Các địa phương thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, khống chế, khoanh vùng dịch bệnh.