Ca nhiễm mới thế giới vọt trên 1,1 triệu, 6.000 ca tử vong/ngày

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 29/12 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 283.082.133 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.429.777 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua tăng vọt lên 1.142.366 và 6.053 ca tử vong mới.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại British Columbia, Canada, ngày 18/12/2021.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 251.727.055 người, 25.909.037 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 88.979 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 270.188 ca; Pháp đứng thứ hai với 179.807 ca; tiếp theo là Anh (129.471 ca). Mỹ cũng đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.511 người chết trong ngày; tiếp theo là Nga (935 ca) và Ba Lan (549 ca tử vong).

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 54.098.854 người, trong đó có 841.698 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.808.067 ca nhiễm, bao gồm 480.320 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 22.254.706 ca bệnh và 618.705 ca tử vong.

Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 84,3 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với 84,88 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận gần 64,2 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 39,56 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 9,62 triệu ca và châu Đại Dương trên 485.000 ca nhiễm.

WHO cảnh báo nguy cơ hệ thống y tế bị quá tải do biến thể Omicron

Ngày 28/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng biến thể Omicron có thể khiến hệ thống y tế bị quá tải cho dù những nghiên cứu trước đây cho rằng biến thể mới này có thể gây ra các ca mắc COVID-19 ở thể nhẹ hơn.

WHO đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng do biến thể Omicron.

Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm đi lại với 8 quốc gia Nam Phi

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 28/12 thông báo dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh lần đầu tiên được áp dụng đối với 8 quốc gia miền Nam châu Phi sau khi khu vực này xuất hiện biến thể Omicron của virus SARS-COV-2. Quyết định này sẽ có hiệu lực vào lúc 12h01 sáng 31/12 theo giờ bờ Đông của Mỹ.

Nga chuẩn bị ứng phó với diễn biến xấu sau kỳ nghỉ Năm mới

Cục trưởng Cục Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người LB Nga – Rospotrebnadzor, bà Anna Popova ngày 28/12 cảnh báo sau kỳ nghỉ Năm mới, tình hình đại dịch COVID-19 ở Nga có thể xấu đi và điều này đòi hỏi sự chuẩn bị sẵn sàng ở tất cả các cấp của hệ thống y tế.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính sáng 29/12 theo giờ Hà Nội, tổng số ca mắc COVID-19 tại Nga là 10.437.152, trong đó có 306.090 trường hợp tử vong.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Arlington, Virginia, Mỹ, ngày 22/12/2021.

Israel cảnh báo sắp xảy ra đợt lây nhiễm“chưa từng có”

Thủ tướng Israel Naftali Bennett ngày 28/12 cảnh báo quốc gia Trung Đông này đang tiến gần tới một làn sóng lây nhiễm COVID-19 “chưa từng có” do biến thể Omicron gây ra.

Theo thông báo của Bộ Y tế Israel, số ca mắc mới COVID-19 ngày 27/12 đã vượt 2.000 ca và biến thể Omicron chiếm 50% tổng số ca mắc COVID-19 đang điều trị tại nước này.

Cùng ngày, Bộ Y tế Israel thông báo nước này sẽ dỡ bỏ lệnh cấm đi lại đối với 55 quốc gia. Theo bộ trên, quyết định nới lỏng này, cần được nội các và một ủy ban của quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực vào ngày 30/12.

Đức mua 1 triệu liệu trình thuốc Paxlovid điều trị COVID-19

Phát biểu trước báo giới ngày 28/12, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cho biết, chính phủ nước này đã quyết định mua 1 triệu liệu trình thuốc Paxlovid từ hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Theo Bộ trưởng Karl Lauterbach, Paxlovid rất được kỳ vọng vì khi được sử dụng sớm, thuốc này có thể làm giảm các biến chứng nghiêm trọng do virus gây ra. Với loại thuốc này, Bộ Y tế Đức hy vọng sẽ có thể ngăn ngừa nhiều ca bệnh nặng do COVID-19. Theo kế hoạch, trong tháng 1/2022, Đức sẽ tiếp nhận những lô thuốc đầu tiên. Theo Bộ trưởng Lauterbach, để Paxlovid có thể được sử dụng tại Đức ngay khi nhận được, ông đã đề xuất thủ tục phê duyệt khẩn cấp.

Pháp thưởng thêm hàng tháng cho các y tá khoa chăm sóc tích cực

Cùng ngày, Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết, kể từ tháng 1/2022, nước này sẽ thưởng 100 euro (hơn 110 USD) mỗi tháng cho các y tá làm việc tại các khoa chăm sóc tích cực (ICU) trong bệnh viện trong nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc cho đội ngũ nhân viên y tế vốn đã kiệt sức trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19.

Nhân viên y tế sắp xếp các mẫu xét nghiệm COVID-19 tại phòng thí nghiệm ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, ngày 27/12/2021.

Số ca mắc COVID-19 tại Pháp tăng cao kỷ lục do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron, gây thêm áp lực cho các khoa chăm sóc tích cực tại các bệnh viện công của nước này.

Nhật Bản xem xét tiêm mũi tăng cường cho toàn dân

Ngày 28/12, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố chính phủ nước này sẽ cân nhắc việc tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho người dân "nhiều nhất có thể" do lo ngại về biến thể Omicron.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Tokyo, Nhật Bản ngày 30/10/2021.

Mặc dù Nhật Bản vẫn chưa ghi nhận số ca nhiễm biến thể Omicron tăng lên, song chính phủ nước này vẫn đang cảnh giác cao độ, khi cấm khách nước ngoài nhập cảnh, tiến hành xét nghiệm PCR miễn phí và xét nghiệm kháng thể tại một số khu vực như thủ đô Tokyo, nơi đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể mới trong cộng đồng.

Ấn Độ cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc viên Molnupiravir và 2 loại vaccine

Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc viên Molnupiravir của hãng dược Merck để điều trị bệnh COVID-19 cùng 2 loại vaccine Covovax và Corbevax lần lượt của Viện Serum và hãng Biological E.

Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya cho biết 13 công ty của nước này được cấp phép sản xuất thuốc viên Molnupiravir dùng trong điều trị người trưởng thành mắc COVID-19. Trước đó, truyền thông Ấn Độ đưa tin một ủy ban chuyên gia, thuộc Cơ quan giám sát tiêu chuẩn thuốc trung ương, đã khuyến nghị cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với thuốc Molnupiravir cùng các loại vaccine Covovax và Corbevax.

Hiện Ấn Độ cũng đang nỗ lực tăng nguồn cung ôxy và cơ sở vật chất y tế để kiểm soát làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Ấn Độ đã tiêm được 1,43 tỷ liều vaccine phòng COVID-19, với hơn 839 triệu người trưởng thành đã được tiêm ít nhất 1 mũi. Nước này dự định bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho các nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu từ ngày 10/1/2022 và mở rộng chiến dịch tiêm phòng ra độ tuổi từ 15-18 từ ngày 3/1./.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ca-nhiem-moi-the-gioi-vot-tren-11-trieu-6000-ca-tu-vongngay-97993.html