Các chuyên gia khu vực: Việt Nam đang là hình mẫu về đối ngoại trong ASEAN

Các chuyên gia trong và ngoài khu vực đều tin tưởng vào vai trò và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trong ASEAN, là hình mẫu về chính sách để các quốc gia cùng học hỏi.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN nhân dịp thăm Ban Thư ký ASEAN tại Jakarta, Indonesia ngày 10/3. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN nhân dịp thăm Ban Thư ký ASEAN tại Jakarta, Indonesia ngày 10/3. (Ảnh: Tuấn Anh)

Sự trưởng thành vượt bậc

Chia sẻ với báo chí nhân dịp kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, bà Hoàng Thị Hà, chuyên gia cao cấp và đồng điều phối Chương trình Nghiên cứu Chính trị - Chiến lược khu vực của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để nâng cao vai trò là một thành viên ngày càng tích cực, chủ động, có trách nhiệm với năng lực tốt hơn và nguồn lực lớn hơn để đóng góp vào sự phát triển lâu dài của ASEAN.

Theo bà Hoàng Thị Hà, tiềm năng này không chỉ bắt nguồn từ nền tảng vững chắc là sự trưởng thành và phát triển vượt bậc của đất nước trong hơn ba thập kỷ qua, mà còn gắn bó chặt chẽ với những cải cách toàn diện mà Việt Nam đang theo đuổi hiện nay. Bà khẳng định những đóng góp của Việt Nam đối với ASEAN trong 30 năm qua là vô cùng ý nghĩa và Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc, có sự chuyển biến và phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong tổ chức khu vực này.

Đánh giá về đóng góp nổi bật của Việt Nam, bà Hoàng Thị Hà cho rằng đó chính là sự trưởng thành và vươn lên vượt bậc của đất nước từ một xuất phát điểm rất thấp khi gia nhập ASEAN. Một Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả- tự thân điều đó đã góp phần củng cố sức mạnh tổng thể, tăng cường liên kết nội khối và nâng cao ảnh hưởng, vị thế quốc tế của ASEAN.

Theo bà Hoàng Thị Hà, việc Việt Nam gia nhập ASEAN diễn ra song song với việc bình thường hóa và cải thiện quan hệ với Trung Quốc và Mỹ trong nửa đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, tạo nên đột phá chiến lược quan trọng để đất nước thoát khỏi thế cô lập và mở ra con đường hội nhập khu vực và quốc tế.

Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế có độ mở cao nhất trong khu vực, với tỷ lệ thương mại trên GDP đạt khoảng 170%- chỉ đứng sau Singapore. Mức độ hội nhập sâu rộng này được thúc đẩy nhờ mạng lưới các hiệp định thương mại tự do đa phương mà Việt Nam đã thiết lập với các đối tác kinh tế hàng đầu, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Đặc biệt, việc tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) càng củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Hình mẫu về chính sách đối ngoại

Bà Hoàng Thị Hà nhận định vai trò trung tâm của ASEAN đang đứng trước những thách thức lớn, có thể nói là chưa từng có. Trong bối cảnh đó, để duy trì và khẳng định vai trò trung tâm, ASEAN cần trở lại với những giá trị cốt lõi là đoàn kết chiến lược, gắn kết kinh tế nội khối, và một chính sách đối ngoại khôn khéo, độc lập. ASEAN cũng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả thực thi các sáng kiến khu vực về hợp tác kinh tế lẫn an ninh.

Với vị thế địa chính trị trọng yếu, năng lực hội nhập ngày càng sâu rộng và bản lĩnh đối ngoại đã được khẳng định, Việt Nam có thể góp phần thúc đẩy đoàn kết nội khối, định hình lập trường chung của ASEAN về các vấn đề chiến lược, và tạo thuận lợi cho sự tham gia xây dựng của các đối tác vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục là hình mẫu về một chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, khôn khéo, góp phần củng cố niềm tin chiến lược vào ASEAN cả từ bên trong lẫn bên ngoài khu vực.

Nhìn về tương lai, bà Hoàng Thị Hà bày tỏ sự tin tưởng vào vai trò và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trong ASEAN. Cuộc cách mạng thể chế đang diễn ra - với trọng tâm là tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản trị, và thúc đẩy môi trường đầu tư minh bạch, cạnh tranh - đang đặt nền móng cho một mô hình phát triển dựa trên chất lượng thay vì số lượng.

Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 tại Malaysia, ngày 10/7. (Ảnh: Quang Hòa)

Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 tại Malaysia, ngày 10/7. (Ảnh: Quang Hòa)

Song song với đó, chiến lược chuyển đổi kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đang mở ra triển vọng đưa Việt Nam vươn lên nắm bắt hiệu quả các xu thế lớn của kinh tế toàn cầu, từ chuyển dịch chuỗi cung ứng, kinh tế xanh, kinh tế số cho tới tăng trưởng dựa trên tri thức.

Bà nhấn mạnh nếu duy trì quyết tâm cải cách và biết tận dụng các cơ hội trong bối cảnh chuyển động địa kinh tế hiện nay, Việt Nam không chỉ nâng cao được vị thế quốc gia mà còn có thể góp phần củng cố vai trò trung tâm của ASEAN - bằng cách thúc đẩy một ASEAN gắn kết, thích ứng và phát triển bền vững trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Bước phát triển chiến lược của lịch sử hiện đại khu vực

Cũng đưa ra cách tiếp cận riêng về dấu mốc 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, Giáo sư Hal Hill thuộc Trường Chính sách công Crawford, Đại học Quốc gia Australia (ANU), nhận định việc gia nhập ASEAN là một trong những bước phát triển chiến lược và có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lịch sử hiện đại khu vực.

Giáo sư Hill nêu rõ cách đây ba thập kỷ, Đông Nam Á còn là một khu vực kém phát triển hơn hiện nay và Việt Nam lúc đó vẫn là một quốc gia nghèo, mới bước đầu hội nhập kinh tế - chính trị quốc tế sau nhiều thập niên chiến tranh. Tuy nhiên, nhờ việc tham gia ASEAN, Việt Nam đã có điều kiện học hỏi từ các nước láng giềng, những quốc gia khi đó có độ mở kinh tế cao hơn, và dần bắt nhịp vào tiến trình toàn cầu hóa khu vực.

Giáo sư Hill nhấn mạnh gia nhập ASEAN đã mở ra cánh cửa để Việt Nam học hỏi, giao lưu, nhưng quan trọng hơn là Việt Nam biết cách kết hợp quá trình hội nhập khu vực với cải cách trong nước. Ông cho rằng công cuộc Đổi mới bắt đầu từ năm 1986 là nền tảng giúp Việt Nam tận dụng hiệu quả những cơ hội mà ASEAN mang lại.

Phân tích vai trò của Việt Nam trong ASEAN hiện nay, Giáo sư Hill cho rằng có ba yếu tố nổi bật. Thứ nhất, Việt Nam có quy mô lớn về dân số và diện tích, tạo ra ảnh hưởng tự nhiên trong khu vực. Thứ hai, Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh bậc nhất ASEAN, có tiềm năng trở thành đầu tàu tăng trưởng trong thập kỷ tới. Thứ ba, Việt Nam đang chứng minh khả năng dẫn dắt trong xử lý quan hệ với các cường quốc, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ, nhờ kinh nghiệm lịch sử và sự khéo léo trong chính sách đối ngoại cân bằng.

Giáo sư Hill nhấn mạnh Việt Nam đang là hình mẫu trong cách cân bằng giữa hai cường quốc lớn trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia – điều mà nhiều nước Đông Nam Á đang tìm cách học hỏi.

Nhìn về tương lai, Giáo sư Hill tin tưởng rằng đến năm 2045, Việt Nam sẽ là một quốc gia có vai trò và ảnh hưởng lớn hơn nhiều trong ASEAN cũng như trên trường quốc tế. Với đà phát triển hiện nay, cộng thêm nền tảng ổn định chính trị và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, Việt Nam sẽ tiếp tục là động lực phát triển của khu vực.

Ông nhận định Việt Nam là một câu chuyện thành công điển hình của cải cách và hội nhập. Nếu duy trì được tốc độ phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao trong vài thập kỷ tới.

Về phần ASEAN, Giáo sư Hill cho rằng trong bối cảnh thế giới đầy biến động hiện nay, đoàn kết nội khối và tăng cường thể chế là hai yếu tố then chốt. Ông nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN chỉ có thể được duy trì nếu tổ chức này củng cố nội lực, tăng cường tiếng nói và hiệu quả hoạt động của Ban Thư ký ASEAN.

Giáo sư Hill cũng lưu ý rằng để tránh bị chia rẽ bởi các lợi ích quốc gia riêng lẻ, ASEAN cần tiếp tục xây dựng một cộng đồng đoàn kết, thống nhất trong hành động. Ông cho rằng chỉ bằng cách đó, hiệp hội mới có thể giữ vững vị thế và phát huy vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang thay đổi nhanh chóng.

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cac-chuyen-gia-khu-vuc-viet-nam-dang-la-hinh-mau-ve-doi-ngoai-trong-asean-322235.html